Sở hữu càng nhiều nhà, đóng càng nhiều thuế
Hiện nay, chúng ta đã có Luật thuế đất phi nông nghiệp, tới đây sẽ tính thuế đối với nhà. Một trong những mục đích đánh thuế nhà là để hạn chế đầu cơ, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn.
Hầu như tất cả các nước đều có thuế đối với nhà, chứ không chỉ thuế đất. Về quan điểm cá nhân, theo ông Cường, trước mắt mức thuế nhà sẽ thấp, chỉ nhằm để người dân có ý thức kê khai. Bên cạnh đó, để hạn chế đầu cơ, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giao dịch nhà đất.
Theo đó, mọi giao dịch phải thông qua sàn giao dịch bất động sản và thanh toán qua các tổ chức tín dụng.
Tức là khi xuất trình hợp đồng chuyển nhượng để làm giấy chuyển nhượng thì phải có hợp đồng thanh toán qua ngân hàng. Quy định này nếu được triển khai còn hạn chế giao dịch thanh toán bằng tiền mặt và ngăn trốn thuế.
Hà Nội có gần 700 biệt thự bỏ hoang Theo kết quả kiểm tra trong năm 2011 của cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cùng Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trong số gần 2.700 căn biệt thự tại các huyện nội ngoại thành khu vực Hà Nội, có 1.743 căn đã được sử dụng, chiếm khoảng 65%. Số còn lại chưa đưa vào sử dụng, nhiều căn hiện còn ở tình trạng xây thô, bỏ hoang (khoảng 700 biệt thự). Có không ít dự án dù đã được phê duyệt 7 năm vẫn chưa hoàn thiện. |
Trước đó, để điều tiết thị trường BĐS, Sở Xây dựng TP.HCM, TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng đã có đề xuất về việc đánh thuế nhà.
Theo kiến nghị của Bộ XD, mỗi gia đình sẽ được định mức 100m2 nhà ở, nếu vượt con số này mức thuế đánh vào mỗi mét vuông nhà là 30.000 đồng/năm.
Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính đề nghị khung giá đánh thuế nhà ở đối với nhà từ 101m2 trở lên, với mức thuế từ 101 - 150m2 nhà ở sẽ đóng 130% thuế suất.
Đối với những căn nhà có diện tích từ 150m2 trở lên sẽ đóng thuế 150%, nhà trên 200m2 sẽ có mức thuế suất là 200%. Tuy nhiên, đề xuất trên chưa được Quốc hội thông qua do không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.
Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhưng giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất. Mà đầu cơ lâu nay tập trung chủ yếu vào đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.
Là một người ủng hộ quan điểm phải đánh thuế nhà, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng việc chậm trễ đánh thuế nhà và đánh thuế đất quá thấp là nguyên nhân dẫn đến việc lúng túng trong giải quyết bài toán phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng hàng trăm biệt thự, nhà đất để không như hiện nay, gây lãng phí và làm méo mó thị trường BĐS.
GS Đặng Hùng Võ: Chỉ tập trung đánh thuế nhà tại đô thị
Muốn nhận được sự đồng thuận của người dân thì điều quan trọng chính tính hợp lý của thuế nhà. Đã hợp lý thì phải làm.
Còn nhiều loại phí, lệ phí, thuế khác mà không hợp lý thì loại bỏ. "Chúng ta chỉ tập trung đánh thuế nhà tại đô thị, có thể miễn thuế nhà tại nông thôn và miền núi.
Thậm chí thuế nhà chỉ cần tập trung vào các đô thị lớn phát triển, còn các đô thị kém phát triển thì có thể miễn. Anh được ở trung tâm thành phố, giao thông đi lại thuận tiện, mở cửa sổ ra là có thể được ngắm hồ, ngắm pháo hoa.
Vì thế anh phải chịu thuế cao hơn là đương nhiên. Bên cạnh đó, thuế nhà có thể đánh đặc biệt cao vào nhà bỏ hoang như nhiều nước khác đã làm", GS Võ nhấn mạnh.
"Chưa nên thu lúc này"
Ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cũng đồng tình với việc phải đóng thuế nhà ở vì "kinh doanh phải đóng thuế", nhưng cũng khẳng định thời điểm này chưa phải lúc.
Năm 2012 là năm các doanh nghiệp BĐS phải vật lộn để tồn tại. Vì vậy, nếu quy định này được thông qua sẽ khiến thị trường đã lạnh càng lạnh thêm.
Mục tiêu hướng đến của đề xuất này là nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá nhưng hiệu ứng tiêu cực của nó sẽ rất lớn. Đánh thuế lũy tiến đối với cả nhà và đất sẽ khiến giới đầu tư chùn tay.
Đó là chưa kể, hiện nay thuế đánh vào lĩnh vực BĐS đã quá nhiều, nếu tiếp tục đánh thuế đối với nhà sẽ khiến giá nhà đất tăng cao, làm giảm cơ hội tiếp cận ở của người dân. |
Vịnh Nghi
End of content
Không có tin nào tiếp theo