Xã hội

Sở Nội vụ nói gì về hàng trăm giáo viên bị đẩy ra đường?

Chiều 5/5, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh) ông Nguyễn Công Trình đã có trao đổi với chúng tôi xung quanh chuyện tuyển dụng viên chức GD-ĐT gây nhiều bức xúc đang diễn ra ở huyện Yên Phong.

Ông Nguyễn Công Trình cho biết: Năm 2012 Sở Nội vụ đã đặt ra vấn đề này khi thực hiện kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết TƯ IV trước thực tế còn tồn tại rất nhiều hợp đồng lao động tại cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

 
Đây là vấn đề lịch sử để lại nhiều năm rồi. Và Bắc Ninh không phải là địa phương cá biệt.
 
Ông Nguyễn Công Trình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: V.Chung)
 
Riêng trường hợp huyện Yên Phong, từ 2002-2007 sở GD-ĐT chủ trì việc xét tuyển giáo viên trên toàn tỉnh. Từ 2008, UBND tỉnh có quyết định 59/2008/QĐ-UBND ngày 8/5/2008 phân cấp quản lý công tác tổ chức, biên chế và cán bộ công chức viên chức giao quyền tự chủ cho các huyện thì Yên Phong mới chưa thực hiện tuyển viên chức giáo dục lần nào. Các trường do thiếu giáo viên nên ký hợp đồng lao động với người cần tìm việc làm.
 
Sự việc cứ tồn tại suốt thời gian dài khiến số lượng giáo viên hợp đồng ở đây rất lớn.
 
Sở Nội vụ, tỉnh ủy, UBND tỉnh nắm được vấn đề. Sở Nội vụ năm 2012 đã đã phê bình, gợi ý Yên Phong kiểm điểm nội dung này.
 
Dù tỉnh đã có văn bản cấm tuyển dụng hợp đồng lao động, nơi nào thiếu và có nhu cầu thì đăng ký tuyển đủ nhưng nhiều nơi vẫn tồn tại. Đặc biệt sau năm 2008 không ít đơn vị vận dụng luật lao động để ký hợp đồng với người có nhu cầu.
 
Sở Nội vụ đã ra công văn yêu cầu các địa phương nghiêm túc chấm dứt việc này, không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục. Dự kiến đến cuối 2014, toàn tỉnh sẽ không còn hợp đồng lao động tại tất cả các đơn vị hành chính, sự nghiệp nữa.
 
Không thể đồng ý, chưa xử lí ai sai
 
Tại sao Bắc Ninh không xem xét tuyển đặc cách các giáo viên này theo điểm a Khoản 1 Điều 14 NĐ 29/2012/NĐ-CP và Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ hay ít nhất là cộng điểm ưu tiên cho người có thâm niên, thưa ông?
 
- Về việc tuyển đặc cách, trước khi huyện Yên Phong có đề nghị, Sở Nội vụ cũng đã xem xét nội dung này.
 
Ngày 26/7/1012, huyện có đề nghị Sở Nội vụ tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục của Yên Phong.
 
Lãnh đạo sở chúng tôi khi đó khá băn khoăn vì đây là vấn đề lớn, nhạy cảm. Qua nhiều lần trao đổi điện thoại, gặp trực tiếp và cả văn bản của Sở Nội vụ ký ngày 26/4/2013 gửi xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng đặc cách những giáo viên này song đến giờ sở vẫn chưa nhận được bất kỳ trả lời chính thức nào của Bộ.
 
Một lãnh đạo của Bộ từng nói với tôi nếu cho Bắc Ninh làm có lẽ cả nước sẽ xin làm.
 
Kỳ họp HĐND tỉnh giũa năm 2013, các đại biểu cũng chất vấn UBND tỉnh và giám đốc Sở Nội vụ khi này là ông Đỗ Văn Thiêm đã trả lời khi không có văn bản đồng ý của Bộ Nội vụ, sở không dám tham mưu UBND tỉnh tuyển đặc cách.
 
Về việc cộng điểm, thường trực UBND tỉnh cũng đã giao sở Nội vụ tham mưu chính sách này. Khi họp HĐND có đại biểu đã đặt lại mong mỏi trên. Nhưng quy định cộng điểm ưu tiên không có trong luật tuyển viên chức nên lãnh đạo tỉnh không thông qua.
 
Từ trước đến nay tại Bắc Ninh đã có trường hợp giáo viên hợp đồng lâu năm nào được tuyển đặc cách vào viên chưa, thưa ông?
 
Theo quy định, tất cả đều phải thi xét tuyển không chỉ qua hồ sơ, ai đủ điều kiện đăng ký. Không có ai lâu năm được đặc cách cả.
 
Các trường đã sai khi ký hợp đồng lao động với giáo viên trái quy định. Vậy sở có biện pháp xử lí gì chưa, thưa ông?
 
Chúng tôi chứ chưa xử lí kỉ luật ai, trường hợp nào
 
Nhiều bất cập
 
Phản ánh của giáo viên cho biết huyện Yên Phong xét tuyển thẳng viên chức nhưng nhiều môn như tiếng Anh còn phân chỉ tiêu ĐH bao nhiêu, CĐ bao nhiêu hay như môn hát nhạc còn phân.
 
Nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm tại Yên Phong, Bắc Ninh nức nở vì bị đẩy ra khỏi trường. (Ảnh: V.Chung)
 
Theo quy định thu hút nhân tài của tỉnh, vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học trường hợp thạc sĩ tiến sĩ mới được tuyển thẳng.
 
Cơ cấu chức danh nghề nghiệp nay quy định giáo viên THCS có 2 loại: giáo viên THCS (người có trình độ cao đẳng) và giáo viên THCS chính (có trình độ đại học). Sở đã yêu cầu huyện Yên Phong khi tuyển cần sắp xếp đúng vị trí của người trúng tuyển.
 
Theo ông, có lãng phí không khi người có bằng thạc sĩ tiễn sĩ chuyên sâu vào dạy THCS, không ít trong số này mới chỉ có chứng chỉ sư phạm học trong 1,5 tháng là được cấp?
 
Về góc độ tham mưu, tôi cũng có những trăn trở. Nhưng nói lãng phí sử dụng nhân lực như vậy khó. Có bằng thạc sĩ là trình độ cao, nhà nước cũng ưu tiên. Chất lượng thực qua công tác đánh giá mới kiểm chứng được. Nói thừa thì không, trình độ cao quy định tuyển dụng viên chức công chức còn được xếp loại lượng bậc 2.
 
Không ít giáo viên cho biết việc thi phỏng vấn còn nhiều bất cập: không có camera giám sát, không được phúc khảo, nội dung thi chỉ xác suất 25% câu hỏi vào kiến thức chuyên môn. Ông có ý kiến gì về điều này?
 
Việc xét hồ sơ và thi tuyển qua phỏng vấn có người này người khác. Tại Yên Phong qua giám sát của sở Nội vụ họ làm nghiêm túc, đúng quy trình.
 
Tuy nhiên đúng là quy định phỏng vấn không phúc khảo có phần không hợp lý, không khoa học.
 
Thêm nữa, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Nội vụ thay vì phỏng vấn có thể chuyển sang giảng thực hành.
 
Tại sao gần hết năm học Yên Phong mới thực hiện tuyển dụng viên chức rồi đuổi họ khi công việc nhà trường đang bộn bề, thưa ông?
 
- Do lần đầu thực hiện theo Nghị quyết 29 về tuyển dụng viên chức cùng số lượng tuyển lớn nên quá trình chuẩn bị, thực hiện của huyện Yên Phong bị kéo dài. Hơn nữa cũng do số lượng hợp đồng lao động của giáo viên khá nhiều nên địa phương lúng túng khi thực hiện.
 
Nay nếu không phân bổ người đã trúng tuyển thì lại trái quy định luật viên chức. Đấy là cái khó của huyện Yên Phong.
 
- Cảm ơn ông!
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo