Xã hội

Sở Y tế Hà Nội bất ngờ đẩy trách nhiệm lên Bộ Y tế vụ thẩm mỹ Cát Tường

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chỉ định ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở y tế, đồng thời là phát ngôn của Giám đốc Sở trả lời phỏng vấn liên quan đến trách nhiệm vụ thẩm mĩ viện không phép gây chết người rồi phi tang.

Thẩm mỹ viện vứt xác bệnh nhân: Sở kêu oan!?

Thưa ông, vụ gây chết người, vứt xác phi tang xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người đặt câu hỏi về lỗ hổng trong công tác quản lý, thanh kiểm tra và trách nhiệm Sở Y tế Hà Nội trong vụ việc này?

Ông Nguyễn Việt Cường:- Có ba điểm cần nhấn mạnh trong vụ việc này. Thứ nhất, tôi phải khẳng định lại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường là hoạt động chui, không được cấp phép theo quy định của Luật khám chữa bệnh (KCB).

Thứ hai, theo quy định tại Nghị định 87, Thông tư số 41 ngành nghề khám bệnh, chữa bệnh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ quy trình cấp phép rất nghiêm ngặt vì liên quan đến tính mạng con người. Thông qua đó, Sở Y tế chỉ quản lý những cơ sở y tế nào đã có phép.

Ví dụ, hiện trên địa bàn Hà Nội, có 33 cơ sở hoạt động KCB đã được cấp phép hoạt động khám, trong đó có 3 bệnh viện và 3 phòng khám chuyên khoa có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép bắt buộc phải ghi rõ trên biển hiệu: Tên phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; có tên bác sĩ; số giấy phép hoạt động; giờ làm việc.

Thẩm mỹ viện Cát Tường đã có đăng ký kinh doanh KCB nghĩa là phải nằm trong sự quản lý trực tiếp Sở Y tế Hà Nội. Tại sao lại có chuyện bác sĩ chuyên khoa xương đăng ký hành nghề KCB, lại hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ mà Sở Y tế không biết, quận cho qua, Phòng Y tế không nắm được?

Ông Nguyễn Việt Cường:- Không. Đăng ký kinh doanh là khác ví dụ như thẩm mỹ viện nếu chỉ làm đẹp, massage là kinh doanh không có điều kiện không cần phải xin phép Sở Y tế. Sở chỉ quản lý lĩnh vực KCB.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: VietTq

Còn việc hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ là do Bệnh viện Bạch Mai xác nhận hành nghề, không liên quan đến Sở.

Quận chỉ có thể quản lý về mặt hành chính, còn như ông nói Sở quản lý về mặt chuyên môn, KCB. Như vậy, trong trường hợp này có phải Sở Y tế Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp, thưa ông? 

Ông Nguyễn Việt Cường:- Không phải trách nhiệm của Sở Y tế. Phòng y tế, trực thuộc ủy ban quận, quận phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Sở chỉ phối hợp, tham mưu giúp thành phố về chuyên môn nghiệp vụ chứ họ hoàn toàn chủ động tự làm. 

Nghĩa là trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người, vứt xác xuống sông Hồng, Sở Y tế HN bị búa rìu dư luận oan?

Ông Nguyễn Việt Cường: - Cũng phải chịu thôi, Sở cũng không dám thanh minh gì. Nhưng Phòng Y tế quận không thuộc sự quản lý của Sở.

Thẩm mỹ gây chết người: Sở đẩy trách nhiệm cho người dân?

Xin ông nói rõ hơn về kế hoạch thanh kiểm tra hàng năm đã được Sở thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Cường: - Trong hoạt động thanh kiểm tra, trên địa bàn sẽ do Phòng y tế các quận huyện chịu trách nhiệm. Thanh tra Sở Y tế sẽ tiến hành thanh kiểm tra trên diện rộng, theo kế hoạch được xây dựng trước do Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo. Ngoài ra sẽ có những đợt thanh tra đột xuất.

Đảm bảo mỗi cơ sở có phép sẽ được kiểm tra 2 lần một năm.

Bên cạnh đó, vào 15 hàng tháng, Sở sẽ tiến hành giao ban với các Phòng Y tế địa phương nhằm nắm bắt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế được cấp phép trên địa bàn.

Hiện trong lĩnh vực thanh tra khám, chữa bệnh chỉ có 4 cán bộ sẽ được phân chia để đảm bảo công tác thanh tra.

Vậy, từ đầu năm Sở đã tiến hành bao nhiêu cuộc thanh tra, kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Cường: - Thông qua nắm bắt tình hình từ Phòng y tế địa phương, từ người dân đến KCB, người dân khu vực... thanh tra đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra.

Đối với phòng phẫu thuật thẩm mỹ từ đầu năm tới giờ thanh tra sở đã tiến hành thanh tra được 17 cơ sở. 

Đối với lĩnh vực KCB, từ đầu năm thanh tra Sở đã tiến hành được kiểm tra được 120 lượt cơ sở. Đình chỉ 5 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) không phép. Xử phạt 40 cơ sở, số tiền 483 triệu. Tước giấy phép vĩnh viễn một cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với các Phòng y tế, quận huyện đã kiểm tra được 631 lượt cơ sở, xử lý không phép 9 cơ sở. Xử phạt 40 cơ sở, 307 triệu.

Lỗi vi phạm chủ yếu là hành nghề không đúng phạm vi; quảng cáo sai; biển hiệu không đúng quy định; không có giấy phép hoạt động;...

Thưa ông, vậy còn quy trình cấp phép hoạt động cho các cơ sở thẩm mỹ, KCB được thực hiện thế nào?

Ông Nguyễn Việt Cường: - Theo Thông tư 41, quy trình cấp phép hoạt động cho các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ phải tuân thủ đầy đủ các bước, từ khâu chuẩn bị hồ sơ , thẩm định lại hồ sơ, sẽ chuyển phòng quản lý hành nghề tư nhân thẩm định lại dựa trên cơ sở: nhà xưởng, diện tích, buồng phòng, quy mô hoạt động; trang thiết bị phục vụ KCB; nhân lực. Khi đủ điều kiện mới được cấp phép. 

Theo ông nói, tất cả các quy trình quản lý, thanh kiểm tra đều đúng, chặt chẽ, không sai. Nhưng chết người vậy xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, tại sao thế thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Cường:- Tôi cho rằng nguyên nhân là do con người và ý thức của người hành nghề. 

Vì đó là vấn đề liên quan trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của con người, nên người dân chỉ nên tới những bệnh viện có uy tín, được cấp phép của cơ quan y tế không nên mạo hiểm.

Vẫn phải đặt lại vấn đề trách nhiệm một lần nữa. Sở là đơn vị quản lý trực tiếp trên địa bàn Hà Nội mà để xảy ra vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Sở sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào

Ông Nguyễn Việt Cường: - Tôi cũng xin hỏi lại, theo phạm vi quản lý ngành một cơ sở phải chịu sự quản lý của nhiều đơn vị quản lý khác, Sở Y tế chỉ quản lý những cơ sở KCB. Trong khi Cát Tường hoạt động không phép thì thế nào?

Giấy phép kinh doanh là điều kiện cần nhưng không đủ. Có giấy đăng ký kinh doanh nhưng không có nghĩa là sẽ có giấy phép KCB do Sở Y tế cấp. Cát Tường chưa gửi hồ sơ xin đăng ký giấy phép hoạt động KCB lên Sở.

Không chỉ có Cát Tường mà ngay cả dọc đường Giải Phóng cũng không có phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ nào có phép. 

Toàn bộ các phòng khám dọc khu phố không phép mà vẫn hoạt động, Sở không hay biết gì? 

Ông Nguyễn Việt Cường: - Không, ở đó nhiều phòng khám. Tôi thấy nhiều phòng khám về da liễu, phụ khoa nhiều.

Vậy, ông vẫn cho rằng Sở vô can?

Ông Nguyễn Việt Cường: - (Cười…) Tôi đã nói từ đầu, tôi chỉ là Chánh thanh tra Sở Y tế, tôi chỉ trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đẩy trách nhiệm sang Bộ

Như vậy là công tác phối hợp quản lý, nắm địa bàn giữa Sở với địa phương không tốt, còn thụ động. Sở giải thích nào?

Ông Nguyễn Việt Cường: - Tôi cho rằng, vấn đề này nên hỏi đơn vị chính chủ.

Dù Sở có chủ động, nhưng nếu cơ sở cố tình vi phạm, biết vi phạm vẫn làm thì Sở cũng không làm gì được.

Ví dụ, họ đóng cửa, khóa cửa hoạt động hành nghề KCB ở trong nhà mà Thanh tra có cho rằng có dấu hiệu vi phạm nhưng bị khóa cửa thì phải làm thế nào? 

Để thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra Sở phải phối hợp với rất nhiều đơn vị. 

Sau vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, dư luận lo ngại sẽ còn những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra. Bởi sau rất nhiều vụ việc như chết người tại phòng khám Maria, nạn nhân đã mất mạng cả năm nhưng vẫn không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Dư luận đặt câu hỏi liệu có sự móc ngoặc, làm lơ của thanh tra Sở, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Cường:- Không bao giờ có chuyện đó. Thời điểm xử lý vụ việc Maria chỉ có thể xử lý theo quy định của Nghị định 45, chứ không thể xử lý ngoài phạm vi đó được.

Sai phạm, chết người nhưng không ai chịu trách nhiệm, nên mới có vụ việc chết người tại thẩm mý viện Cát Tường chỉ ngay sau khi vụ việc tương tự từng xảy ra tại phòng khám Maria. Ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Việt Cường: - Tôi hiểu bức xúc của dư luận. Khi có sự việc xảy ra thi luôn hỏi thanh tra ở đâu. Nhưng áp lực của ngành y tế rất lớn vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Có thể làm 99 việc tốt không sao nhưng chỉ cần có 1 việc xấu thì lập tức được mang ra mổ xẻ.

Ông nghĩ sao khi, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm quản lý ngành. Sở Y tế Hà Nội là cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở y tế trên địa bàn nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm?

Ông Nguyễn Việt Cường:- Phải nói rất rõ. Bộ trưởng nói là rất chính xác, rất đúng. Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ, đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế. Chính vì vậy, Bộ trưởng mới phải trực tiếp đứng ra nhận lỗi.

Nếu Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ tại một bệnh viện của HN thì chắc chắn Giám đốc Sở phải đứng ra để xin lỗi. Chính vì vậy, Sở vẫn im lặng chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ. Phải có trình tự. 

Dự định sắp tới của Sở Y tế Hà Nội sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Cường: - Tiếp theo Sở vẫn thực hiện thanh tra theo kế hoạch đã được duyệt. Sẽ tiếp tục cho kiểm tra, thanh tra toàn bộ 33 cơ sở khám chữa bệnh đang được cấp phép hoạt động trên địa bàn.

Theo VietQ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo