Siêu thị tiếp tay rau không nguồn gốc
Lần nào cũng nói: “Chúng tôi biết đã sai”
Mấy ngày gần đây, thông tin Cty TNHH sản xuất và chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) “bị” các siêu thị đồng loạt “tạm dừng” nhập, vì nhiều lần nhập nhèm, lấy rau không rõ nguồn gốc “biến hóa” thành RAT. Thực tế, tai tiếng RAT Ba Chữ đã từng bị báo chí phanh phui nhiều lần.
Trước đó (tháng 3/2014), Tiền Phong đăng loạt bài “Bát nháo rau vào siêu thị”, phản ánh cách làm ăn nhập nhèm, đánh lừa người tiêu dùng. Thế nhưng, sau đó, siêu thị lớn ở Hà Nội như: Big C, Metro, Lotte Đống Đa… ngó lơ trước cảnh báo của báo chí và vẫn nhập rau của công ty này.
Ông Nguyễn Văn Hiệt, Phó Giám đốc Cty RAT Ba Chữ cho biết: Hiện các siêu thị ngừng nhập tất cả các mặt hàng rau từ công ty. “Thời gian qua, chúng tôi có trà trộn rau từ chợ đầu mối vào siêu thị. Sau khi đoàn kiểm tra xuống phát hiện, huyện Đông Anh gọi chúng tôi lên yêu cầu kiểm tra, rà soát lại để báo cáo cụ thể. Lãnh đạo huyện cảnh báo sẽ rút giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đơn vị sản xuất RAT khi có kết quả cuối cùng”, ông Hiệt nói.
Cũng theo ông Hiệt, sau khi các siêu thị ngừng mua rau, số tiền thanh toán (rau) không được siêu thị trả cho phía Cty Ba Chữ. “Chúng tôi biết đã sai, nhưng sự việc thế nào phải chờ kết luận cuối cùng từ các cấp lãnh đạo. Siêu thị không thể lợi dụng tình hình lúc chúng tôi khó khăn để không trả tiền”- ông Hiệt nói.
Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch huyện Đông Anh cho biết, UBND huyện đang phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình. “Có những cái chỉ là hiện tượng, nhưng mình phải phê phán mạnh việc lợi dụng sản xuất RAT”- ông Châm nói.
Tẩy chay siêu thị làm ăn gian dối
Theo lãnh đạo Cty RAT Ba Chữ, mỗi ngày cung cấp một lượng rau nhất định cho các siêu thị và có tem dán in dòng chữ RAT Ba Chữ.
“Tuy nhiên, tại siêu thị Big C Thăng Long, Lotte Đống Đa, Metro có rất nhiều loại rau không có tên tuổi từ đơn vị sản xuất, nhưng khi thanh toán lại lấy mã từ rau Cty Ba Chữ. Rõ ràng, sự việc này cơ quan chức năng nên kiểm tra. Liệu có hay không, rau không nguồn gốc đội lốt dưới mác rau Ba Chữ. Chúng tôi thừa nhận chúng tôi có sai sót, nhưng siêu thị cũng đang làm những việc khuất tất”- ông Hiệt nói.
Trở lại loạt bài Tiền Phong phản ánh các siêu thị bán rau Ba Chữ không nguồn gốc giả danh RAT từ tháng 3/2014, đại diện siêu thị Big C lên tiếng khẳng định: Trong quá trình nhập hàng và bán, chúng tôi thực hiện các bước kiểm tra bắt buộc như kiểm tra cảm quan, chỉ tiêu kỹ thuật, định kỳ hằng tháng hoặc ngẫu nhiên khi có nghi ngờ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản bằng cách thực hiện test-kit nhanh hay gửi mẫu kiểm nghiệm…
‘‘Ngoài những giấy tờ pháp lý của các cơ quan chức năng là cơ sở pháp lý để chúng tôi hợp tác với Cty Ba Chữ; nhà cung cấp này còn cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa được cung cấp”, đại diện siêu thị Big C nói.
Siêu thị Metro, Lotte cũng cho rằng, quy trình nhập rau vào siêu thị ngặt nghèo và cho ngừng nhập rau từ đơn vị Ba Chữ ngay (lần trước, khi Tiền Phong phanh phui vụ việc, Metro cũng trả lời y chang, nhưng rồi vẫn nhập). Ông Hiệt cho rằng: “Nếu như không có công văn từ Sở Y tế Hà Nội yêu cầu ngừng nhập rau Ba Chữ, các siêu thị vẫn cứ nhập bình thường”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Bảo Vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho biết: “Đã là rau vào siêu thị phải có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; ở Hà Nội còn có thêm tem nhận diện RAT. Với rau Ba Chữ, do vi phạm, nên lâu nay chúng tôi không cấp tem nhận diện RAT. Trong khi đó, siêu thị vẫn mua rau của họ. Rõ ràng, ở đây có sự tiếp tay của các siêu thị; lẫn lộn giữa rau có và không có giấy chứng nhận, nguồn gốc, tem nhãn. Vừa rồi, rau Ba Chữ đã vào Metro, Big C, Lotte…”.
Theo ông Hồng, mới đây, chính ông cùng các cán bộ đã trinh sát “đường đi” của RAT Cty Ba Chữ từ chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến tận siêu thị.
“Sau đó, chúng tôi vào một siêu thị ở Hà Đông kiểm tra thì thấy tới 15 loại sản phẩm không có tem nhãn, buộc rơm; trong đó có 3 sản phẩm của Ba Chữ. Như thế rõ ràng, siêu thị cũng tiếp tay, gian lận thương mại, lừa người tiêu dùng”- ông Hồng nói.
Theo lãnh đạo Chi cục BVTV Hà Nội, nếu các siêu thị vẫn lấy rau không rõ nguồn gốc, không tem nhãn rõ ràng để bán; người tiêu dùng thà vào chợ gần nhà mua rau có kiểm soát còn hơn. Hiện chế tài xử phạt còn vướng, nên cách phạt nặng nhất là tẩy chay sản phẩm vi phạm và đơn vị làm ăn gian dối, đồng thời tạo kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động.
“Rõ ràng, ở đây có sự tiếp tay của các siêu thị; lẫn lộn giữa rau có và không có giấy chứng nhận, nguồn gốc, tem nhãn”.
Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng BVTV Hà Nội
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc