Sốt ruột về tiến độ tái cơ cấu ở Việt Nam
2013 là năm mà nền kinh tế Việt Nam nhận được khá nhiều lời góp ý thẳng thắn từ các tổ chức quốc tế. Có những lời khích lệ, có những góp ý thẳng thắn. Sự thật mất lòng, nhưng thuốc đắng giã tật... vấn đề là việc tiếp thu có chọn lọc thế nào.
Tăng trưởng vẫn chậm chạp
Năm 2013, GDP của Việt Nam đạt 5,42%, lạm phát 6,04%. Xuất siêu đạt 863 triệu USD. FDI cán đích 21,6 tỷ USD. GDP bình quân theo đầu người đạt 1.890 USD/năm.
Lạm phát được kéo xuống mức thấp nhất trong 10 năm, nhiệt độ thị trường giảm đi 2/3 so với 2 năm trước đó. Cán cân thương mại tiếp tục năm thứ 2 xuất siêu, sau hai thập kỷ dài dằng dặc chỉ có nhập siêu. Vốn FDI quay trở lại mạnh mẽ sau 4 năm suy giảm.
Những con số trên, đã hơn nhiều hàng loạt dự báo mà các tổ chức quốc tế đưa ra về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua. Đồng thời, minh chứng nền kinh tế đã chuyển biến đúng hướng, đúng với mục tiêu tổng quát mà Chính phủ đề ra từ đầu năm.
Vì thế, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) dành lời chúc mừng đầu tiên tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn đối tác phát triển hồi đầu tháng 12.
“Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện bằng tỉ lệ lạm phát vừa phải và cải thiện trong cán cân đối ngoại”, bà Kwakwa nói.
Thế nhưng, “Việt Nam không nên hài lòng”, ngân hàng HSBC nhấn mạnh.
“Kinh tế vẫn trì trệ và tăng trưởng của Việt Nam vẫn thấp”, WB đánh giá, thậm chí là “chậm chạp”, theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét.
Thậm chí, có những sự lo ngại như ông Sato Motonobu, chủ tịch JBA (Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản) nói: “Kinh tế Việt Nam đang ở ranh giới giữa ngưng trệ và phát triển. Với cơ sở kinh tế - công nghiệp hiện nay của Việt Nam, để có thể vừa duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-7% là quá khó”.
Cho nên, Eurocham (Phòng Thương mại châu Âu) cho biết một thông tin không vui, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào triển vọng kinh doanh ở Việt Nam đã bị sụt giảm.
Bao giờ cắt được nợ xấu
Đánh giá của các tổ chức quốc tế về nền kinh tế Việt Nam bao giờ cũng nêu hai mặt, mặt được và mặt chưa được. Nhưng dường như, năm 2013, phần chưa được lại được nói tới nhiều hơn. Có thể vì, những người bạn đồng hành với nền kinh tế Việt Nam này thực lòng muốn thúc đẩy chúng ta phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa. Họ đang sốt ruột với tiến độ cải cách kinh tế ở Việt Nam.
Cho nên, vế sau của những nhận đinh chưa lạc quan trên, hầu hết đều là câu chuyện về DNNN, ngân hàng, về đầu tư công, về minh bạch và trên hết, là nghệ thuật điều hành kinh tế, với những bài toán hóc búa về dự trữ ngoại hối, kỷ cương tài khóa, ẩn số nợ xấu...
Trong đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được nhắc đến nhiều nhất.
ADB đã phân tích, vừa qua, mặc dù lãi suất chính sách đã giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế bởi các bản cân đối tài sản yếu kém của các ngân hàng thương mại, những mối quan ngại về tình hình tài chính của người vay, thị trường bất động sản èo uột và cầu tín dụng thấp.
“Nếu không đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, thì nền kinh tế có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu ớt kéo dài, dưới mức 7-8% đã đạt được trong giai đoạn 2002-2007”, ADB khuyến cáo.
Theo lời khuyên của doanh nghiệp Nhật Bản - tổ chức JBA, Việt Nam sẽ cần xác định rõ và giải quyết từng yếu tố một đang gây cản trở đến tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện những chính sách tài chính - tiền tệ mang lại hiệu quả hơn. Trong đó, đẩy nhanh hơn việc giải quyết nợ xấu.
IBA nhấn mạnh: “Với việc thành lậpVAMC, việc xử lý nợ xấu đã bắt đầu có định hướng giải quyết. Nhưng cần lưu ý rằng, khi giải quyết nợ xấu, không thể loại bỏ những tác động xấu tới nền kinh tế vĩ mô với những liệu pháp mang tính bề nổi”.
Bán bớt DNNN
Khu vực DNNN nhận được nhiều lời chỉ trích khá nặng nề.
Ngân hàng HSBC nhận định, khu vực quốc doanh hiện chiếm 2/3 nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân sử dụng tới 86% lực lượng lao động. Trong khi đó, nền kinh tế còn có những “nút thắt cổ chai” như chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống năng lượng vào giao thông, chuỗi phân phối, chất lượng sản xuất nông nghiệp, thị trường tài chính... ”.
JBA cũng bức xúc: “Nếu như các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, thì có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn”.
“Việc khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế không có gì đáng quan ngại, song vấn đề nằm ở chỗ các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn nhưng hoạt động thường không hiệu quả. Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do dẫn đến việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này”, Liên minh châu Âu cũng cảnh báo.
Vì thế, các quốc tế trên đều đưa ra khuyến cáo: phải triệt để tái cơ cấu DNNN.
Lớn hơn nữa, quyết liệt tái cơ cấu DNNN và ngân hàng sẽ giúp Việt Nam khôi phục niềm tin của dân chúng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.
HSBC khuyến cáo: “Nếu không có tiến triển rõ rệt trong xử lý “các nút thắt cổ chai” về cơ cấu, nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ đi ngang trong nhiều năm”.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo