Siết chặt quản lý, sử dụng nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Minh bạch là chưa đủ
Sai phạm xảy ra ở các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay do khả năng giám sát của các cơ quan các cấp ở doanh nghiệp Nhà nước còn yếu kém. Cơ chế giám sát tài chính mà Bộ Tài chính đang đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có thể giải quyết được khá nhiều tồn tại trong giám sát tài chính doanh nghiệp Nhà nước song vẫn chưa toàn diện.
Giám sát tất cả các doanh nghiệp có vốn Nhà nước
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Đề án Xây dựng Tổng công ty giám sát phần vốn tại doanh nghiệp. Theo đó, sẽ xây dựng một Tổng cục với chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu hiện nay, quản lý không chỉ là vốn của nhà nước mà cả vốn vay.
Tổng cục giám sát và quản lý vốn tài sản Nhà nước ra đời sẽ giám sát thường xuyên, định kỳ và kịp thời phát hiện những bất cập sai sót trong quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Thứ trưởng cho biết thêm, sắp tới khi các Nghị định, quy chế được ban hành, sẽ mở rộng hơn với 3 tầng giám sát: Thứ nhất, giám sát tại các doanh nghiệp, hội đồng thành viên, ban điều hành, các bộ phận tài chính - kế toán, kiểm soát nội bộ…
Các doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm soát thường xuyên, liên tục tình hình tài chính của doanh nghiệp, hoặc kiểm soát đột xuất theo chuyên đề khi có dấu hiệu bất thường trong hoạt động cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp;
Thứ hai, chủ sở hữu doanh nghiệp cũng như các bộ quản lý, chuyên ngành, UBND các tỉnh, thành phố, tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước… giám sát doanh nghiệp; Thứ ba, cơ quan quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực sẽ thực hiện giám sát doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước có quyền và trách nhiệm công khai số liệu tài chính bằng biện pháp phù hợp. Đây là điểm rất mới so với cơ chế giám sát hiện hành.
Nói về giám sát và quản lý vốn, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, vốn là tài sản của Nhà nước, của toàn dân nên cần thiết phải được quản lý tốt. Chỉ trừ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bí mật là quốc phòng, an ninh, còn đã là doanh nghiệp cho dù lớn hay nhỏ, dù niêm yết hay chưa niêm yết đều phải công khai minh bạch toàn bộ hoạt động của mình, nhất là cân đối tài chính như các công ty niêm yết, phải có kiểm toán độc lập và công khai thông tin đều đặn như quy định.
Đó là nguyên tắc cơ bản của quản trị để bản thân doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ổn định.
Cần một chế tài đủ mạnh
Mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố khoản thua lỗ lên tới 30.000 tỷ đồng tại các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước đã khiến dư luận lo ngại. Sự đổ vỡ hay sai phạm của doanh nghiệp Nhà nước đã xảy ra. Và nếu không có sự thay đổi nhận thức về quản trị, điều hành doanh nghiệp Nhà nước sự đổ vỡ rất có thể chưa dừng.
Đồng tình với nhận định cho rằng, cơ chế quản lý tài chính, quản lý kinh doanh đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thời gian qua chưa thống nhất, thiếu hiệu quả. Do vậy, cần thiết xây dựng hệ thống chính sách, phương thức thực hiện giám sát vốn, tài sản Nhà nước trong tập đoàn, tổng công ty.
Ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, để đảm bảo mục đích của giám sát là đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là kịp thời cảnh báo những rủi ro, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" như thời gian vừa qua, các tiêu chí để giám sát cần được xây dựng riêng cho từng doanh nghiệp Nhà nước, nhất là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
"Đặc thù của các tập đoàn là được giao nhiệm vụ, có thể là công ích, có thể là kinh doanh, cũng có thể là kết hợp, nên phải đối mặt với những thay đổi chính sách đột ngột, với các yêu cầu khác nhau. Chính vì vậy, để giám sát và đánh giá được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, phải xây dựng bộ tiêu chí riêng cho từng doanh nghiệp để đảm bảo đánh giá đúng hiệu quả, chất lượng thực thi nhiệm vụ mà chủ sở hữu đặt ra cho doanh nghiệp, cho lãnh đạo của doanh nghiệp đó" - ông Trung nói.
Ở khía cạnh khác, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, minh bạch thông tin là quan trọng hàng đầu, tập trung vào cơ chế giám sát nhưng phải đi đôi với chế tài pháp luật phải đủ sức ngăn ngừa sai phạm, xử phạt doanh nghiệp Nhà nước vi phạm lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Dẫn chứng từ vấn đề của Vinashin và Vinalines nằm ở chỗ những cá nhân được giao đại diện vốn chủ sở hữu cố tình không chấp hành chỉ đạo của chủ sở hữu.
Câu hỏi đặt ra là cơ quan thẩm quyền có truy cứu những "người" có trách nhiệm khác hay không? Hệ thống chế tài phải được thiết kế cụ thể, đủ mạnh và rõ ràng đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời gắn với quyền và tránh nhiệm của từng chủ thể giám sát: doanh nghiệp, chủ sở hữu và cơ quan quản lý về tài chính doanh nghiệp để đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể.
“Hiện các tập đoàn, tổng công ty đang có vốn chủ sở hữu là 653.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay gấp 1,67 lần vốn chủ sở hữu. So với thông lệ quốc tế là không cao. Nhưng đáng quan tâm là có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ đi vay gấp 5 - 7 lần vốn chủ sở hữu. Do vậy, để hạn chế rủi ro, tới đây cần phải giải quyết 7 đơn vị này. Định hướng là đẩy mạnh cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.” Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính |
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo