Môi trường

Sớm thứ Hai xem nhật thực hình khuyên

Rạng sáng ngày 21/5 (thứ Hai) nhật thực hình khuyên, một hiện tượng thiên văn kỳ thú và hiếm gặp sẽ xuất hiện trên bầu trời một số vùng phía Tây Nam nước Mỹ, dọc Thái Bình Dương và một phần Châu Á. Việt Nam có thể quan sát một phần của hiện tượng này.

Theo anh Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm CLB Thiên văn Nghiệp dư TP Hồ Chí Minh (HAAC), nhật thực hình khuyên sẽ bắt đầu 5 giờ 06 phút, cực đại lúc khoảng 6 giờ 52 và kết thúc pha hình khuyên vào khoảng 8 giờ 39 phút sáng 21/5 theo giờ Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ từ khi Mặt Trời mọc.

 

Những khu vực càng gần phía Đông Bắc càng có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng này với tỷ lệ Mặt Trời bị che càng lớn vào sáng 21/5. Tại Hà Nội, ngày này, Mặt Trời sẽ mọc lúc 5h17 phút và kết thúc nhật thực lúc 6h13 phút. Tại TP Hồ Chí Minh, Mặt Trời mọc lúc 5h30, nhật thực kết thúc lúc 6h01 phút. Ở Đà Nẵng là 5h15 Mặt Trời mọc, nhật thực kết thúc vào 6h07 phút.

 

Các địa điểm càng về hướng đông như các đảo, quần đảo, khu vực ven biển sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực lâu hơn do Mặt Trời mọc sớm hơn. Lưu ý chúng ta nên chọn nơi quan sát có hướng Đông, quang đãng, ít cây cối nhà cửa che chắn tầm nhìn.

 

Để đảm bảo an toàn khi quan sát, theo anh Duy, người yêu thiên văn nên sử dụng kính chuyên dụng quan sát Mặt Trời, kính thợ hàn số 14 trở lên. Có thể quan sát gián tiếp bằng chậu nước pha mực, màn chắn hay súng mặt trời (sungun). Tuyệt đối không sử dụng kính râm, phim X-Quang, kính hơ khói, giấy gói quà để quan sát. Tuyệt đối không quan sát qua kính thiên văn, ống nhòm nếu không được gắn phim lọc mặt trời chuyên dụng.

 

Nhật thực hình khuyên diễn ra vào thời điểm Mặt Trăng đi vào giữa Trái đất và Mặt Trời. Do khoảng cách giữa Mặt Trăng, Trái đất và Mặt Trời không cố định nên trong một số trường hợp, nhìn từ trái đất, Mặt Trăng nằm lọt trong lòng Mặt Trời nhưng không che hết được Mặt Trời. Khi đó Mặt Trời vẫn hiện ra như một vòng nhẫn rực rỡ bao quanh Mặt Trăng.

 

Phải đến năm 2016, Việt Nam mới lại có cơ hội chiêm ngưỡng lại hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Nguyễn Hoài (TP)

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo