Sông Đồng Nai “nóng” vì “cát tặc”
Tại vùng Đông Nam bộ, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi. Người dân sống ở hai bên bờ sông Đồng Nai thì mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn và tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai và Bình Dương thì không kiểm soát được tình hình.
“Cát tặc” lộng hành
Từ phản ánh của người dân, dịp cuối năm, chúng tôi có dịp “mục sở thị” một số huyện, thị của hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, để ghi nhận tình trạng khai thác cát “lậu” trên sông Đồng Nai. Tại huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), người dân địa phương cho biết, đêm nào cũng thấy 3, 4 vòi hút cát từ giữa sông Đồng Nai chĩa vào bờ. Nếu không có lực lượng chức năng đi tuần tra, truy quét, việc khai thác cát “lậu” diễn ra cả đêm.
Một đêm, mỗi máy hút cát có thể hút đầy khoảng 3 – 4 ghe (mỗi ghe chở cát có trọng tải từ 10 đến 15m3 – PV). Với giá bán vài trăm ngàn/m3 cát, các đầu nậu thu lãi cả chục triệu đồng/đêm. Với việc kiếm tiền dễ dàng, nên các chủ ghe đầu tư “phương tiện hành nghề” công suất lớn, thuê cả những người làm nghề câu cá, giăng lưới trên sông để chỉ điểm khi có lực lượng chức năng đi tuần tra. Đặc biệt, các đối tượng “cát tặc” sẵn sàng đánh trả khi có lực lượng chức năng truy đuổi.
Trong khi đó, người dân xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) thì cho hay, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn đã kéo dài từ nhiều năm nay và vẫn đang diễn biến phức tạp, dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã. Tại những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bà con nhân dân trong vùng cũng liên tục “kêu cứu”.
Ông Trương Đức Nghiệp, người dân ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên) chua chát nói: “Việc hút cát lậu diễn ra hàng chục năm, đêm nào các đối tượng cũng hút hết, tiếng máy nổ chát chúa từ các ghe trên sông khiến người già, con nít không ngủ được yên. Đất sản xuất nông nghiệp của bà con dọc bờ sông bị lở rất nhiều. Bị lở nhiều quá thì người dân chỉ biết phản ánh lên chính quyền địa phương chứ biết làm sao. Nhưng sự việc cứ rơi vào trong im lặng”.
Để rõ hơn về việc “giao thương” trong vùng, chúng tôi tiếp cận với một chủ bãi cát ở xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), trong việc “sắm vai” người đi mua cát về xây dựng biệt thự.
Ông T.N.T, một chủ vựa ở xã Tân Hạnh cho biết, nếu mua cát về san lấp mặt bằng thì chỉ cần cát “mịn” từ miền Tây, còn để xây nhà kiên cố, hay thi công biệt thự thì cần dùng đến cát “già” hút ở sông Đồng Nai. Chỉ cần đặt tiền cọc trước, các “thượng đế” muốn mua bao nhiêu cũng có. Cần biết rằng hiện tượng này không bình thường khi mà UBND tỉnh Đồng Nai đã cấm các hoạt động khai thác cát trên dòng sông này.
Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi tình hình khai thác, mua bán cát sỏi tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ, chúng tôi ghi nhận cát trên sông Đồng Nai thuộc dạng “chất lượng cao”.
Ở đây cát có hạt to, đều và có màu vàng óng, thường dùng để trộn bê tông, xây nhà cao tầng, kiên cố. Loại cát này được bán tại bãi với giá 350.000 đồng/m3. Do khan hiếm, các “đầu nậu” thường trộn loại cát này với cát lấy từ vùng Tây Nam bộ và bán với giá xấp xỉ 300.000 đồng/m3. Các “thương vụ” diễn ra an toàn và trôi chảy, mỗi ghe hút cát sẽ thu về cả 20 triệu đồng sau một đêm hoạt động, mức lợi nhuận thuộc hàng “khủng”.
Chính quyền có buông lỏng?
Làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi thực sự khó hiểu khi hiện tượng khai thác cát trái phép diễn ra đều đặn, công khai và bán công khai tại các địa phương thuộc hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, song việc phát hiện và xử lý của chính quyền các cấp ở con số rất nhỏ.
Tại thị xã Tân Uyên, trong cả năm 2014, chính quyền địa phương và lực lượng công an chỉ phát hiện được 6 trường hợp hút cát trộm trên sông Đồng Nai. Trong đó, Công an thị xã chỉ bắt giữ được 1 ghe, còn các ghe khác đều bị các đối tượng tự nhấn chìm và … chẳng bắt được ai. Dư luận có quyền nghi ngờ về tình hình xử phạt việc khai thác và mua bán cát “lậu”, khi mà không ít người nhà của lãnh đạo thị xã Tân Uyên đang kinh doanh vật liệu xây dựng, cụ thể là cát sỏi.
Nhận xét về vấn đề trên, ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên khẳng định, việc xử lý tình hình khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai (thuộc địa bàn thị xã quản lý) đang được làm tốt và không cần phải chấn chỉnh gì trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là thị xã chỉ tăng cường tần suất kiểm tra, kiểm soát.
Chính quyền các xã đã thông báo cho người dân sống ven sông Đồng Nai, nếu phát hiện ra các đối tượng khai thác trộm cát thì thông báo cho ngành chức để xử lý. Ông Đoàn Hồng Tươi cũng cho rằng, Nhà nước giao cho mình chức năng đến đâu thì mình làm đến đó, giao cho mình quản lý địa bàn nào thì mình chỉ làm đến đó thôi, nếu ở địa bàn khác thì đó là việc của địa phương khác.
Trái ngược với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, người dân sống ven sông Đồng Nai cho chúng tôi biết, các đối tượng khai thác cát “lậu” không chỉ liều lĩnh, manh động mà còn công khai nói rằng, có các “quan” đứng đằng sau bảo vệ chúng. Một số người dân xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên) đề nghị không nêu tên lên báo vì sợ bị bọn côn đồ trả thù. Điều đó cho thấy, người dân nơi đây không tin rằng họ sẽ được bảo vệ khi tố cáo hành vi vi phạm của các đối tượng “cát tặc”.
Còn với Đồng Nai, trong cả năm 2014, tỉnh đã phát hiện và xử lý 104 trường hợp khai thác cát trái phép và 80 trường hợp khai thác đất san lấp không phép. Tất cả những trường hợp này chỉ bị xử phạt hành chính, với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Không có trường hợp nào bị xử lý hình sự.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai nói: “Phải là lực lượng công an thì mới có đủ lực để xử lý các đối tượng khai thác cát “lậu” được. Bên cạnh đó, việc xử lý hình sự các đối tượng chỉ khi nào hành vi khai thác khoáng sản gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc khai thác cát trộm, lén lút, có thể nhiều năm sau mới xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, nên khi bắt được các đối tượng thì cũng không đủ cơ sở để xử lý hình sự”.
Với những giải thích của lãnh đạo chính quyền địa phương, của ngành chức năng của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, thì việc ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép còn quá nhiều khó khăn. Các tỉnh có cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị như mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, dân vận… lẽ nào phải chịu “bó tay” với nạn khai thác cát “lậu”? Phải chăng đằng sau hoạt động này có lợi ích cục bộ?
Để giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát trái phép tồn tại trong hàng chục năm qua, chính quyền các cấp ở hai tỉnh này phải dẹp hết được các bãi cát kinh doanh không phép, phải làm cho những khối lượng cát bơm, hút lậu không có chỗ tiêu thụ”… Có như vậy, người dân sống ven sông Đồng Nai tại khu vực Đông Nam bộ mới có cuộc sống bình yên, hết thấp thỏm, âu lo.
Tình trạng khai thác cát trái phép ở hồ Dầu Tiếng (nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) diễn ra nhức nhối từ nhiều năm nay. Các tàu khai thác cát “lậu” dùng thủ đoạn lợi dụng đêm tối, di chuyển và thay đổi địa điểm khai thác, chạy sang địa bàn tỉnh khác để “né” lực lượng chức năng. Đây chính là kẽ hở, được các đối tượng khai thác cát trái phép áp dụng triệt để. Và đó cũng là lý do chính khiến vấn nạn "nạo ruột" lòng hồ Dầu Tiếng không được giải quyết một cách triệt để. Khai thác cát quá gần bờ đập chính sẽ khiến lòng hồ sát bờ đập ngày càng sâu, cộng với các xe tải chở cát chạy trên đê sẽ gây tác động làm phần chân đê bị yếu, hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Nếu bờ đập hồ Dầu Tiếng bị vỡ, TPHCM sẽ bị ngập sâu trên diện rộng, gây tai họa khôn lường. |
Theo Tài Nguyên Môi Trường
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo