Xã hội

Sinh viên và những câu chuyện mưu sinh ngày hè

Ngồi nghỉ chân dưới bóng mát của hàng cây bên đại lộ Hòa Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), em Nguyễn Thị Lệ Hằng, quê Bến Tre, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Năm nào cũng vào dịp hè, em và các bạn “lãnh” tờ rơi của các doanh nghiệp, các trung tâm luyện thi đi phân phát cho người đi đường tại các giao lộ, các con hẻm, cực nhưng cũng kiếm được ít tiền để gia đình đỡ lo. Phát tờ rơi ở các giao lộ nguy hiểm và có lúc còn vi phạm luật giao
(giaoducthoidai) TP Cần Thơ hiện có 15 trường đại học, cao đẳng và trung cấp thu hút hàng chục ngàn sinh viên theo học mỗi năm. Đây là nguồn nhân lực khá dồi dào đáp ứng cho nhu cầu phát triển về mọi mặt của ĐB sông Cửu Long. Tuy nhiên nhiều sinh viên do đời sống kinh tế gia đình quá khó khăn nên đã chọn cho mình việc mưu sinh ngày hè để giảm tải gánh nặng gia đình, vừa có thêm thu nhập trang trải việc ăn ở, sinh hoạt, học tập.

Em Trần Thị Thanh Ngọc, quê Sóc Trăng, sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Cần Thơ cho biết “Hè này em và các bạn chạy bàn tại các quán nhậu, gặp khách tử tế còn có thêm tiền cho thêm công phục vụ. Có khách “xỉn tới bến” thì quờ quạng và nói năng hồ đồ, thô lỗ, buồn nhưng phải nhẫn nhịn để kiếm tiền…”. Ngọc còn nói thêm: “Mỗi tháng em lãnh lương được 1.400.000 đồng, chủ lo cơm hai bữa trưa và chiều, thời gian làm việc từ 10 giờ sáng đến tối, nghề này xem ra đang thịnh hành nhất trong giới sinh viên hiện nay. Tuy nhiên mình phải biết uống rượu bia đôi chút để đề phòng khách mời, nếu từ chối mãi sẽ bị chủ la mắng và mất việc như chơi”.

Sinh viên Cần Thơ còn có nhiều kế mưu sinh khác là phụ bán hoa kiểng dạo cho các cơ sở ươm giống, phụ hồ cho các thầu xây dựng, giữ xe tại các trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí, bán hàng kim khí điện máy, bảo hiểm xe dạo tại các ngã tư… bình quân mỗi ngày kiếm được từ 50 - 60.000 đồng/người.

Khác với các bạn sinh viên, em Nguyễn Thị Mỹ Phương, quê Cà Mau, vừa tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường Đại học Tây Đô cho biết “…Em mới tốt nghiệp chưa có việc làm nên lãnh báo bán mỗi buổi sáng tại đại lộ Võ Văn Kiệt, lời tuy ít nhưng cũng đỡ gánh nặng cho gia đình, vả lại bán báo là dịp để thu thập thêm kiến thức miễn phí…”. Phương kể thêm hôm nào bán tại chỗ không hết thì nhờ bạn bè và bản thân phải đạp xe đi bán khắp nơi vì không thể hoàn lại báo cho chủ. Mỗi sáng phải thức sớm để đi nhận báo, cực lắm nhưng dần quen.

Một số bạn trẻ khác thì chọn cho mình nghề gia sư với giá rẻ. Nghề này tuy không cực khổ lắm nhưng phải nhờ sự hỗ trợ của các trung tâm giới thiệu việc làm, các “lò” luyện thi và phải có trình độ chuyên môn học tập giỏi thì mới có việc lâu dài. Khổ nhất là phải kèm học sinh có trình độ học tập quá yếu kém, vậy là nghe những lời trách móc của phụ huynh khi sự học con em họ không mấy tiến bộ  trong khi cứ phải trả tiền “thầy” hàng tháng.

Những phương cách mưu sinh ngày hè của sinh viên để có thêm thu nhập chính đáng, dù vất vả nhưng thật đáng trân trọng biết bao.

 
Trương Thanh Liêm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo