Siết thị trường vàng: được và mất
Siết lại thị trường vàng: những hệ luỵ đầu tiên
Nghị định 24 cho phép Ngân hàng Nhà nước theo đuổi biện pháp “độc quyền sản xuất vàng miếng...” nhằm chống đầu cơ, ổn định thị trường vàng. Để có thể thực hiện được mục tiêu này, việc quy định đơn vị nào được quyền sản xuất, xuất – nhập khẩu, phân phối, mua bán là điều trước sau gì cũng sẽ diễn ra.
Có thể thấy tác động đầu tiên của chính sách này đối với thị trường vàng miếng là nó tạo ra một thị trường vàng bị cô lập với thị trường vàng thế giới. Giá vàng trong nước không liên thông và được duy trì ở mức luôn cao hơn so với giá vàng thế giới từ 3 – 5 triệu đồng trong nhiều tháng gần đây.
Theo Ngân hàng Nhà nước thì mức chênh so với giá vàng thế giới như vậy không ảnh hưởng gì đến tỷ giá và vì vậy không cần thiết phải đặt vấn đề liên thông giá vàng. Nhưng thực tế cho thấy sự không liên thông này khiến cho giá vàng trong nước biến động khó lường theo nghĩa người kinh doanh không thể đoán định được xu hướng của giá theo tín hiệu thị trường. Việc kinh doanh thua lỗ là điều hầu như không thể tránh khỏi với những đơn vị thiếu thông tin về những bước đi của các cơ quan quản lý về “hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ”. Hệ quả là đã có tới 4.000 cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ, tức hơn 30% tổng số đơn vị kinh doanh, phải bỏ cuộc trước khi được giấy phép tham gia vào cuộc chơi mới.
Ngành kinh doanh vàng đi về đâu?
Câu hỏi đặt ra là liệu 5.600 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vàng nhưng không được kinh doanh vàng miếng có thể trụ lại được với một thị trường vàng như hiện nay hay không? Và điều gì sẽ xảy ra khi cả nước chỉ có khoảng 2.400 điểm kinh doanh vàng miếng, trong đó, hơn một nửa số điểm nằm ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, còn bảy tỉnh thành phía Bắc hiện không có điểm kinh doanh nào?
Một điều ai cũng biết là có cầu ắt có cung. Với nhu cầu và thói quen tích luỹ vàng của người dân Việt Nam như hiện nay, một khi người dân có nhu cầu mua vàng miếng, chắc chắn sẽ có một nơi nào đó cung cấp. Và như vậy, sẽ có hai con đường “xé rào”. Con đường thứ nhất: các công ty kinh doanh vàng sẽ chế ra một loại vàng miếng kiểu vàng trang sức để cung ứng cho người dân như hiện đang thực hiện. Con đường thứ hai: sẽ xuất hiện thị trường ngầm để mua và bán vàng miếng, dù là vàng SJC hay là vàng miếng kiểu trang sức, đến tận tay người dân có nhu cầu.
Bởi thị trường vàng từ trước đến nay, đặc biệt ở các vùng quê, chủ yếu dựa trên chữ tín, nên sự tồn tại của thị trường ngầm sẽ hoạt động một cách bền vững, song hành với các đơn vị kinh doanh chính thống. Nói cách khác, sự tồn tại của thị trường ngầm sẽ làm vô hiệu hoá đáng kể quy định về địa điểm kinh doanh vàng miếng của ngân hàng Nhà nước. Các hoạt động buôn lậu chắc chắn sẽ xuất hiện trở lại khi thị trường ngầm được tái thiết lập.
Thị trường vàng từ trước đến nay, đặc biệt ở các vùng quê, chủ yếu dựa trên chữ tín, nên sự tồn tại của thị trường ngầm sẽ hoạt động một cách bền vững, song hành với các đơn vị kinh doanh chính thống. Nói cách khác, sự tồn tại của thị trường ngầm sẽ làm vô hiệu hoá đáng kể quy định về địa điểm kinh doanh vàng miếng của ngân hàng Nhà nước. Các hoạt động buôn lậu chắc chắn sẽ xuất hiện trở lại khi thị trường ngầm được tái thiết lập.
Nhưng những hệ luỵ trên mới chỉ là khởi đầu đối với ngành kinh doanh vàng. Để thực hiện được chính sách độc quyền kinh doanh vàng miếng của ngân hàng Nhà nước, trước sau gì ngân hàng Nhà nước cũng phải dựa vào các tổ chức tín dụng của Nhà nước. Đó là lý do vì sao Vietinbank và BIDV đã tham gia vào thị trường này, một thị trường mà họ ít quan tâm trước đây. Một khi đã dựa vào các tổ chức tín dụng nhà nước để bình ổn thị trường vàng thì những công ty tư nhân tham gia vào thị trường này sẽ bị lép vế về mặt tiếp cận các chính sách điều tiết và khó có cơ hội để phát triển trong một môi trường thiếu cạnh tranh. Sớm hay muộn, một số những đơn vị kinh doanh vàng tư nhân hiện nay sẽ phải thu hẹp hoặc rời bỏ lĩnh vực kinh doanh vàng miếng để nhường thị trường cho các đơn vị tín dụng tham gia kinh doanh vàng của Nhà nước.
Nếu như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở rộng các biện pháp kiểm soát thị trường vàng sang việc kinh doanh vàng trang sức thì 5.600 đơn vị chỉ chuyên kinh doanh vàng trang sức hiện tại cũng khó có thể cạnh tranh được với 2.400 chi nhánh của các tổ chức kinh doanh vàng lớn. Những đơn vị kinh doanh vàng lớn này có lợi thế về quy mô nên có thể thực hiện được các quy định của Nhà nước về nguồn gốc, xuất xứ, hoá đơn chứng từ với chi phí thấp hơn. Các cửa hàng chế tác vàng nhỏ lẻ sẽ phải chọn giải pháp rời ngành. Ngay cả những công ty tư nhân kinh doanh vàng trang sức cũng có thể sẽ khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nhà nước ngay cả khi có sản phẩm tốt vì họ không có được những lợi thế về kinh doanh vàng miếng, vốn chiếm một tỷ trọng doanh thu đáng kể trong kinh doanh vàng tại các cửa hàng vàng.
Như vậy, các biện pháp kiểm soát kinh doanh thị trường vàng của ngân hàng Nhà nước hiện nay, tuy trước mắt có thể giúp ngân hàng Nhà nước duy trì được giá vàng hoặc điều tiết được cung cầu theo ý mình muốn, nhưng sẽ làm cho các đơn vị kinh doanh tư nhân thua thiệt và rời bỏ thị trường. Sự ra đi của các công ty tư nhân, cả nhỏ lẫn lớn, sẽ khiến cho ngành kinh doanh vàng của Việt Nam không thể phát triển và vươn ra thị trường thế giới. Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần lưu ý khi tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát nghiêm ngặt thị trường này.
Đoàn Huế (Theo SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ