Môi trường

Sông Tiền ngày càng ô nhiễm

Người dân sống dọc sông Tiền kéo dài từ Đồng Tháp, Vĩnh Long qua Tiền Giang liên tục phản ảnh nước sông ngày càng bị ô nhiễm. Kết quả phân tích chất lượng nước mặt của sở tài nguyên - môi trường các tỉnh này mới đây cũng xác định điều đó.

Điều đáng lo ngại là một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn hàng trăm, thậm chí hơn 1.000 lần.
 
Không dám tắm sông
 
 
Nước mặt ô nhiễm là rất đáng lo

Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo - phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, nguồn nước sông Tiền ngày càng ô nhiễm là điều rất đáng lo vì phần lớn các bệnh truyền nhiễm đều có liên quan đến nguồn nước không đạt chuẩn. Sự hiện diện của amoni, coliform, hóa chất bảo vệ thực vật... trong nước mà cơ quan chức năng ghi nhận được cho thấy nguồn nước không còn sạch như trước đây. Đáng lo là hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân phải sử dụng nước sông, rạch để tắm giặt, nấu ăn. Ở các chợ ven sông người ta còn lấy nước sông để rửa thực phẩm tươi sống...

Nhà ông Nguyễn Văn Thứ (84 tuổi, ở ấp Tây Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang) nằm sát sông Tiền nhưng ông bảo mấy năm nay gia đình ông và bà con ở đây không ai dám tắm sông, không dám lấy nước sông giặt quần áo. Ông giải thích: “Mỗi lần ra sông tui thấy mỡ từ các cơ sở sản xuất dầu cá, chế biến thủy sản thải ra trôi lềnh bềnh trên sông. Nhìn sơ thì thấy nước sông cũng trong nhưng tắm thì bị nổi mẩn ngứa liền. Tết vừa rồi tôi lấy nước tưới hoa kiểng thì hoa cũng bị úng”.

 
 

Ông Nguyễn Văn Tư - một ngư dân đã có 20 năm chài lưới trên sông Tiền ở đoạn Cụm công nghiệp Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang - nói lượng cá cơm, cá lòng tong trên sông này giảm rất nhiều. Thay vào đó là các loại cá thích ăn mỡ, sống được ở nguồn nước ô nhiễm xuất hiện nhiều hơn. “Nước sông ở đây dơ lắm. Năm năm qua tôi chẳng thấy ai ở đây tắm sông. Nghề của tôi đôi lúc bắt buộc phải ngâm dưới nước nên thường xuyên bị ngứa” - ông Tư kể.

 

Theo sở tài nguyên - môi trường các tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, kết quả quan trắc nước mặt trên sông Tiền mới nhất cho thấy các chỉ tiêu SS (chất rắn lơ lửng), sắt, amoni (chứng tỏ nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải động vật, nước cống), COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa) đều vượt mức cho phép.

 

Còn kết quả quan trắc 42 điểm trên sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp cuối năm 2011 cho thấy các chỉ tiêu quan trọng đều vượt quy định. Chẳng hạn dầu mỡ ở 39/42 điểm vượt tiêu chuẩn từ 1-5,75 lần. Cá biệt chỉ tiêu coliform (vi khuẩn gây bệnh đường ruột) ở các điểm này vượt từ 100-1.000 lần. Còn chỉ tiêu E.coli (vi khuẩn gây bệnh đường ruột) vượt từ 22-860 lần, tùy nơi. Đáng lo ngại là ở một số điểm quan trắc trên sông Tiền còn ghi nhận sự hiện diện của thuốc bảo vệ thực vật.

 
Quá nhiều thủ phạm
 

Theo ông Lưu Minh Mãnh - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Tiền Giang, mỗi ngày/đêm TP Mỹ Tho (Tiền Giang) xả ra sông Tiền không dưới 50.000m3 nước thải sinh hoạt. Nếu tính hết các đô thị nằm cặp sông Tiền từ thượng nguồn ra đến cửa biển thì lượng nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra sông rất lớn. Hiện chưa có nghiên cứu nào xác định trong nước thải sinh hoạt đô thị mang theo bao nhiêu chất nguy hại có thể ảnh hưởng đến môi trường nước. “Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm, nhưng thường người dân hay đổ thừa cho các khu - cụm công nghiệp” - ông Mãnh nói.

 

Trong khi đó, nhiều người dân ở tuyến kênh Bắc Trang, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm do nước thải từ việc nuôi cá không qua xử lý. Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Hồng, hầu hết các chủ ao nuôi cá tra trên địa bàn đều không áp dụng hình thức xử lý bằng ao lắng theo quy định. Địa phương có hướng dẫn, tạo điều kiện nhưng họ vẫn không chấp hành.

 

Còn theo một số chuyên gia, nguồn nước sông Tiền còn bị ô nhiễm bởi nước thải của các doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nằm ngoài các khu-cụm công nghiệp. Cơ quan chức năng đã bắt quả tang nhiều doanh nghiệp lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Ngoài ra, nước sông ô nhiễm còn do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, kể cả thuốc cấm nằm ngoài danh mục.

 
Làm gì để nước sông bớt ô nhiễm?
 

Tất cả các biện pháp đều đã được quy định, chẳng hạn các khu - cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp cũng phải có hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả các đô thị bắt buộc cũng phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra sông. Tuy nhiên, các quy định này chưa được các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Do xử lý nước thải rất tốn kém nên nhiều doanh nghiệp cố tình lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, khi nào bị bắt quả tang thì... nộp phạt.

 

Theo ông Lưu Minh Mãnh, các đô thị loại II như TP Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Thế nhưng, dự án này đã được xây dựng từ lâu nhưng hiện vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. “Để kiểm soát ô nhiễm, trước mắt cần tăng cường công tác giáo dục để người dân không “góp phần” làm ô nhiễm môi trường, tự giác thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình. Biện pháp cần làm ngay là xóa nhà lấn chiếm sông rạch để những hộ này không trực tiếp xả thải xuống sông”-ông Mãnh nói.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hải - chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh cũng rất lo ngại tình trạng ô nhiễm nước sông ngày càng nghiêm trọng. Do đó năm nay UBND tỉnh xem công tác kiểm soát ô nhiễm (trong đó có ô nhiễm từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản) là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đang rà soát, hoàn tất các quy định cụ thể để triển khai các biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh tình trạng xả thải ô nhiễm. 

Thanh Tú (Tuổi Trẻ)

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo