Số định danh cá nhân: Lo ngại về bảo mật thông tin
(baocongthuong) Quy định mỗi công dân có 1 mã số định danh, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu nhằm hướng tới nền quản lý hiện đại. Bởi số hóa, điện tử hóa thông tin là xu hướng tất yếu. Đây sẽ là nền tảng cho việc đơn giản hóa, giảm bớt những phiền nhiễu liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Đề án nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về tính khả thi. Ông Trương Tường Lân - Giám đốc Công ty Dịch vụ Nam Cường - cho hay, khi áp dụng diện rộng với số dân đông và chênh lệch về trình độ, thu nhập là cả một vấn đề phức tạp. Ngoài ra, băn khoăn lớn nhất là: Hiện đại hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có độ chênh và vênh khá lớn giữa quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, nhất là khả năng bảo mật thông tin của công dân.
Bà Trần Huyền Trang - trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội - cho rằng, sẽ có sự vi phạm Hiến pháp về quyền bảo mật thông tin, quyền tự do cá nhân của công dân. Vì ngay cả khi chưa triển khai mã số định danh thì trên thực tế, tình trạng bị lấy cắp thông tin cá nhân để bán cho các hãng bảo hiểm, ngân hàng… đã diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, gây thiệt hại về tinh thần và vật chất cho người dân. Do đó, Bộ Tư pháp phải có quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người thì đề án mới khả thi.
Ngoài ra, quy định mã số này thay thế toàn bộ tất cả số thẻ như: Bảo hiểm xã hội, y tế, hộ khẩu là nhằm hướng tới sự tiện dụng, tiết kiệm thời gian, tiền của nhưng sẽ gặp không ít trở ngại khi triển khai. Vì thực tế, không phải đối tượng nào cũng tham gia sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, xã hội do nhà nước cấp. Họ có thể sử dụng thẻ của các hãng tư nhân. Do đó, nhiều người cho rằng, nên loại trừ những loại thẻ đặc thù ra khỏi mã số định danh này.
Mặt khác, bà Huyền Trang còn nghi ngại, liệu Việt Nam có đủ minh bạch trong vấn đề hệ thống các dữ liệu này không, quyền công dân được nhà nước bảo đảm như thế nào, các chế tài xử phạt vi phạm, và sự vi phạm bắt nguồn từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì xử lý ra sao? Luật Hộ tịch sẽ có hiệu lực vào năm 2015, vậy liệu có đủ thời gian triển khai cấp mã số định danh cá nhân cho gần 90 triệu dân đã đăng ký khai sinh từ trước?
Với hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế như hiện nay, thiết nghĩ, cần có sự nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trước khi thực hiện đề án.
Đoàn Huế
End of content
Không có tin nào tiếp theo