Sonadezi giãi bày vụ xả thải ra môi trường
Trong buổi gặp gỡ phóng viên báo đài ngày 8.10, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị "Sonadezi Long Thành có biết chính quyền địa phương, người dân nhiều năm qua đã phản ánh nước sau xử lý của nhà máy đổ ra rạch Bà Chèo khiến cá chết, vịt chết?",, ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) nói: “Nói mấy hồ, mấy ha cá chết thì xin lỗi nhà báo, nói phải có cơ sở!”
Theo ông Tuấn, mới nhất đây, cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49) đã mời viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá chất lượng nước mặt khu vực rạch Bà Chèo, sông Đồng Nai. Kết quả đánh giá sơ bộ có nhiều nguồn xả thải ra nguồn nước tại đây. “Nên trên cơ sở xem xét các chỉ tiêu nước thải ra từ nhà máy xử lý Sonadezi Long Thành thì không có cơ sở rõ ràng về mức độ ảnh hưởng", ông Tuấn nói.
Thiện chí là... khắc phục hệ thống xử lý
Hiện đã có hơn 200 hộ dân bị thiệt hại khiếu kiện yêu cầu Sonadezi Long Thành bồi thường, công ty có hướng giải quyết như thế nào?
Đến lúc này đã có kết luận của C49 về hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường của Sonadezi Long Thành. Như đã nói, có rất nhiều nguồn xả thải ra sông rạch khu vực này chứ không chỉ chúng tôi. Do đó chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, đơn vị khoa học có đánh giá, xem xét mức độ ô nhiễm nước mặt đồng bộ toàn bộ khu vực rạch Bà Chèo, suối Nước Trong và sông Đồng Nai. Trên cơ sở có kết luận chính thức, khách quan của cơ quan chức năng, chúng tôi sẵn sàng thực hiện trách nhiệm theo pháp luật, không từ chối hay lẩn tránh.
Trước những bức xúc hiện nay của chính quyền địa phương và người dân, đến nay Sonadezi Long Thành không hề có động thái thông báo hay có tiếng nói thiện chí nào từ sự cố mình gây ra?
Thiện chí của chúng tôi trong thực tế là đã, đang và sẽ khắc phục, hoàn thiện hơn nữa hệ thống xử lý nước thải. Chúng tôi cũng đã báo cáo tất cả các nội dung với các cơ quan chức năng Còn với người dân khiếu kiện thì phải thực hiện theo đúng trình tự quy định pháp luật nhà nước.
Nước thải chưa xử lý ra môi trường của nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi Long Thành. |
Trong báo cáo với cổ đông các năm trước đây có nội dung đã nâng cấp nhà máy xử lý lên giai đoạn 2 là 10.000m3/ngày, trong đó có câu “các chỉ tiêu nước thải về cơ bản đạt quy định theo tiêu chuẩn”. Nhưng đến lúc bị C49 bắt quả tang thì công ty cho rằng do sự cố ngoài ý muốn, trong khi vào năm 2009, 2010 nhà máy đã bị các cơ quan chức năng xử phạt tương tự?
Vấn đề ở đây là giấy phép xả thải của chúng tôi là giấy phép xả thải có điều kiện, có lộ trình đến năm 2012. Trên cơ sở đó chúng tôi đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nâng cấp cải tạo để làm sao, trong lộ trình đó, đến thời điểm đó đạt được chi tiêu theo quy định. Còn vấn đề nhà máy bị xử phạt thì cũng chỉ là tại thời điểm chứ không phải là mọi thời điểm.
Vì trong các quá trình kiểm tra hoạt động của chúng tôi, không phải tại mọi thời điểm từ năm 2009 đến nay, các chỉ tiêu đều bị vượt tiêu chuẩn. Xin lưu ý: chúng tôi bị phạt mỗi năm một lần trong vòng ba năm không có nghĩa là trong cả ba năm chúng tôi đều vượt những chỉ tiêu đó.
Khi đã chấp nhận cho các công ty trong KCN đấu nối vào hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung của Sonadezi Long Thành, thì không có lý do gì khi bị bắt quả tang nước thải ra môi trường vượt tiêu chuẩn, nhà máy lại đổ lỗi do hệ thống xử lý nước thải của công ty đó bị sự cố?
Việc tiếp nhận nước thải từ các công ty trong KCN là có điều kiện: họ phải có nhà máy xử lý nước thải cục bộ tại đơn vị mình để đảm bảo nước thải đầu ra đúng với tiêu chuẩn nước thải đầu vào nhà máy xử lý tập trung của chúng tôi.
Quy định giới hạn tiếp nhận nước thải đầu vào của nhà máy xử lý nước thải tập trung chỉ tiếp nhận chỉ tiêu nhiệt độ <40 độ C, nhưng vào thời điểm đó (bị C49 bắt quả tang - PV) bản thân doanh nghiệp dệt nhuộm cũng đang trong quá trình nâng cấp hệ thống xử lý cục bộ của họ, nên dẫn đến nhiệt độ đưa về nhà máy cao hơn (từ 44 – 48 độ C). Nhiệt độ này không đảm bảo hoạt động của vi sinh vật, dẫn đến làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý của trạm xử lý nước thải của chúng tôi.
Xử lý nước thải không phải là chuyện ngày một, ngày hai (!)
Phía sau miệng xả của Sonadezi, ao nuôi cá của người dân xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai đen ngòm ô nhiễm. |
Ông giải thích thế nào về việc thực hiện không đúng và đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án KCN Long Thành?
ĐTM là môn khoa học dự báo, hầu hết các dự án khi triển khai đều có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Công ty trong quá trình triển khai dự án đã có điều chỉnh, tuy nhiên chúng tôi không báo cáo kịp thời với bộ Tài nguyên môi trường để điều chỉnh ĐTM kịp thời.
Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai mới đây cho rằng việc bộ Tài nguyên môi trường cho phép nhà máy xả thải 24/24 giờ là tạo điều kiện cho việc nhà máy hòa loãng nước sông trước khi đổ ra môi trường, và việc này đã vi phạm quy định của Chính phủ?
Hôm nay chúng ta chỉ trao đổi trên cơ sở kết luận của C49 về hoạt động của nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đây là kết quả sau hai tháng điều tra, tập hợp rất nhiều thông tin với các bằng chứng cụ thể. Kết luận C49 không bàn đến vấn đề khác nên chúng tôi sẽ không bàn về vấn đề khác tại đây.
Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh: sự việc đã xảy ra, nhưng quan trọng nhất là chúng tôi rất thiện chí trong khắc phục, cải thiện lỗi. Không phải lúc nào, làm cái gì mình cũng luôn xuôi chèo mát mái, mà có những lúc mình sai vì khách quan và chủ quan, và chúng tôi thừa nhận hành vi đó. Chúng tôi cầu thị, mong muốn khắc phục và chúng tôi đã có hành động khắc phục liền, chứ chúng tôi không chờ đến khi có kết luận mới khắc phục. Và trên cơ sở kết luận của C49, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tiếp cho tốt hơn nữa.
Hơn nữa dư luận thì có rất nhiều nguồn. Mình cứ đi giải trình tất cả các tình huống đặt ra thì nó không phải bản chất vấn đề, không thật sự cần thiết. Bản chất vấn đề là nhìn vào bản chất doanh nghiệp là gì, trên cơ sở đó chúng ta đi theo hướng đó.
Theo hợp đồng kinh tế về chi phí xử lý nước thải với các doanh nghiệp sản xuất trong KCN, công ty đảm bảo tiêu chuẩn đầu ra như thế nào? Còn nếu xử lý không đạt theo đúng hợp đồng, lợi nhuận kinh tế thu được đi đâu?
Chúng tôi là chủ đầu tư, khi thu hút các dự án đầu tư vào, theo quy định nhà nước, nước thải của các doanh nghiệp sản xuất phải đạt tiêu chuẩn và đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của chúng tôi để xử lý trước khi ra môi trường. Và chúng tôi xử lý nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn theo quy định nhà nước.
Còn về mức chi phí tính tới các doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi thực hiện trên cơ sở tính toán để đảm bảo quá trình xử lý, các phát sinh…, từ đó đảm bảo xử lý đạt theo tiêu chuẩn nhà nước. Chứ không thể đặt vấn đề là: với chi phí như vậy, xả ra như vậy thì ví dụ nếu tiêu chuẩn màu vượt tiêu chuẩn 0,5 lần thì chi phí này tính như thế nào.
Theo ông, tại sao không nên đặt vấn đề theo hướng này?
Bởi trong chi phí thì bao gồm các chi phí chúng tôi xử lý. Trong quá trình xử lý, nếu xảy ra sự cố khiến chỉ tiêu bị vượt tiêu chuẩn thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong xử lý nước thải là: đó không phải vấn đề trong một ngày, hai ngày mà là lâu dài, và nó không phải tại thời điểm hiện tại mà là trong tương lai.
Sonadezi Long Thành bị xử phạt 405 triệu đồng C49 vừa ra quyết định xử phạt Sonadezi Long Thành 405 triệu đồng do hành vi xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5-10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 – 10.000 m3/ngày. |
Theo Lê Quỳnh (SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo