Pháp luật

Siêu lừa “đánh úp” 5 ngân hàng

Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rồi lập chứng từ giả vay tiền ngân hàng, sau đó chiếm đoạt. Đây là câu chuyện không mới, nhưng các ngân hàng vẫn khó “nhận diện” hết được dạng tội phạm này.

Hàng tồn kho chỉ tương đương 6,5 tỷ đồng nhưng Cty An Khang đã dùng thủ thuật để chiếm đoạt của 5 ngân hàng gấp hơn 30 lần

 

Vụ việc Cty TNHH An Khang tại Cần Thơ lừa đảo 5 ngân hàng chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng đang được đưa ra xét xử đang khiến không ít ngân hàng và cán bộ ngân hàng hoang mang, lo ngại bởi các nhân viên ngân hàng rất dễ “sập bẫy” khi DN cố tình giăng ra.

Lỗ hổng từ... con người?

Trong số 14 bị cáo có 8 người là cán bộ chủ chốt của 2 ngân hàng Viettinbank và Ngân hàng phát triển VN (VDB) bị đưa ra xét xử tại vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Cty TNHH An Khang (địa chỉ KCN Trà Nóc II, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Các cán bộ ngân hàng phải ra hầu tòa với hai tội danh: “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Chủ mưu của vụ án là bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương – nguyên Phó GĐ Cty An Khang được cha ruột là bị cáo Nguyễn Hồng Quân – GĐ Cty An Khang ủy quyền điều hành mọi hoạt động của DN. Theo nhận định của tòa án, do làm ăn thua lỗ bị cáo Sương đã cùng chồng là Hồ Thanh Bình và một số nhân viên làm khống 44 bộ chứng từ xuất khẩu tại VietinBank chi nhánh Trà Nóc để chiết khấu, chiếm đoạt gần 4,4 triệu USD (tương đương khoảng 90 tỉ đồng).

Ngoài ra, các bị cáo còn ký khống hợp đồng mua nguyên liệu, hợp đồng xuất khẩu để làm thủ tục vay, lừa đảo chiếm đoạt của VDB khu vực Cần Thơ - Hậu Giang hơn 76,8 tỉ đồng. Phía Cty An Khang còn làm khống 3 bộ chứng từ xuất khẩu để chiết khấu tại NH TMCP An Bình chi nhánh Cần Thơ, chiếm đoạt hơn 3,9 tỉ đồng. Cùng với đó, họ đã kê khống hàng tồn kho, làm thủ tục khống vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt của NH TMCP Đông Nam Á chi nhánh Cần Thơ hơn 14,9 tỉ đồng, chiếm đoạt của NH xuất nhập khẩu VN chi nhánh Tây Đô hơn 11 tỉ đồng. Tổng số tiền Cty An Khang chiếm đoạt của các ngân hàng lên đến trên 105 tỷ đồng và gần 4,4 triệu USD.

Với chiêu thức trên, Cty An Khang đã qua mặt vay hàng chục tỷ đồng của nhiều ngân hàng khác. Nhưng đáng chú ý hơn cả là trường hợp Vietinbank. Khi không còn tài sản thế chấp, bị cáo Sương lập khống hồ sơ xin cấp giới hạn tín dụng từ 50 tỷ lên đến 160 tỷ đồng vào tháng 2/2011. Sau khi được cấp gia hạn tín dụng, Cty An Khang đã lợi dụng việc thẩm tra hồ sơ vay của Vietinbank là cho khách hàng vay được nộp trước bản vận đơn là bản photocopy hoặc fax và bổ sung bản gốc sau 10 ngày. Trong thời gian đó, bị cáo Sương bắt đầu sử dụng nội dung hợp đồng xuất khẩu có thật cắt dán chữ ký đối tác nước ngoài, ngày tháng, năm, số lượng, giá cả hàng hóa để làm hợp đồng xuất khẩu giả…

Cán bộ ngân hàng lãnh đủ

Sau 3 ngày xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 200 tỉ đồng xảy ra tại Cty TNHH An Khang, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương 20 năm tù. Các bị cáo khác nguyên là cán bộ, nhân viên của Cty TNHH An Khang, gồm: Hồ Thanh Bình, Lê Thanh Phong (nhân viên kinh doanh), Nguyễn Văn Thuận (công nhân) cùng 3 năm tù; Nguyễn Hồng Quân (giám đốc), Nguyễn Cao Hoa Anh Đào (kế toán) cùng 2 năm tù (cho hưởng án treo). Việc các cán bộ Cty An Khang cùng chịu chung trách nhiệm với người chủ mưu về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì không có nhiều điều phải nói. Tuy nhiên, với 8 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng thì lại là những nội dung còn nhiều tranh cãi. Những cán bộ chủ chốt của hai Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Trà Nóc và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Cần Thơ - Hậu Giang bị truy tố về 2 tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thời gian gần đây, không ít vụ án kinh tế, trong đó các cán bộ ngân hàng đã phải hầu tòa vì những sai sót trong khi thực hiện các quy trình nghiệp vụ. Ranh giới giữa phạm tội hay không phạm tội rất mong manh. Đơn cử như thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây hậu quả, nếu làm trong trách nhiệm được giao thì không thể gây hậu quả. Tuy nhiên, để xác định các cán bộ ngân hàng làm hết trách nhiệm chưa cũng là điều không dễ dàng.

LS Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, rủi ro đối với các các bộ ngân hàng rất lớn. DN có thể dễ dàng sửa chữa hồ sơ khi vay vốn ngân hàng mà không bị phát hiện. Bởi vì, trách nhiệm cung cấp hồ sơ thuộc về DN, khi DN đã cố tình “giăng bẫy”  thì việc ngân hàng “sập bẫy” là khó tránh.

 

 Định rõ trách nhiệm hình sự và dân sự
LS Trần Minh Hải - Giám đốc Cty Luật Basico


Luật phải được hiểu đúng là nếu cho vay trái với các quy định pháp luật thì mới bị phạt tù. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp chỉ cần cán bộ ngân hàng cho vay vi phạm quy định của ngân hàng, cũng đã có thể bị tố cáo ra cơ quan điều tra. Đã có trường hợp một cán bộ tín dụng phụ trách một khoản vay và sau đó không thể thu hồi vốn. Sau khi rà soát quy trình, ngân hàng phát hiện cán bộ này không đi kiểm tra kho hàng định kỳ theo đúng quy trình đề ra. Cán bộ này đã bị ngân hàng quy kết và đưa ra cơ quan điều tra để buộc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu nhìn vào vụ việc trên thì thấy, các cơ quan tố tụng không nên viện dẫn đến Bộ luật Hình sự. Bởi vì, lỗi của nhân viên chỉ vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng. Trong trường hợp muốn buộc tội ai đó thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chỉ ra một cách rõ ràng người đó vi phạm điều nào, khoản nào, luật nào, chứ không thể quy kết phạm tội chỉ vì vi phạm quy định nội bộ của một DN. Đây là quan hệ dân sự và trong trường hợp này, pháp nhân chỉ có thể xử lý kỷ luật, buộc thôi việc… và yêu cầu bồi thường dân sự nếu có thiệt hại.

Bên cạnh đó, còn có những điều luật chung chung như Điều 285, Bộ luật Hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mà không chỉ rõ ra thế nào là thiếu trách nhiệm và thiếu trách nhiệm cái gì. Điều này dẫn đến tình trạng hễ ngân hàng có thiệt hại, mất vốn (mà thường là đến tiền tỷ) và sau khi rà soát quy trình phát hiện thấy khâu nào sơ sót thì cán bộ sẽ bị quy kết là thiếu trách nhiệm. Trong khi, nếu đã biết có rủi ro, thì ngân hàng phải có cơ chế phòng ngừa. Tương tự, Điều 165 về cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng không chỉ rõ ra là làm trái các quy định nào, dẫn đến tình trạng kết tội có thể mang tính chủ quan. Trong khi thực tế xét xử, điều tra tại Việt Nam cần nhiều thời gian để thay đổi thì bản thân các ngân hàng cần nỗ lực xây dựng một hệ thống phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, nhằm giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các cáo buộc trách nhiệm hình sự cho nhân viên.

Theo DDDN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo