Pháp luật

Sơ thẩm “sữa dê Danlait” kiện chi cục QLTT: Lý lẽ hai bên đều hay?

Tại phiên tòa ngày 24/9/2014, đương sự (người khởi kiện - công ty TNHH Mạnh Cầm và người bị kiện - ông Vương Trí Dũng, Chi cục phó quản lý thị trường Hà Nội) cùng các bên có quyền lợi liên quan đã đối thoại một lần về vụ kiện trước khi có kết luận chính thức từ Hội đồng Xét xử (HĐXX).

Đương sự trao đổi trước buổi tuyên án của HĐXX (ảnh: Thu Hà)

Những vấn đề liên quan đến vi phạm hành chính của người bị kiện – ông Vương Trí Dũng, 190 tờ phiếu xuất kho và việc bồi thường thiệt hại là những nội dung chính của cuộc trao đổi tại phiên tòa trong buổi sáng 24/9.


Phía công ty TNHH Mạnh Cầm cho rằng Phó chi cục Quản lý thị trường Hà Nội là ông Vương Trí Dũng không được ủy quyền về Đội Quản lý thị trường số 12. Nhưng khi sự việc xảy ra, ông Dũng lại đứng ra xử lý vi phạm và ký quyết định xử phạt công ty Mạnh Cầm.


Luật sư Quản Văn Minh (đại diện bên bị kiện) phản biện: Căn cứ khoản 3 điều 37 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi bổ sung 2008) thẩm quyền xử phạt hành chính của Cục quản lý thị trường: Chi cục trưởng Quản lý thị trường được quyền phạt đến 20 triệu đồng trong một vụ án. Vụ việc này xử phạt 15 triệu đồng thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Quản lý thị trường. Theo điều 41 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi bổ sung 2008) về ủy quyền xử phạt hành chính, rất khó có quyền xử phạt đối với hành vi của Phó cục trưởng Vương Trí Dũng.


Hơn nữa, Chi cục trưởng có bàn giao giấy ủy quyền số 09 (3/1/2013) ghi rõ ủy quyền xử phạt một số đội và ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Báo cáo kết quả kiểm tra thị trường có bút phê của Cục trưởng và Phó cục trưởng, chỉ đạo đội quản lý thị trường số 12 thực hiện hồ sơ. Việc này giao cho Vương Trí Dũng – Phó chi cục trưởng ký quyết định xử phạt, thuộc thẩm quyền của Cục trưởng theo đúng quy định của pháp luật.


Thẩm quyền trong xử lý vi phạm vụ sữa Mạnh Cầm này không phải chỉ là nhắc nhở. Trong quy định của pháp luật quy định rất rõ là phải xử lý từ 15 – 20 triệu. Chính vì vậy, ở vụ việc này đội quản lý thị trường mới chuyển lên chi cục quản lý thị trường xử lý. Theo điều 37 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính từ 15 – 20 triệu thuộc quyền của Chi cục trưởng. Và có thêm quy định là Chi cục trưởng được ủy quyền cho Chi cục phó xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ này. Như vậy, ông Vương Trí Dũng được ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật.


Đối với 190 tờ phiếu xuất kho. Bà Nguyễn Thị Sinh ( Luật sư công ty TNHH Mạnh Cầm ) nhận định số phiếu xuất kho này bị thu hồi nhưng chưa hề có một kết luận nào của quản lý thị trường. Về vấn đề này, luật sư Quản Văn Minh nói : 190 tờ phiếu xuất kho có dấu hiệu vi phạm luật. Trong đó giá hàng hóa thực tế chênh lệch hàng hóa kê khai. Trên hóa đơn là 115 000 nhưng trên phiếu xuất kho lại là 330 000, 370 000, 410 000. Do đó, có dấu hiệu vi phạm về thuế.


Theo kết luận của đại diện phía Viện Kiểm sát, tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay cả đại diện quản lý thị trường người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan đều xác định là hiện tại cơ quan thuế đã ra quyết định trưng thu thuế đối với số hóa đơn 190 tờ phiếu. Người khởi kiện cũng đưa ra yêu cầu là chưa có kết luận cuối cùng về việc giải quyết, xác định 190 tờ phiếu xuất kho đấy có vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hay  không, đề nghị cung cấp chứng minh chứng minh. Tuy nhiên, người bị kiện không đưa ra được kết quả xử lý đối với 190 tờ phiếu xuất ngoài.


Về vấn đề bồi thường thiệt hại, luật sư Quản Văn Minh nhấn mạnh: Công ty Mạnh Cầm đưa ra căn cứ bồi thường thiệt hại không hề cụ thể. Ngày 28/6/2013, công ty Mạnh Cầm đòi bồi thường thiệt hại 1 tỷ 256 triệu đồng. Đến ngày 20/8, công ty Mạnh Cầm lại yêu cầu bồi thường 24 tỷ 800 triệu đồng. Ngày 13/11/2013 vào buổi đối chất tại tòa thì lại yêu cầu bồi thường 1 tỷ 250 triệu đồng, về thiệt hại vật chất là 5 600 hộp sữa. Vào phiên tòa ngày hôm qua thì là 1 tỷ 259 triệu đồng và trên 7 000 hộp sữa. Theo quy định của pháp luật, bồi thường phải trên thiệt hại thực tế nhưng theo lời khai công ty Mạnh Cầm về bồi thường thiệt hại là không có cơ sở pháp lý.


Đối đáp lại vấn đề này, phía đại diện công ty TNHH Mạnh Cầm có đề cập đến những tổn thất sau những phát ngôn không đúng về sữa dê Danlait. Hiện tại doanh nghiệp này không kinh doanh mặt hàng sữa nữa mà phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, cho thấy thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn. Còn số lượng sữa tồn kho đến nay vẫn không bán được.


Luật sư Nguyễn Thị Sinh có đưa ra những khúc mắc về việc xác minh, kiểm tra, xử lý cùng một ngày 21/3/2013.  Đại diện người kiện phản biện, hiện tại pháp luật không có quy định nào về thời gian xử lý. Hơn nữa, việc giải quyết những vi phạm hành chính nhanh, gọn, nhẹ là một tín hiệu tốt cho xã hội và cho doanh nghiệp.

Bà Sinh cũng đồng ý với quan điểm này. Nhưng đối với trường hợp của công ty TNHH Mạnh Cầm, bà Sinh muốn phía người bị kiện quản lý thị trường cũng cần cung cấp những chứng cứ xác đáng về thời gian xác minh và kiểm tra những dấu hiệu vi phạm của công ty Mạnh Cầm.


Trả lời câu hỏi của bà Sinh, đại diện Đội Quản lí thị trường số 12 nói rằng: Trước khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi cũng đã tổ chức sắp xếp: xác minh, thu thập chứng cứ chứ không phải kiểm tra.

Theo quy định của pháp luật việc thu thập chứng cứ không thể hiện bằng văn bản. Quy định của pháp luật là người có thẩm quyền tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đội quản lý thị trường 12 không có trách nhiệm cung cấp tài liệu cho phía công ty Mạnh Cầm.
Phiên tòa kết thúc bằng phát biểu tổ tụng sơ thẩm từ phía đại diện Viện Kiểm Sát. Chiều 27/9, phiên tòa tiếp tục làm việc.

 

Thu Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo