Sóc Sơn, Hà Nội: Lập "khống" hồ sơ GPMB dự án mở rộng đường 35
Nghi vấn xác minh sai nguồn gốc đất
Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân tại xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lên tiếng phản ánh về những bất cập, sai phạm trong công tác GPMB thực hiện dự án mở rộng tuyến đường 35 qua địa bàn huyện Sóc Sơn, chủ đầu tư là Ban QLDA Giao thông Đô thị - Sở GTVT Hà Nội.
Anh Đặng Huy Hải, trú tại xã Hồng Kỳ cho biết: năm 1991, anh được bà Trương Thị Đáng (mẹ đẻ) cho thửa đất số 52, diện tích 920 m2, tờ bản đồ số 24 tại thôn 5 Tân Phúc, xã Hồng Kỳ. Từ đó đến nay, gia đình anh quản lý, sử dụng ổn định, không có tranh chấp với ai và luôn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất.
Năm 2011, khi thực hiện Dự án mở rộng, nâng cấp đường 35 huyện Sóc Sơn, có thu hồi của gia đình anh gần 100 m2 đất và các công trình, tài sản trên đất, biên bản kiểm đếm do chính anh Hải ký.
Tuy nhiên, sau nhiều năm không nhận được thông tin liên quan đến công tác bồi thường GPMB, ngày 21/11/2015, gia đình anh Hải hết sức bất ngờ khi thấy lực lượng chức năng, máy móc đến cưỡng chế giải tỏa khu đất của mình. Hai bên đã xảy ra xô xát do gia đình anh Hải quyết liệt phản đối hành động trái pháp luật của cán bộ UBND xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn.
Tìm hiểu rõ ngọn ngành, gia đình anh Hải “tá hỏa” khi biết thửa đất 920 m2 đã được tách làm đôi, mang tên mẹ anh là bà Trương Thị Đáng và anh trai là Đặng Thanh Ngọc; mọi hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc kiểm kê đất đai, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB và nhận tiền đều mang tên mẹ và anh trai.
Điều đáng nói, bà Trương Thị Đáng năm nay đã ngoài 90 tuổi, trí nhớ nhiều khi không còn minh mẫn; còn anh Đặng Thanh Ngọc thì bị bệnh tâm thần, đã được điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi, hiện chỉ nằm ở nhà không được ra ngoài.
Anh Hải bức xúc: “Không hiểu tại sao tôi là chủ sử dụng đất, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế từ năm 1990 đến nay, nhưng khi kiểm kê đất đai, lên phương án bồi thường và thậm chí việc tách thửa đất ra làm đôi mà tôi cũng không hề hay biết. Có hay không việc cán bộ xã lợi dụng việc mẹ tôi tuổi đã cao và anh trai bị bệnh để trục lợi?”.
Cán bộ thông đồng, lập số liệu đo đạc khống để trục lợi ngân sách
Liên quan đến hồ sơ kiểm kê đất đai, tài sản trên đất nằm trong chỉ giới thu hồi, anh Hải cũng hết sức ngạc nhiên khi trên đất nhà mình xuất hiện một bức tường gạch 220, cao 1,8 mét, tổng chiều dài 26 mét.
Theo anh Hải và nhiều người dân tại đây xác nhận, từ trước đến nay gia đình anh làm kinh doanh, buôn bán nên khu vực đất giáp mặt đường không hề xây tường bao. Kể cả các phần đất liền kề cũng không có bức tường gạch 220, cao 1,8 mét như trong hồ sơ kiểm đếm, đo đạc của UBND xã Hồng Kỳ và xác nhận của Ban bồi thường GPMB huyện Sóc Sơn.
Anh Hải đặt nghi vấn, phải chăng, một số cán bộ trong Tổ công tác xã Hồng Kỳ và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB đã “vẽ” ra các hạng mục này nhằm trục lợi hàng chục triệu đồng tiền chi trả bồi thường GPMB của nhà nước. Và việc tách thửa đất nhà anh ra làm đôi mang tên mẹ già và anh trai bị bệnh tâm thần nhằm dễ dàng chiếm đoạt số tiền “khống” trên?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hùng – Phó ban Bồi thường GPMB huyện Sóc Sơn cho biết, UBND huyện đã nhận được đơn tố cáo của anh Đặng Huy Hải liên quan đến vấn đề bồi thường GPMB trên. Hiện nay UBND huyện đã giao cho Thanh tra huyện Sóc Sơn tiến hành xác minh các nội dung liên quan.
Ông Hùng cho biết thêm, sau khi nắm được thông tin, CĐT là BQL Dự án Giao thông Đô thị đã có văn bản gửi tới Thanh tra huyện Sóc Sơn. Theo đó, CĐT đã làm việc, xác minh nguồn gốc đất với UBND xã Hồng Kỳ, Phòng TNMT huyện Sóc Sơn và xác định thửa đất ông Hải phản ánh đã được bà Trương Thị Đáng đề nghị tách hồ sơ thành 02 phương án: thửa đất số 207A mang tên Trương Thị Đáng và thửa đất số 207 mang tên Đặng Thanh Ngọc.
Về nghi vấn cán bộ lập khống hồ sơ kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền trên đất để rút tiền nhà nước, theo như phản ánh, tố cáo của anh Đặng Huy Hải, ông Hùng đùn đẩy trách nhiệm và cho rằng, những sai phạm về việc kiểm kê thì Ban bồi thường GPMB không nắm được để cung cấp!? Khi lập biên bản kiểm kê, UBND xã và các thành viên Tổ công tác sẽ xác nhận vào biên bản này, nên muốn biết thông tin thì phải liên hệ UBND xã và Chủ đầu tư.
Ông Hùng khẳng định: “Thẩm quyền xác nhận nguồn gốc đất là của UBND xã, và khi người ta đã đóng dấu đỏ vào đó thì các tổ chức ngang cấp như Ban bồi thường GPMB, Phòng TNMT thì chúng tôi không có quyền là nếu không có ý kiến chỉ đạo của cấp trên hoặc cơ quan thanh tra thì không thể có quyền nghi ngờ hoặc tự đi kiểm tra những cái xác nhận của người ta”.
Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội Ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội do Luật đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ giao cho về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội Điều 39. Trách nhiệm của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện có trách nhiệm sau: 1. Hướng dẫn Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng các công việc sau:
a) Xây dựng kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng; b) Lập và trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; c) Triển khai thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và tổ chức bàn giao mặt bằng; 2. Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, các điều kiện cần thiết cho tổ chức công tác giải phóng mặt bằng để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 3. Chỉ đạo, hướng dẫn Tổ công tác trong việc tổ chức điều tra kê khai số liệu về đất và tài sản gắn liền với đất của người bị thu hồi đất.
4. Đôn đốc thực hiện các nội dung xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan theo kế hoạch tiến độ đã được phê duyệt. 5. Căn cứ tình hình thực tế, chủ trì phối hợp với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 6. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quy chế bốc thăm tái định cư, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện quy chế bốc thăm tái định cư. 7. Tiếp dân và giải đáp thắc mắc và hướng dẫn trong việc tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng. 8. Lưu trữ, quản lý hồ sơ, tài liệu, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
9. Tổng hợp, gửi báo cáo định kỳ công tác giải phóng mặt bằng hàng tháng, quý, 06 tháng và hàng năm trên địa bàn cho Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố. |
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
End of content
Không có tin nào tiếp theo