Quốc tế

So sánh sức mạnh các siêu tăng chủ lực của quân đội Mỹ - Nga

Các siêu tăng chủ lực của Mỹ và Nga đều đã có hàng chục năm trong biên chế lực lượng vũ trang, dù các vũ khí này luôn được cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất, xứng đáng là những xe tăng mạnh nhất thế giới.

Xe tăng từng là vũ khí thống trị trên chiến trường và việc sở hữu một đội xe tăng hùng mạnh với hỏa lực “khủng” đồng nghĩa với cơ hội chiến thắng trong các cuộc đối đầu rất cao. Tuy nhiên, trong kỉ nguyên của phương pháp chiến tranh du kích và đối đầu tầm xa, những vũ khí từng được mệnh danh là “voi ma mút” vì kích thước lớn và uy lực trong những cuộc đối đầu trực diện, dường như đã không còn trở thành tiêu chí hàng đầu để đánh giá sức mạnh của lực lượng vũ trang một quốc gia.

Tuy vậy, xe tăng vẫn giữ một vai trò chủ chốt trong bất cứ nền quân đội hiện đại nào, cung cấp hệ thống hỏa lực trên mặt đất mạnh mẽ và trở thành biểu tượng cho sức mạnh của những siêu cường quân sự thế giới. Hai kho xe tăng lớn nhất thế giới thuộc về 2 “ông lớn” Mỹ và Nga, với số phương tiện lần lượt là 5.800 và 20.000 chiếc.

Xe tăng M1A2 SEPv3. Ảnh: Task And Purpose.

Phương tiện bọc thép mạnh mẽ nhất trong quân đội Mỹ đã có tuổi đời gần 40. Chiếc xe tăng M1 Abrams đã bắt đầu được đưa vào biên chế từ năm 1980 và được liên tục cập nhật nhằm đảm bảo chiếc xe này có thể thích ứng với điều kiện tác chiến hiện đại. Các biến thể M1A1, M1A2 lần lượt ra đời vào năm 1985 và 1986.

Các phiên bản của xe tăng M1 là thành tố chính tạo nên “xương sống” của các đơn vị phương tiện bọc thép Mỹ trong suốt 30 năm qua. Mỗi khi lực lượng Mỹ cần tới hỏa lực để tấn công vào một địa điểm nào đó, các xe tăng M1 sẽ xuất hiện, dù là ở những khu vực đèo, đồi núi, thung lũng hiểm trở.

Có khoảng 5.000 xe tăng M1 Abrams đang biên chế trong lực lượng bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ, với các biến thể đa dạng. Có khoảng 3.000 xe được tin rằng có thể sẵn sàng hoạt động cùng một lúc.

Xe tăng M1 được coi là sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu kể từ lần đầu xuất hiện. Dù phần khung nền xe đã tồn tại nhiều năm, nhưng nhờ những cải tiến không ngừng mà phiên bản M1 năm 2018 vẫn là một vũ khí mạnh mẽ.

Sử dụng súng chính nòng 120mm, khả năng tấn công của M1A2 đã dần được cải tiến theo thời gian nhằm đảm bảo nó có thể tấn công những vũ khí mới nhất của đối phương. Trong khi đó, phần bên trong của xe tăng này cũng được trang bị các cảm biến hiện đại và hệ thống điều khiển hỏa lực hàng đầu thế giới.

 

Ngoài ra, M1A2 còn được trang bị lớp giáp bằng uranium dày đặc bảo vệ các quân nhân điều khiển khỏi mối đe dọa bị tấn công trực diện. Lớp giáp này có giá thành rất cao, làm đẩy giá thành của M1A2 lên 6 triệu USD cho mỗi chiếc, nhưng hiệu năng mà nó mang lại rất đáng "đồng tiền bát gạo".

Xe tăng T-14 Armata. Ảnh: Getty.

Để phù hợp với tình hình hiện tại, Mỹ liên tục tiến hành cải tiến và nâng cấp các xe tăng M1A2. Quân đội Mỹ vừa tiếp nhận thêm các xe tăng M1A2 SEP Abrams, cải thiện toàn diện về lớp thiết giáp, cảm biến, và phần mềm điều khiển hệ thống hỏa lực cùng với hệ thống điều khiển tác chiến số hóa. Ngoài ra các xe tăng của Mỹ cũng được nâng cấp hệ thống giáp chống nổ, có khả năng làm các hỏa lực đang cố tấn công vào phương tiện bị trục trặc.

Mỹ cũng đang thực hiện phiên bảp cải tiến cuối cùng dựa trên nền tảng M1A3 trước khi chuyển sang phát triển dự án xe tăng chủ lực mới trong tương lai.

Với Liên Xô và Nga, xe tăng đóng vai trò thiết yếu trong quân đội nước này. Vào thời điểm hiện tại Nga vẫn đang sở hữu 20.000 xe tăng, số lượng xe lớn nhất trên thế giới, trong đó có khoảng 3.500 xe có thể hoạt động cùng lúc.

Xe tăng mạnh nhất của Nga là T-90. Nga sở hữu khoảng 750-1000 biến thể của siêu tăng này. Lần đầu được giới thiệu vào những năm 1990, nền tảng này có giá khoảng 4,5 triệu USD, rẻ hơn M1A2 Abrams. T-90 được phát triển dựa trên nền tảng xe tăng T-72 và T-80.

 

T-90 có tải trọng 46,5 tấn. Xe tăng này được trang bị pháo nòng trơn 2A46 M 125mm, súng máy đồng trục 7,62 mm, súng máy hạng nặng Kord 12,7mm. T-90 đã được thử nghiệm thực chiến khi được điều động đến chiến trường Syria hỗ trợ quân đội Nga và Syria tiêu diệt nhóm phiến quân nhà nước Hồi giáo cực đoan IS.

Dòng xe tăng T-90A bắt đầu có mặt trong biên chế quân đội Nga từ năm 2004. Ngoài được trang bị động cơ và thiết kế tháp pháo mới, T-90 được tích hợp kính ngắm quang ảnh nhiệt ESSA. Ngoài ra, T-90A cũng được trang bị giáp phản ứng thế hệ thứ 3, cho phép nó có thể chống lại được pháo nòng trơn 120mm từ các đối thủ.

Thêm vào đó, T-90A được tích hợp hệ thống gây nhiễu hồng ngoại chống tăng Shtora. Vào năm ngoái, Nga đã công bố đoạn video cho thấy xe tăng này bị tấn công bởi tên lửa TOW-2A tại chiến trường Syria nhưng không hề có hư hại nghiêm trọng.

Ý thức được nhu cầu của xe tăng hiện đại trong biên chế, Nga bắt đầu chế tạo siêu tăng T-14 Armata. T-14 được trang bị hệ thống phòng thủ Afghanit, gồm các radar và hệ thống phòng thủ, có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tên lửa dẫn đường, súng chống tăng tấn công T-14. Ngoài ra, T-14 còn được trang bị lớp giáp phản ứng nổ (ERA) Malachit, có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn chống tăng hiện tại.

Theo Business Insider, Nga có thể sẽ sử dụng pháo 2A83 152 mm trên T-14 trong tương lai. Vũ khí này có thể bắn thủng lớp thép dày 1 m Ngoài ra, T-14 còn được trang bị súng máy Kord 12,7 mm và 1 khẩu PKTM 7,62 mm. Khẩu pháo 125 mm được trang bị trên một tháp pháo không người lái ở trung tâm của thân xe tăng T-14, được nạp đạn bằng hệ thống tự động. Pháo có thể bắn 12 viên/ phút với nhiều loại đạn, gồm đạn xuyên giáp và pháo đẫn đường.

 

Tháp pháo của T-14 hoàn toàn tự động, cho phép cả 3 quân nhân điều khiển có thể ngồi bên trong xe tăng, đảm bảo sự an toàn khi tác chiến. Cho tới năm 2020, quân đội Nga sẽ dự kiến nhận về 2.300 chiếc T-14.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo