Xã hội

Sống khổ ở “thị trấn treo”

Năm 2004, khi Nhà máy Xi măng Sông Gianh khởi công xây dựng thì xã Tiến Hoá (Tuyên Hoá, Quảng Bình) chính thức được quy hoạch để trở thành thị trấn. Từ đó đến nay, “thị trấn Tiến Hoá” vẫn nằm trong quy hoạch, còn hơn 6.000 hộ dân nơi đây phải cam chịu cuộc sống khổ...

“Giậm chân tại chỗ” vì vướng quy hoạch

Ông Trần Tiến Cương – nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tiến Hoá cho biết: “Lúc đó tôi đang là lãnh đạo xã, nói gì thì nói chứ việc xã được quy hoạch lên thị trấn, chúng tôi mừng lắm, vì đây là cơ hội để địa phương chúng tôi phát triển. Thế nhưng, từ đó đến nay đã gần 10 năm rồi, thị trấn thì không thấy đâu mà cuộc sống của người dân thì gặp nhiều khó khăn do vướng phải quy hoạch…”.

Theo ông Cương, sau khi thị trấn được quy hoạch, nhiều dự án dân sinh có ý định đầu tư ở địa phương đều rút lui vì họ sợ đầu tư chồng chéo. Đơn cử, năm 2008, một dự án nước sạch trị giá gần 10 tỷ đồng có ý định về đầu tư ở xã Tiến Hoá. Thế nhưng khi tiến hành khảo sát thiết kế, họ nói do trùng với dự án đã được quy hoạch thị trấn nên đã rút lui, thế nên hàng chục năm nay, hơn 6.000 hộ dân của Tiến Hoá vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng đào nhiễm vôi nặng.

Không những thế, nhiều người dân cho biết, hiện tại họ đang sống ở nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng của vùng nông thôn nhưng mọi khoản đóng góp, đặc biệt là giá đất được áp giá theo mức của thị trấn. Gia đình ông Nguyễn Thanh Lương (thôn Tam Đa) có đến 5 anh em trai đều đã lập gia đình nhưng vẫn phải ở chung một nhà vì không có tiền mua đất làm nhà riêng.

“Do xã được quy hoạch thị trấn nên chính quyền áp giá đất theo giá của thị trấn với mức gần 1 triệu đồng/m2. Chúng tôi là nông dân, là hộ cận nghèo lấy đâu ra cả trăm triệu mua đất làm nhà”- ông Lương than thở.

Không chỉ người dân sống khổ vì quy hoạch thị trấn treo, chính quyền xã Tiến Hoá cũng đang đau đầu vì vấn đề này. Ông Trần Đức Lương – Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Hoá cho biết, trong lúc các xã xung quanh được làm việc trong những trụ sở khang trang, thì hàng chục năm nay Tiến Hoá vẫn phải làm việc trong một ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, cũng chỉ vì trụ sở của “thị trấn” được quy hoạch rất hoành tráng...

Sống chung với ô nhiễm


Theo chính quyền và người dân xã Tiến Hoá, việc quy hoạch xây dựng thị trấn Tiến Hoá gắn liền với Nhà máy Xi măng Sông Gianh có công suất 1,4 triệu tấn/năm được xây dựng ở đây. Khi đó, những nhà quy hoạch cho rằng, Tiến Hoá sẽ trở thành một đô thị công nghiệp trong tương lai gần. Khi nhà máy đi vào hoạt động, người nông dân nơi đây sẽ không còn sống bằng nông nghiệp nữa mà chuyển sang sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu hàng ngày của công nhân và các dịch vụ phục vụ đời sống người đô thị như nhà hàng, khách sạn…

Thế nhưng, đã gần 10 năm, khi Nhà máy Xi măng Sông Gianh đi vào hoạt động, các dịch vụ đó vẫn không thấy đâu, người dân vẫn sống chủ yếu bằng cây lúa, cây ngô, có điều diện tích đất nông nghiệp của họ đã bị thu hẹp để nhường đất cho nhà máy xi măng và quy hoạch thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Định – cán bộ địa chính xã Tiến Hoá phản ảnh: Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, lợi ích mà nhà máy xi măng mang lại cho người dân Tiến Hoá chưa thấy đâu nhưng hàng trăm hộ dân ở đây hiện đang từng ngày sống chung với ô nhiễm bụi do nhà máy xả ra thì thấy rõ.

Nhà ông Cao Xuân Hồng cách nhà máy khoảng 100m. Hàng ngày dù có người hay không có người ở nhà thì nhà ông vẫn luôn đóng kín cửa. Thế nhưng, ông Hồng cho biết, bụi vẫn cứ bay vào nhà, trong nhà ngoài vườn nhà ông quanh năm suốt tháng phủ một lớp bụi trắng xoá… Bữa cơm gia đình hàng ngày cũng lẫn với bụi khói xi măng.

Không chỉ sống chung với bụi khói của Nhà máy Xi măng Sông Gianh, 415 hộ dân ở 3 thôn này hàng ngày còn phải chịu cảnh tra tấn từ tiếng nổ mìn và khói bụi từ việc khai thác đá của Xí nghiệp Sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 12 tại mỏ đá Lèn Bảng gần đó. Chị Nguyễn Thị Lý (thôn Trung Cương B) ăn không ngon, ngủ không yên vì tiếng nổ mìn khai thác đá. Chị Lý bị bệnh tim nên mỗi lần nghe tiếng nổ lớn, chị cứ giật bắn người. Tiếng nổ chưa dứt thì khói bụi đã bao trùm một vùng rộng lớn.

Trước đây, ngoài làm ruộng ngoài cánh đồng, mảnh vườn của bà con nông dân nơi đây thường được dùng để trồng rau, ngô, lạc… cải thiện cuộc sống. Thế nhưng từ khi Nhà máy Xi măng Sông Gianh đi vào hoạt động đến nay, họ đành phải để vườn hoang. “Không có cây gì sống nổi với loại bụi đá và xi măng này đâu chú ạ. Tui trồng cây rau mô, chưa kịp mọc đã chùn lá mà chết hết” - chị Nguyễn Thị Thuỷ - một người dân ở thôn Trung Cương B than thở.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Dân Việt)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo