Sở điện lực mở tiệc cưới, EVN móc túi người dân
Đám cưới được cho là to nhất tỉnh Hà Giang đã diễn ra ngay tại trụ sở của sở Điện lực thành phố, ngày 28/3.
Thiệp mời đám cưới con trai Giám đốc Sở điện lực tỉnh Hà Giang, ghi rõ nơi tổ chức tiệc cưới tại Điện lực Thành phố Hà Giang.
Tờ Dân Việt miêu tả, ngay từ 7h sáng 28/3, nhạc cưới từ trụ sở Điện lực thành phố Hà Giang (184 đường Trần Hưng Đạo, TP.Hà Giang) đã được nổi lên, rộn ràng một góc phố.
Tiếng nhạc đủ lớn khiến lớp trung cấp chính trị học đối diện phải dừng lại một lúc để bắt kịp với tiếng nhạc vui vẻ này.
Hơn 1.000 khách đã được mời đến trụ sở Điện lực của thành phố Hà Giang để dự tiệc cưới. Địa điểm tổ chức đám cưới chỉ cách trụ sở của Điện lực tỉnh Hà Giang chừng vài chục mét.
Thông tin cho biết, khách khứa đến dự đám cưới cũng có khá nhiều người đi xe ô tô. Dòng xe xếp ngoài nơi diễn ra tổ chức đám cưới kéo dài gần 1km, từ nhà khách ngân hàng nông nghiệp đến chân dốc Mã Tim.
Từ tối 27/3, tại khu vực sân trụ sở này đã thành một sảnh cưới hoành tráng. "Mấy hôm nay tôi tưởng họ làm để đón giờ trái đất hay đón nhận danh hiệu của ngành, không ngờ lại là tiệc cưới con giám đốc", một người dân cho biết.
Được biết, việc chuẩn bị trang hoàng cho nơi diễn ra đám cưới con trai Giám đốc Điện lực tỉnh Hà Giang diễn ra từ vài ngày nay. Trước ngày cưới ba hôm, cơ quan này đã giao mặt bằng gồm sân, tường trong toàn bộ khu nhà hình chữ U cho một công ty trang trí mỹ thuật được gia đình giám đốc ngành mời từ Hà Nội lên.
Tuy nhiên, dù tiệc cưới diễn ra ngay tại sân trụ sở nhưng cán bộ ngành điện lực Hà Giang vẫn khẳng định họ không bị chi phố và vẫn làm việc bình thường.
EVN lời lớn: Tin mừng cay đắng!
Cứ mỗi lần tăng giá điện, EVN lại than lỗ, than rằng phải từng bước đưa giá điện về đúng giá thị trường, cắt lỗ cho nhà nước. Trong vòng 1 năm qua, giá điện đã tăng 2 lần với mức tăng thêm 5%. Lần gần nhất giá tăng là 1/8/2013, lên mức bình quân 1.508,85 đồng/kWh và tiếp tục hứa hẹn sẽ tăng tiếp.
Thế nhưng, khi "đánh úp" người dân thì ngành điện đưa ra đủ lý lẽ, thậm chí ngành điện còn giải thích vì thiếu tiền trả nợ nên phải tăng giá, móc túi người dân. Song cái kỹ năng "đốt tiền" thì cũng rất đáng nể.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng, với việc đầu tư ra ngoài ngành hàng trăm nghìn tỷ đồng, vượt vốn điều lệ tới… 45.000 tỷ của EVN không chỉ khó thu hồi vốn mà còn lỗ trên hàng nghìn tỷ đồng.
Chưa kể chi li ra, tính cả các doanh nghiệp “con”, “cháu” thì khoản lỗ còn khủng nữa. Với 7 doanh nghiệp 100% vốn của nhà đèn như các Tổng công ty điện lực ở các miền Bắc, Trung, Nam, các công ty nhiệt điện … số tiền lỗ đã lên tới hơn 3.600 tỷ đồng.
Thậm chí, kết luận của Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra rằng, trong 6 cái dự án nguồn điện như Ô Môn, Phú Mỹ, Nghi Sơn, Hải Phòng… đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sữa chữa”.
Nhưng trên thực tế đó lại là những căn biệt thự lộng lẫy, những căn nhà song lập, liền kề với đủ các loại hạ tầng như sân tennis, bể bơi, nhà trẻ và dành cho cán bộ ngành điện… ở. Gần 600 tỷ đồng xây “nhà vận hành” kiểu… biệt thự đó, cuối cùng được quyết toán vào chi phí đầu tư và đương nhiên là nó sẽ được tính vào… giá điện bán cho dân!
"Điện là ngành độc quyền nên mỗi lần giá điện tăng đều gây bức xúc. EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện, nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu đã hợp lý chưa, với những khoản chi và đầu tư bất hợp lý rồi lỗ mà bắt người tiêu dùng gánh thì quá phi lý"- TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bức xúc.
TS Nguyễn Ngọc Sơn (Khoa luật cạnh tranh Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) gọi con số lãi này là “tin mừng cay đắng”: “EVN lời lớn khi giá điện tăng liên tục. Viettel lợi nhuận “khủng”, VNPT cũng vậy, khi ngành viễn thông không cải thiện chất lượng dịch vụ mà chỉ tăng giá. Lợi nhuận mà các tập đoàn này công bố cho thấy nguyên lý độc quyền luôn có lợi vẫn luôn luôn đúng”.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường) băn khoăn, thắc mắc về lỗ, lãi của EVN: “Trong trường hợp EVN đã có lãi cao thì phải xem lại lộ trình tăng giá điện. Vì sao tôi đặt vấn đề như vậy? Vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, đông đảo người dân có cuộc sống chật vật với thu nhập ít ỏi, tại sao ngành điện đã có lãi rồi mà vẫn muốn tăng giá?”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo