Sóc Sơn: Xã được quyền thu hồi đất?
Trong quá trình thực hiện các qui trình về trình tự thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mở rộng kho dự trữ quốc gia, UBND huyện Sóc Sơn đã không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân mà lại để cho UBND xã Minh Trí tự đo vẽ, kiểm kê xác định quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Ngày 22/12/2011, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5931 về việc Thu hồi hơn 23.352m2 đất tại Thôn Thắng Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn để mở rộng Kho dự trữ Quốc gia Thắng Trí.
Tuy nhiên UBND huyện Sóc Sơn không ban hành Quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, theo các hộ dân ở đây là trái với quy định tại khoản 2, Điều 44 Luật Đất đai. Theo đó, trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc về một trình tự thủ tục bắt buộc của UBND cấp huyện.
Việc thu hồi cũng tăng thêm hơn 432 m2. Cụ thể, tổng diện tích đất thực tế của các hộ dân bị thu hồi lại lên đến hơn 23.784m2 , so với hơn 23.352m2 được phép thu hồi tại quyết định 5931.
Về hình thức quyết định cưỡng chế, biện pháp tổ chức cưỡng chế cũng không tuân thủ qui định của pháp luật. UBND huyện Sóc Sơn, (cơ quan được UBND thành phố Hà Nội giao thực hiện trình tự bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng) lại giao cho UBND xã Minh Trí áp dụng một hình thức cưỡng chế thu hồi đất “ngoài luật”.
Ngày 02/4/2013, UBND xã Minh Trí đã thực thi và phá toàn bộ trên 23.000 cây keo cùng toàn bộ tài sản trên đất của các hộ dân.
Phản ứng về việc này, bà Nguyễn Thu Hà, người bị thu hồi diện tích đất nhiều nhất bức xúc “Tôi thấy một số người thực thi nhiệm vụ giải phóng mặt bằng hành xử một cách rất phi chính trị, phi kinh tế và phi pháp luật. Những vườn keo vô thức nhưng là tài sản của chúng tôi, là sản phẩm xã hội, kết tinh trong đó là máu, mồ hôi công sức của người lao động. Dù có muốn thay đổi vị trí của nó để thực hiện một mục đích chính trị kinh tế nào đó thì cũng không được phép hành xử với nó như vậy!”
Vẫn theo bà Hà, “việc phá vườn cây trên diện tích gần 24.000m2 chúng tôi có quyền liên tưởng đến dấu hiệu của một vụ án hình sự. Việc thu hồi thêm 432,2 m2 đất có dấu hiệu của tội phạm về tham nhũng”.
Ông Dương Văn Dõi, một trong 9 hộ dân bị thu hồi đất cũng kịch liệt phản ứng: “Đây không phải là thu hồi mà là cưỡng ép đất của chúng tôi. Riêng tôi bị thiệt hại hơn 200 triệu tiền hủy hoại cây cối. Lực lượng cưỡng chế đuổi chúng tôi ra. Cán bộ huyện đe dọa không cho chúng tôi ra ngoài, họ bảo “nếu lạc đạn họ không chịu trách nhiệm”.
Đất ở bị tính là đất rừng
Ngoài thu hồi và cưỡng chế bị người dân phản ứng, UBND huyện Sóc Sơn còn xác định nguồn gốc đất của các hộ dân là đất rừng, đất giao khoán để đền bù với giá rẻ mạt 26.000 đồng/mét vuông. Trong khi toàn bộ diện tích đất này theo các hộ dân đã được chính quyền địa phương cấp làm đất ở và đất vườn. Bằng chứng là họ có giấy phép sử dụng đất ở của UBND xã Minh Trí cấp và đóng thuế cho chi cục thuế huyện là đất ở và đất vườn.
Trường hợp của chị Nguyễn Thu Hà có tổng diện tích đất bị thu hồi là 15.176m2, trong đó có 1.600m2 đất ở và 11.970m2 đất vườn. Chị Hà cho biết: “Đây là diện tích đất mà các hộ gia đình đã chuyển nhượng cho gia đình chị vỡ hoang từ năm 1990 và đã được UBND xã Minh Trí Quyết định giao đất. Sau đó, chị Hà đã nhận chuyển nhượng trên cơ sở Hợp đồng chuyển nhượng được UBND xã Minh Trí xác nhận.
“UBND huyện Sóc Sơn không dựa trên bất kỳ tài liệu nào để chứng minh, mà cho rằng diện tích đất của gia đình tôi là đất được giao khoán là rất áp đặt. Thực tế, các quy định pháp luật về đất giao khoán quy định rất rõ ràng về cơ chế giao khoán qua các hợp đồng giao khoán, cơ chế phân chia sản phẩm”, chị Hà nói.
Vẫn theo người dân, nếu là đất giao khoán thì các hộ nhận khoán không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực tế, các hộ gia đình chuyển nhượng đất ở và đất vườn. Đơn xin chuyển nhượng của hộ chị Hà đã được UBND xã Minh Trí chứng thực là đất ở, đất vườn và cho phép chuyển nhượng. "Vậy thì không thể xác định là đất giao khoán được", chị Hà nói.
Xác định sai về nguồn gốc đất nên UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ xác định giá bồi thường diện tích đất bị thu hồi theo giá đất được giao khoán mà không phải là đất vườn, các hộ dân cho là là không đúng.
Ông Tạ Văn Tố, Thôn Thắng Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Đất vỡ hoang từ năm 1990, sau này chúng tôi xin xã cấp 400 mét vuông đất thổ cư. Chúng tôi đã có giấy cấp đất ở. Chúng tôi đề nghị cấp trên giải quyết đền bù theo giá đất ở. Hiện nay chưa nhận được khoản đền bù nào vì chúng tôi không chấp nhận giá đền bù của đất giao khoán”.
Giống nhau về quyết định giao đất, khác xa quyết định bồi thường.
Bà Hà cho biết: “Tôi xin đưa ra một so sánh thực tế đã được UBND huyện Sóc Sơn giải quyết trong năm 2011. Tôi và gia đình bà Chiều ở thôn Thắng Trí cùng được UBND xã Minh Trí cấp quyền sử dụng đất năm 1991. Mảnh đất của bà Chiều chỉ cách nhà tôi vài trăm mét. Trong dự án mở rộng trường tiểu học Minh Trí, thôn Thắng Trí, mảnh đất của gia đình bà Chiều được UBND huyện Sóc Sơn bồi thường theo giá đất ở với mức 1.900.000 nghìn đồng /m2, còn mức bồi thường cho gia đình tôi là; 26,600 trăm đồng /m2".
"Với những bất công đó tôi đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn nhưng tòa đã ba lần hoãn xét xử với lý do tìm thêm chứng cứ. Cho đến nay vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ, hoa mầu và tài sản của tôi đã bị phá hủy không biết ở đâu. Đất đã bị thu hồi với công trình cũng đã sừng sững mọc lên nhưng một quyết định đạt chuẩn vẫn chưa thấy , vậy tiêu chuẩn nào sẽ được đặt ra cho những thủ tục hành chính của chính quyền Sóc Sơn khi làm phương án bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất như tôi ".
Thiên Thanh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo