Siêu thị đồng loạt giảm giá trái cây, rau củ
Trong khi đó, vẫn “điệp khúc” than thở, chợ và các cửa hàng, quán ăn quyết giữ nguyên giá.
Rau củ siêu thị giảm giá 5-10%
Khoảng 10g sáng, các nhân viên quản lý quầy tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu đi thay biển báo giá cả hàng hóa.
“Do mặt hàng trái cây, rau củ có tính thời vụ, thay đổi thất thường nên sau khi giá xăng dầu giảm chúng tôi khẩn trương lên kế hoạch thay đổi để có giá hợp lý cho người tiêu dùng” - chị Thu Dung, quản lý quầy hàng tại đây, cho biết.
Tại khu vực trái cây, vú sữa Vĩnh Kim có giá 49.000 đồng/kg từ ngày hôm qua được thay bằng 41.000 đồng, trong khi quýt đường giảm 11.000 đồng/kg xuống mức 36.000 đồng/kg.
Hàng loạt mặt hàng tại khu vực thực phẩm, trái cây khác cũng từ từ được thay đổi các bảng giá rẻ hơn từ 15-30% so với chỉ vài ngày trước.
Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp cho biết bắt đầu thực hiện chiết khấu khoảng 5-10% so với giá gốc nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Công Thừa, đại diện Hợp tác xã rau Anh Đào (Đà Lạt), cho hay mức giảm giá 5-10% sẽ được thực hiện cho đến tết.
Theo ông Thừa, chi phí cho vận chuyển tác động không lớn lên cơ cấu giá sản phẩm, nhưng đơn vị này vẫn thực hiện giảm giá cho hàng hóa tại siêu thị.
Tương tự, nhà cung cấp Thảo Nguyên - cung cấp các loại rau củ quả cho siêu thị - cũng cho biết do nhận định tình hình hiện nay có nhiều biến động nên kết hợp với siêu thị Co.op Mart để giảm giá 5-10% cho một số mặt hàng.
Ông Nguyễn Thành Nhân - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - nói: “Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tùy theo nhóm hàng, mức độ trễ của việc tác động giá xăng đến tỉ lệ chi phí đầu vào của từng chủng loại sản phẩm mà tiến hành giảm giá nhanh nhất”.
Cụ thể, nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp của giá vận chuyển chủ yếu là thực phẩm tươi sống như nông sản, rau củ quả, thủy hải sản đã luân phiên giảm giá, một số mặt hàng rau củ, trái cây khác cũng giảm 15% so với giá bán trước đó.
Ngoài ra, các mặt hàng thủy hải sản như cá, mực, tôm... dự kiến giảm giá 10-20% nếu không bị biến động về sản lượng do thời tiết và các yếu tố khách quan khác...
Tại một số siêu thị khác, giá cả các mặt hàng có tính thời vụ cũng được điều chỉnh giảm. Chẳng hạn, tại siêu thị Big C, các loại trái cây, rau củ vận chuyển từ miền Tây hay Đà Lạt về như khoai tây, bắp cải, xà lách... đã giảm giá 5-10%.
Trong khi đó, siêu thị Lotte Mart Cộng Hòa (Q.Tân Bình) ưu tiên giảm giá cho các mặt hàng tiêu dùng như bột giặt, nước giặt hay nước xả...
Chợ, quán ăn vẫn giữ vững giá
Với lý do không có ai giảm giá nên tại nhiều chợ, hàng hóa vẫn được bán ra như ngày thường mà không có biến động giá cả gì đáng kể.
Tại chợ Bình Thới (Q.11), giá các loại hải sản như tôm đồng 110.000 đồng/kg, tôm sú 180.000-220.000 đồng/kg, cá chép 75.000 đồng/kg, cá điêu hồng 50.000 đồng/kg, các loại thịt như thịt heo dao động từ 85.000-100.000 đồng/kg, thịt bò ở mức 220.000 đồng/kg.
Tương tự, tại các chợ nội thành khác như Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ (Q.3), chợ Phú Nhuận, tiểu thương cho hay trái cây và rau củ vẫn được giữ ở mức giá như ngày thường.
“Giảm làm sao được mà giảm em, sắp tết tăng thì có chứ làm sao có hàng giảm” - một tiểu thương bán trái cây tại chợ Bàn Cờ nói.
Ghi nhận tại các chợ cũng cho thấy một số mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, thực phẩm đóng hộp giá vẫn giữ ở mức cũ như dầu ăn Simply 48.500 đồng/lít, bò hầm Vissan 25.500 đồng/150g, cháo dinh dưỡng 21.000 đồng/gói...
“Tui đi chợ miết mà có thấy món gì giảm đâu, giá cứ bữa đực bữa cái suốt thôi, giảm được mới là lạ đó” - chị Huỳnh Thị Nhị, mua sắm tại chợ Bàn Cờ, nói.
Khi giá xăng dầu tăng, đến ly nước trà, bó rau, tô phở cũng tăng giá, nhưng khi giá xăng dầu giảm, các chủ cửa hàng ăn gần như “án binh bất động” với đủ lý do.
Vẫn lý do giá nguyên liệu đầu vào không giảm, ông Hiển - quản lý quán nhậu trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) - khẳng định vẫn giữ giá các món ăn cho đến hết năm.
“Không phải tất cả nguyên liệu đầu vào không giảm nhưng chúng tôi phải cân đối thu chi cho hợp lý. Dịch vụ ăn uống cạnh tranh khốc liệt lắm, khu này liên tiếp mọc ra hàng loạt quán mới. Do đó, thay vì giảm giá mình làm chất lượng, đồ ăn thức uống đầy đặn mới giữ chân khách được. Thực khách bây giờ cũng tinh ý, giá cả đâu phải quyết định tất cả” - ông Hiển giải thích.
Khảo sát tại một số quán ăn nhậu trên địa bàn Q.Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh... hầu hết đều giữ nguyên giá cũ. Nhiều chủ quán khẳng định thời điểm gần cuối năm việc giảm giá rất bất tiện vì ngại... đầu năm mới phải tăng lại.
“Giá cả thị trường trồi sụt thất thường lắm, đặc biệt là thời điểm nhạy cảm cuối năm này. Nếu mức giá giảm ổn định lâu dài chúng tôi mới dám hạ giá. Mặt khác, chuẩn bị sang năm mới giá điện nước, nhân công, chi phí thuê mặt bằng cũng sẽ tăng theo nên chúng tôi không dám mạo hiểm giảm giá thời điểm này” - anh Phúc, chủ quán nhậu chuyên hải sản đường Phan Văn Hớn (H.Hóc Môn), cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)