Thị trường

Siêu đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội): Đất Đông Anh rục rịch tăng giá?

Dự kiến tháng 10.2018, liên doanh BRG - Sumitomo sẽ khởi công xây dựng Dự án thành phố thông minh hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài. Siêu dự án này vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới 94.349 tỉ đồng. Với kỳ vọng này, giá đất trục Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội) đã rục rịch tăng giá.

Trục Nhật Tân - Nội Bài với siêu đô thị “Thành phố thông minh” - kỳ vọng sức hút mới cho các nhà đầu tư bất động sản - Ảnh: PV

Siêu đô thị

Dự án thành phố thông minh vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng gần 4,2 tỉ USD tại Hội nghị Đầu tư và Phát triển 17.6 vừa qua. Theo đó, dự án thành phố thông minh được quy hoạch xây dựng tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với vốn đầu tư là 94.349 tỉ đồng (tương đương hơn 4 tỉ USD) do liên doanh Tập đoàn Sumimoto - Nhật Bản và Tập đoàn BRG phát triển.

Theo kế hoạch của chủ đầu tư, siêu dự án này sẽ được khởi công vào tháng 10.2018. Trước đó, BRG thông tin dự án này sẽ được phát triển trong 5 giai đoạn với 5 mô hình liên doanh phát triển cho các giai đoạn, tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD với quy mô khoảng 271ha. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích hơn 73ha và tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD.

Tập đoàn BRG cũng là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2.080ha hai bên trục tuyến đường Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, lý do BRG lựa chọn dự án là vì niềm đam mê với quy hoạch, xin làm quy hoạch để cống hiến. Bà Nga cũng khẳng định muốn xây dựng thành phố thông minh hiện đại như Singapore.

Điểm đặc biệt của dự án này được chủ tịch BRG tiết lộ là hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án theo ý tưởng quy hoạch của công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông), tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội với ý tưởng chính là “Rồng đón ngọc”, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng - hồ Tây. Thành phố thông minh được kết nối giao thông đồng bộ với khung trung tâm lõi, bằng tuyến đường sắt đô thị số 2. Điểm đầu tuyến từ phố Trần Hưng Đạo và điểm cuối là nhà ga chính tại thành phố thông minh.

 

Giá đất có tăng?

Chỉ trong vòng chưa đầy 7 năm kể từ năm 2010 giá đất Đông Anh đã trải qua 4 giai đoạn Sốt nóng - Đóng băng - Phá băng - Sốt trở lại. Giai đoạn 2010-2011 là thời kỳ “hoàng kim” của đất thổ cư Đông Anh. Chỉ trong vòng 1 năm, nhiều mảnh đất ở Vĩnh Ngọc, Đông Hội, Hải Bối có mức tăng lên tới 80-90%, thậm chí 120%. Ở giai đoạn này, đất thổ cư Đông Anh tăng giá chóng mặt là do cuộc đổ vốn của giới đầu cơ. Chính vì vậy đến năm 2012-2013, khi thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng, giao dịch đất thổ cư nơi đây cũng đóng băng. Thế nhưng, 3 năm kế tiếp (từ 2014 đến đầu năm 2017), đất thổ cư Đông Anh chứng kiến 2 đợt tăng giá mới.

Đợt tăng giá thứ nhất vào giai đoạn 2014-2015 khi hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở Đông Anh đi vào vận hành như: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù chính thức thông xe, nhà ga T2, tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện. Tuy nhiên, ở giai đoạn này do vẫn bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn khủng hoảng nhà đất trước đó giá đất thổ cư tại Đông Anh chỉ tăng nhẹ ở mức 3-7 triệu đồng/m2, tương đương 10-15%. Những lô đất mặt tiền đoạn lên cầu Nhật Tân có giá đắt nhất lên tới 60-70 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ rộng lớn ở Vĩnh Ngọc, Đông Hội, được chào giá từ 20-30 triệu đồng/m2. Thị trường lúc này vẫn chưa thật sự nóng sốt.

Phải đến năm 2016 khi Hà Nội chính thức công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài giá đất Đông Anh mới thực sự “nhảy múa”. Những quy hoạch mang tầm chiến lược như đồ án Quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 khu vực bắc sông Hồng trở thành Trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, trục Nhật Tân - Nội Bài là động lực chính phát triển đô thị bắc sông Hồng... bắt đầu tạo sóng cho đất nền Đông Anh.

Đặc biệt, khi dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia lớn nhất Châu Á của Vingroup tại xã Đông Hội chính thức được khởi công cuối năm 2016 đã khiến giá đất tại những xã xung quanh như: Tiên Dương, Nguyên Khê, Vĩnh Ngọc... đồng loạt leo thang. Giá đất tăng đến 30% thậm chí có những mảnh bị đẩy giá lên đến 80%.

 

Hiện nay, giá đất tăng chóng mặt khiến một người dân sống tại khu vực này ngạc nhiên. “Giá tăng nhanh quá, người mua tranh nhau, phòng tài nguyên môi trường của huyện Đông Anh người chật cứng như nêm. Giá đất ở Đông Hội có những lúc chỉ trong vòng 1 tháng đã tăng đến 50%, mặt đường Đông Hội gần đường lớn ven cầu Nhật Tân có giá lên đến 40 triệu đồng/m2. Đất ở Vĩnh Ngọc có lô hồi đầu năm rao bán 25 -30 triệu/mmà giờ giá đã tăng lên đến 34-40 triệu/m2” - anh Hùng - GĐ sàn môi giới BĐS tại thị trấn Đông Anh - nói.

Nên đọc
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo