Chân dung

Steve Jobs - cuộc đời của những khác biệt

Steve Jobs, con người dị thường theo cả về tài năng và tính cách, đã ra đi ở tuổi 56, nhưng chắc chắn thế giới sẽ còn nói nhiều về ông. Có thể đúc kết cuộc đời của bậc thầy kinh doanh và công nghệ này trong mấy chữ “Khác biệt tạo ra sự khác biệt”

 

Qua tiếp xúc trực tiếp, qua các cuốn tự truyện, hồi ký của những người từng gần gũi với Steve, người ta đã chỉ ra nhiều khác biệt trong con người ông với thế giới xung quanh, thể hiện qua những câu nói và hành động.
 

“Học cao không chí chẳng ích chi”

Khác với rất nhiều người, Steve luôn cho rằng học cao hơn nữa ở trường lớp chẳng mang lại điều gì ngoài tiêu tốn số tiền tiết kiệm của gia đình. Hồi thanh niên, Steve Jobs nhập học đại học Reed, một trường tư ở vùng Oregon (Mỹ).
 

Tuy nhiên, học phí đắt đến mức cha mẹ nuôi của anh đã phải dành gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời để cho cậu con trai nhập học. Nhưng Steve chỉ chính thức học ở Reed trong vài tháng và bỏ học trước lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, điều này lại cho phép anh học ké những lớp mà anh không được phép tham dự.
 

“Sau sáu tháng, tôi thấy việc đó (học đại học) không hề hiệu quả. Tôi không hề có ý niệm về những gì mình muốn làm trong cuộc đời và cũng không rõ trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra điều đó như thế nào…Vì vậy, tôi ra đi với niềm tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn cả. Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất, nhưng khi nhìn lại, đấy là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi”. (Bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford ngày 12-6-2005.
 

“Muốn thành công phải dám thất bại chín lần”

Nhiều người không dám kinh doanh vì sợ mất tiền. Nhưng từ khi chưa đến 20 tuổi, Steve đã khẳng định, dù thua lỗ cũng phải có một công ty để khẳng định chính mình và thay đổi thế giới. Để có đủ 1.000 USD cần thiết cho việc thiết kế, sản xuất những chiếc máy tính đầu tiên của công ty hồi mới thành lập Apple, Steve Jobs đã phải bán đi chiếc xe bán tải Volkswagen và đồng đội Stephen Wozniak (Woz) bán chiếc máy tính HP 65.
 

Gara ô tô nhà Jobs đã biến thành xưởng sản xuất. Các bộ phận của chiếc máy tính Apple 1 có chi phí 220 USD nhưng được bán ra với giá 500USD. Jobs và Woz tự tay mang máy tính đi bán, đến hết cửa hàng này đến khu mua sắm kia, thuyết phục người ta bán sản phẩm cho mình. Hai người bán được vài trăm chiếc theo cách này. Công ty Apple đã khởi đầu như thế đó.
 

“Máy tính sau này chẳng cao siêu gì hơn chiếc xe đạp”

Khác với nhiều ông chủ công nghệ luôn coi sản phẩm của mình là một kết tinh trí tuệ siêu nhiên, Steve muốn biến sản phẩm của mình thành những thứ “đơn giản và phổ biến” mà những người kém cỏi nhất cũng có thể sử dụng.
 

Năm 1979, Steve Jobs tới thăm PARC, trung tâm nghiên cứu của hãng Xerox chuyên sản xuất máy photo và chứng kiến những nhà khoa học ở đây sử dụng các máy tính để làm việc cùng nhau thông qua mạng công nghệ Ethernet và tạo ra chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới sử dụng giao diện người dùng (Graphical User Interface- là một cách giao tiếp với máy tính bằng hình ảnh và chữ viết. Ngày nay hầu hết hệ điều hành nhiều người dùng giao diện này).
 

Cũng là lần đầu tiên Steve biết đến cái gọi là “con chuột máy tính”. “Chỉ trong vòng 10 phút, tôi đã hiểu ra rằng một ngày nào đó tất cả máy tính sẽ hoạt động đơn giản như thế này”, Steve nói trong cuốn phim tài liệu Triumph of the Nerds.
 

“Thà làm hải tặc còn hơn gia nhập hải quân”

Những người bình thường đi theo con đường truyền thống để đảm bảo vị trí và sự an toàn. Steve coi thường điều đó. Với Steve, thà làm một kẻ nổi loạn để thay đổi cuộc sống còn hơn bằng lòng với những gì cũ mòn không còn giá trị với hiện tại và tương lai. Hồi đầu những năm 1980, Steve làm trưởng nhóm dự án Macintosh của Apple và nhanh chóng để lại dấu ấn. Anh cố gắng thổi vào nhóm của mình các giá trị kinh doanh, tự gọi nhóm là những kẻ nổi loạn và những nghệ sỹ, còn nhân sự các bộ phận khác của Apple là “những kẻ không đâu”.

Nhóm của Steve thậm chí còn thuê hẳn một tòa nhà riêng biệt, nơi Steve treo một lá cờ đen với đầu lâu, xương chéo của cướp biển. “Thà làm hải tặc còn hơn gia nhập hải quân”, Steve ám chỉ hải quân là “phần còn lại của Apple”.
 

Chỉ tuyển những người “đỉnh của đỉnh”

Steve Jobs không bao giờ chấp nhận những người chỉ giỏi thứ hai. Khác với những công ty khác đi tìm người giỏi vừa vừa để chỉ phải trả mức lương vừa vừa, Steve chỉ tuyển người giỏi nhất vì với ông, khoảng cách giữa số 1 và số 2 luôn là cả một đại dương.

Năm 1985, sau khi bị “đá” ra khỏi ban lãnh đạo Apple, Steve Jobs, lúc đó 30 tuổi, lập công ty máy tính NeXT. Anh tuyên bố chỉ tuyển những người thông minh và có năng lực. Có lúc NeXT còn quảng cáo ngay cả lễ tân của họ cũng phải có bằng tiến sỹ. Cứ như là cả thung lũng Silicon đều muốn làm việc cho NeXT vậy.
 

Trong số những nhân viên đầu tiên có Avie Tevanian, một thiên tài phần mềm. Khi Steve gặp anh, Avie vẫn là sinh viên của đại học Carnergie Mellon. Steve nói với Avie rằng, nếu gia nhập NeXT, phát minh của anh sẽ được chạy trên hàng triệu máy tính chỉ trong vòng vài năm.
 

NeXT đối đãi với nhân viên theo cách khá độc đáo so với ở Thung lũng Silicon. Đầu tiên, chỉ có hai mức lương duy trì trong thời gian dài: nhân sự cấp cao 75.000 USD/năm, những người còn lại 50.000 USD. Điều này mang đến cho công ty một cảm giác cộng đồng của những người siêu thông minh.
 

Dù mới thành lập và chưa có lợi nhuận, NeXT có cả câu lạc bộ sức khỏe, dịch vụ tư vấn, cho vay khẩn cấp. Nhân viên trong giờ làm việc được phục vụ nước trái cây miễn phí. Mặc dù Steve lắm khi bị mang tiếng là keo kiệt, anh không tiếc tiền đầu tư cho đời sống nhân viên.
 

Khi Steve Jobs tìm thiết kế logo cho NeXT, anh dò hỏi “ai là người giỏi nhất hành tinh” và được giới thiệu tới giáo sư mỹ thuật của đại học Yale, Paul Rand. Paul đã thực hiện một logo có chữ “e” viết thường và được trả 100.000 USD.

Steve Jobs giới thiệu máy nghe nhạc iPod
Steve Jobs giới thiệu máy nghe nhạc iPod.

Kinh doanh không phải là chiều theo ý khách hàng

Trong khi mọi người mải mê chạy theo đủ mọi thứ thị hiếu hiện tại và tìm cách thỏa mãn khách hàng bằng những nghiên cứu thị trường, Steve lại phủ nhận tất cả lý thuyết đó bằng cách làm những sản phẩm tưởng như điên rồ nhưng cuối cùng tất cả đều phải thừa nhận những điên rồ ấy chính là tương lai của toàn bộ ngành công nghiệp điện tử.

Tư tưởng này thể hiện rõ khi Apple (lúc đó đã đón Steve Jobs quay trở lại nắm quyền) tung ra sản phẩm máy nghe nhạc iPod. Apple không phải là hãng tiên phong sản xuất máy nghe nhạc mp3. Steve muốn nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường để bắt kịp với các hãng khác.
 

Đó là lý do tại sao ông tìm đến một kỹ sư bên ngoài, Tony Fadell, người nổi tiếng sau khi chào bán một mẫu máy chơi nhạc mp3 cho một số công ty điện tử dân dụng. Fadell gia nhập Apple tháng 2-2001 và chín tháng sau, iPod mới bắt đầu được giao hàng.
 

Chiếc iPod đầu tiên khác với các đối thủ cạnh tranh ở một số điểm. Bên cạnh vẻ ngoài bóng bẩy, chiếc bánh trượt và giao diện người dùng giúp việc xem danh sách các bản nhạc trong bộ sưu tập trở nên dễ dàng và nhanh chóng, có một ổ cứng 5Gb, hay “1.000 bài hát trong túi bạn”. Đơn giản là không có một máy mp3 nào sánh được với bất kỳ điểm nào trong số các tính năng đột phá này. iPod nhanh chóng trở thành sản phẩm “hot” của giới yêu nhạc.

“Bạn không thể chỉ hỏi khách hàng xem họ muốn gì và cố gắng thỏa mãn mong muốn của họ. Vì khi bạn làm được điều đó, họ sẽ muốn những cái khác, mới mẻ hơn”, Steve lý luận. Đối với ông, không chỉ đi trước mà phải vượt xa thiên hạ. Ông muốn vượt trước người khác một quãng đường dài để không ai có thể theo kịp và luôn định hình toàn bộ sân chơi của mình.
 

Bài có sử dụng tư liệu từ cuốn Steve Jobs - Sức mạnh của sự khác biệt do Cty Trí Việt-First News cùng Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành

Theo Anh Minh (Tiền Phong)

Doanh nghiệp tiêu biểu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo