Bất động sản

Sốt đất ảo ở Phú Quốc, "Đại gia" vẫn vác balô tiền đi mua đất

(DNVN) - Phú Quốc đang có đợt sốt đất cao nhất trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, giá đất tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba cứ qua từng năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo không nên mạo hiểm đầu tư khi giá nhà đất có thể đã bị “thổi” lên cao, tạo sốt giả.

"Sốt đất" nên "cò" mặc sức tung hoành
Vào thời điểm cuối năm 2014, một điểm nóng về đất đai khác trên đảo Phú Quốc đó là khu vực xã Cửa Cạn Vinpearl Resort Phú Quốc tại Bãi Dài - một thiên đường mới về du lịch và nghỉ dưỡng trên đảo Phú Quốc. Chính sự có mặt của đơn vị thuộc tập đoàn Vingroup này từ hồi đầu năm 2014 đã góp phần thổi một luồng gió mới về đầu tư bất động sản trên đảo. 

Đảo ngọc thu hút BĐS du lịch.
Đảo ngọc thu hút BĐS du lịch.

Đất dọc hai bên đường lên Bãi Dài từ khoảng 300 triệu mỗi công đất hồi đầu năm, nay đã lên từ 700 triệu đến 800 triệu mỗi công (công đất = 1.000m2). Một số vị trí tốt có giá từ 1,2-1,5 tỷ mỗi công. Bà Phù Thị Điệp có 3 công đất gần bãi biển ấp Ông Lang, hồi đầu năm kêu 800 triệu một công không ai mua, đến cuối tháng 7 vừa qua bà bán được cho một khách hàng đến từ Hà Nội, giá 1,8 tỷ mỗi công. Và ông chủ mới của lô đất này tuyên bố ai muốn mua lại phải chi ít nhất 3 tỷ đồng một công. 

Giá đất lên vùn vụt, giao dịch nhộn nhịp, có nhiều trường hợp mua bán cả ban đêm. Ông Đặng Văn Tuân, một người thạo đất ở thị trấn Dương Đông cho biết: “Đất đầu hôm hỏi còn đó, sáng mai qua hỏi thì họ đã bán xong đêm qua. Có những lô đất chỉ vừa đặt cọc xong đã có người hỏi mua lại với giá chênh lệch 1,5 tỷ đồng mỗi công”. Giá đất ở đảo Phú Quốc hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tình trạng "sốt" đất và đầu tư nhộn nhịp ở Phú Quốc từ nửa cuối năm 2014 tiếp tục được đẩy lên trong những tháng đầu năm 2015 khi mà hàng loạt những thông tin như: phê duyệt dự án casino, Vingroup triển khai Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc với mục tiêu đón tàu khách quốc tế (dự kiến khai thác từ cuối tháng 1/2017), việc thiết lập nhiều đường bay thẳng từ một số nước, cũng như sự xuất hiện của khu công nghiệp VISP thứ 6 tại đây...

Đến thời điểm này, theo ghi nhận của PV Tuổi trẻ tại nhiều nơi ở Phú Quốc, cũng như xác nhận của cơ quan quản lý về đất đai đều cho thấy đây là đợt sốt đất cao nhất trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhập vai vào người đi mua đất, PV báo Tuổi trẻ đã được những "cò đất" dẫn đi nhiều nơi được cho là đang lên cơn sốt đất. Dẫn PV đên bãi Ông Lang, ông Nguyễn Văn Trãi - một “cò” đất cho biết, ở khu vực này không lô nào giá dưới 2 tỉ đồng, trung bình mỗi lô đất có giá 20-40 tỉ đồng, thậm chí có lô sát biển chào giá tới 200 tỉ đồng.

 

Vốn là một chủ đầu tư bất động sản trong đất liền ra mua đất, nay thấy thị trường Phú Quốc quá sôi động, ông Trãi kiêm luôn việc làm “cò” cho các chủ đất là Việt kiều và người nước ngoài đang sở hữu các lô đất ở bãi biển.

Ban đầu ông Trãi chỉ một loạt khu đất nông nghiệp chủ yếu là vườn cây lâu năm nhưng giá thấp nhất cũng khoảng 2 tỉ đồng/công. Càng đi về phía biển, các lô đất có giá càng cao. Trong đó, 5 công đất (5.000m2) ngay sát bờ biển (tên địa phương là Eo Xoài) được chào bán với giá 200 tỉ đồng. Khi người mua tỏ ý nghi ngờ tính pháp lý của các lô đất, ông Trãi lập tức mở cốp xe lôi ra một mớ bản vẽ sơ đồ vị trí và cam kết chúng tôi khỏi phải lo.

“Trước khi đặt tiền mua, các anh cứ mang sơ đồ bản vẽ vị trí lô đất lên Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc để kiểm tra xem có vướng quy hoạch không, được xây dựng bao nhiêu tầng. Nếu thấy ổn mới chồng tiền tiến hành giao dịch chính thức” - ông Trãi cam kết.

Thấy khách còn đắn đo, “cò” Trãi bồi thêm: “Bây giờ mấy anh hỏi giá mà không mua ngay, chỉ 1-2 ngày sau quay lại giá đã cao hơn nhiều rồi. Hai năm trước tôi mua một lô đất 2,1 tỉ đồng, giờ có người trả 17 tỉ tôi còn chưa bán”. Theo lời ông Trãi, ông hiện đang là chủ sáu lô đất ở nhiều vị trí đắc địa trên đảo Phú Quốc, với giá trị các lô đất được đẩy lên gấp 5-7 lần so với thời điểm hơn một năm trước.

Vòng xuống khu Gành Dầu (phía bắc đảo) xe chưa kịp dừng, các “cò” đất đã bủa vây khách từ xa đến. Khi có hai khách từ Hà Nội ngỏ ý muốn mua đất để đầu tư, “cò” Hưng bám riết rồi dẫn khách đến khu đất rộng 3.800m2 của một Việt kiều, có giá 45 tỉ đồng. Tại đây, đi sâu vào phía đất liền là lô đất 2.700m2, có sổ đỏ đã sang tay ba chủ trong vòng một năm qua, giá cũng được đẩy lên xấp xỉ 
30 tỉ đồng.

 

Bà Nga (trú ở Hà Nội), chủ một miếng đất ở khu này, cho hay: “Giá đất Phú Quốc thay đổi từng ngày, mua chừng 10 ngày là có lời tiền tỉ ngay. Tôi mua một miếng đất ở TP.HCM mấy năm qua không lên được bao nhiêu, nay bán đi mua ở Phú Quốc giờ giá đã lên gấp năm lần”.

Giá đất cao ngất, "Đại gia" vẫn vác balô tiền đi mua đất 

Báo Tuổi trẻ cho biết, tại một số quán cà phê sang trọng trên các trục đường chính của thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) như Bưu Điện, Bảo An... những ngày này dễ bắt gặp cảnh tượng các “đại gia” xách balô tiền mặt hàng chục tỉ đồng đi mua đất. Còn lực lượng “cò” đất tay xách nách ôm hàng đống bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giá đất ở Phú Quốc
Giá đất ở Phú Quốc "ăn theo" các dự án nghìn tỉ đang được rầm rộ triển khai tại đây - Ảnh: Tuổi trẻ.

Mua bán đất giờ đây đang trở thành chủ đề chính của người dân và khách thập phương đến đảo ngọc này. Nhiều nhóm “cò” đã hình thành và thỏa thuận ngầm với nhau để đẩy giá đất tại đây lên.

 

Hỏi thăm một chủ một quán cà phê trên đường 30-4 (thị trấn Dương Đông) cũng là một người môi giới bất động sản cho hay: “Khách đến quán toàn “cò” đất và giới đầu cơ. Nhiều khách đến từ Hà Nội, họ mang cả balô tiền, sẵn sàng chồng tiền mặt bạc tỉ ngay giữa lô đất họ chấm”.

Tại khu vực ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ có một “làng” khu du lịch để bảng rất to trước cổng “Làng Phú Sơn - Hà Nội”. Người dân địa phương cho biết những ngôi nhà nghỉ dưỡng nằm san sát và một số khách sạn đang mọc lên phần lớn của người sống ở Hà Nội vào mua đất xây lên. Khách du lịch tập trung tại đây cũng đa số là người Hà Nội nên người dân hay gọi nơi đây là “làng Hà Nội”.

Mới đây khi UBND huyện Phú Quốc đấu giá một lô đất công 3.000m2, cả hội đồng đấu giá bật ngửa khi giá tăng chóng mặt. Thời điểm năm 2013 lô đất này đưa ra giá sàn 11 triệu đồng/m2 nhưng không có ai mua, đến khi đưa ra đấu giá lần hai khách hàng giành nhau mua, giá đội lên 31-32 triệu đồng/m2. Hơn 30 lô đất mỗi lô 110m2 bán được với giá trên 2,9 tỉ đồng/lô.

Chủ một doanh nghiệp bất động sản chuyên về đất nền tại TP.HCM cho biết, Phú Quốc giờ như miếng bánh nhỏ rất ngon không chỉ giới đầu tư, đầu cơ trong nước tranh giành mà cả nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài cũng vào cuộc. “Ba, bốn năm trước giới đầu tư TP.HCM vào nhiều, công ty chúng tôi cũng mua gần 30ha ở bãi Trường và An Thới, sau đó bán một lô 8ha. Đến nay còn lô hơn 20ha tại An Thới, giá đã vọt lên gấp 4-5 lần rồi” - vị này nói.

Thu thuế từ BĐS tăng gấp 7 lần 
Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ, ông Đoàn Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Quốc, từ tháng 6-2014 đến nay giá đất chuyển nhượng nhiều khu vực tăng rất mạnh. Đến nay nhiều khu vực đã tăng 4-5 lần so với 12 tháng trước.

 

“Thu thuế từ bất động sản vì vậy tăng đột biến gấp hơn năm lần, từ 1,5 tỉ đồng/tháng lên hơn 10,5 tỉ đồng/tháng. Kê khai thuế liên quan đến nhà đất tăng đến mức chúng tôi không thể ngờ được, đến nay bộ phận nhân viên thuế gần như quá tải. Nhiều hôm nhân viên phải làm việc đến 9g tối vẫn chưa giải quyết xong hồ sơ” - ông Đức cho biết.

Trong sáu tháng đầu năm 2015, tại Chi cục Thuế huyện Phú Quốc có gần 4.500 hồ sơ kê khai thuế liên quan đến nhà đất (bình quân mỗi tháng 750 hồ sơ), trong đó 80% là kê khai chuyển nhượng, mua bán. Nếu căn cứ bảng giá đất của UBND huyện Phú Quốc, khu vực đắt đỏ nhất như đường Trần Hưng Đạo, 30-4, Nguyễn Trung Trực... chỉ 8 triệu đồng/m2 nhưng thực tế hiện nay giá đất bị đẩy lên trên 
15-20 triệu đồng/m2.

Theo ông Đức, giá đất tăng chóng mặt kể từ khi Phú Quốc có quyết định của Chính phủ là đặc khu kinh tế (vào tháng 6-2014). Đến tháng 10-2014 Phú Quốc lên đô thị loại 2. Tiếp đó là các dự án lớn như Vingroup đưa vào hoạt động ở bãi Dài, các trục đường lớn đưa vào hoạt động, sân bay quốc tế Phú Quốc mở đường bay thẳng đến các thành phố lớn... người dân các vùng miền đổ về càng tạo thêm sốt đất cho Phú Quốc.
“Nhiều người đến Phú Quốc mang theo cả bao tiền mặt hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mua đất như mua rau. Thị trường đã lên đỉnh điểm, nguy cơ vỡ bong bóng rất cao”- ông Đức cảnh báo.

Lũy kế đến ngày 15/5/2015, trên địa bàn huyện Phú Quốc có 173 dự án du lịch với diện tích 5.312ha, trong đó có 138 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 3.731ha và tổng vốn đầu tư 145.583 tỷ đồng. 19 dự án đã đi vào hoạt động, tổng diện tích 379,63ha, tổng vốn đầu tư 21.714 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với diện tích đất sử dụng 43,72ha và tổng vốn đầu tư là 2.042 tỷ đồng.
(Ban quản lý Đầu tư Phát triển Đảo Phú Quốc)
Hòa Hậu (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo