Steve Mollenkopf là ai?
Ngày 12/12, hãng tin Bloomberg đưa tin Microsoft đang nhắm đến nhiều nhân vật trong ngành cho vị trí Tổng Giám đốc (CEO) thay cho Steve Ballmer trong đó có nhiều ứng cử viên tiềm năng như Mollenkopf, Stephen Elop (từng là CEO Nokia), Alan Mulally (CEO hãng xe Ford)... Sáng hôm sau, cái tên Mollenkopf đã được xướng lên cho vị trí CEO, nhưng là tại Qualcomm, nhà sản xuất chip không dây lớn nhất thế giới.
Đối với những người bên ngoài, tuyên bố này là quá vội vã và quá bất ngờ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Paul Jacobs, CEO đương nhiệm của Qualcomm, kế hoạch cho người kế vị đã được lên từ trước và nay chỉ là đẩy nhanh thêm một vài năm mà thôi. “Steve là người thích hợp để dẫn dắt Qualcomm".
Ông ấy hiểu rất rõ văn hóa Công ty và chính ông đã giúp định hình nên văn hóa đó. Đây là một kế hoạch chuyển giao quyền lực rất êm thắm”, Jacobs nói. Jacobs sẽ rời khỏi vị trí CEO vào tháng 3 tới và sẽ vẫn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Như vậy, Mollenkopf sẽ là vị CEO thứ ba trong lịch sử gần 30 năm của Qualcomm nhưng ông cũng sẽ là vị CEO đầu tiên có họ không phải là Jacobs. CEO sáng lập nên Công ty, Irwin Jacobs, đã tại nhiệm cho đến năm 2005, sau đó con trai ông là Paul Jacobs đã thay cha giữ vị trí này. Vậy điều gì đặc biệt về Mollenkopf mà Jacobs phải ra sức níu kéo, không muốn mất về tay Microsoft?
“Steve là một hạt giống tốt ở Qualcomm. Ông là một kỹ sư cực giỏi. Không chỉ vậy, ông còn giỏi về điều hành và hiểu biết tường tận các lĩnh vực tại Qualcomm”, Rory Moore, đứng đầu tổ chức thương mại ngành công nghệ CommNexus, nhận xét.
Với một người như vậy, Jacobs có thể không tìm được người thứ hai để kế vị mình. “Nói chuyện với bất kỳ ai tại Qualcomm thì họ đều xem Steve là CEO đằng sau CEO. Rõ ràng, vụ Microsoft muốn mời Mollenkopf về làm CEO đã khiến cho Jacobs phải thúc đẩy nhanh kế hoạch kế vị.
Mollenkopf còn rất trẻ, chỉ mới 44 tuổi, nhưng ông đã dành cả sự nghiệp của mình ở Qualcomm. Ông đã có 20 năm làm việc tại đây, bắt đầu ở vị trí kỹ sư (ông học chuyên ngành kỹ thuật điện và đã có nhiều bằng sáng chế như trong lĩnh vực ước tính và đo lường năng lượng, công nghệ thu phát không dây). Sau đó, ông đã mau leo nhiều vị trí cấp cao trong hãng công nghệ này. Vị trí gần nhất là Giám đốc Điều hành mà ông được giao vào năm 2011.
Đặc biệt, ông là người có công lớn đưa Qualcomm trở thành nhà sản xuất chip không dây lớn nhất thế giới hiện nay. Doanh thu của Qualcomm đã tăng 30% lên 25 tỉ USD và đạt 6,8 tỉ USD lợi nhuận ròng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9.2013. Mức vốn hóa thị trường của Tập đoàn đã đạt hơn 122 tỉ USD, cao hơn cả vốn hóa của Intel và nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác.
Năm 2008, Mollenkopf đã được giao đứng đầu bộ phận chip chủ chốt của Qualcomm CDMA Technologies. Đó là thời khắc quan trọng của Qualcomm khi Jacobs đang nỗ lực đưa Qualcomm bành trướng ra khỏi lĩnh vực sóng vô tuyến kết nối điện thoại không dây với các mạng di động. Jacobs chọn Mollenkopf để phụ trách phát triển các bộ vi xử lý ứng dụng, bộ vi xử lý đồ họa, chip kết nối Wi-Fi/Bluetooth và các linh kiện khác được sử dụng trong điện thoại thông minh. “Steve đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Will Strauss, Chủ tịch hãng nghiên cứu Forward Concepts, nhận xét.
Không chỉ vậy, Mollenkopf còn dẫn dắt Qualcomm trong việc đưa chip hỗ trợ mạng 4G LTE tốc độ cao ra thị trường, trước cả các đối thủ lớn. “Ông ấy đã đi trước mọi người cả một năm rưỡi. Trong năm 2012, họ (Qualcomm) là công ty duy nhất đưa ra chip LTE đa cách thức. Và đến năm 2013, họ vẫn giữ tới hơn 90% thị phần”, Strauss nhận xét.
Dưới sự dẫn dắt của Mollenkopf, mảng chip của Qualcomm đã hoàn tất thương vụ mua lại Atheros (có trụ sở tại Mỹ) với giá 3,1 tỉ USD. Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của Qualcomm, giúp Tập đoàn bành trướng vào thị trường Wi-Fi và các thị trường khác.
Với những thành tích này của ông, giới đầu tư và chuyên gia đều hoan nghênh quyết định của Jacobs khi chọn Mollenkopf làm người kế vị. “Mollenkopf là một cựu chiến binh tại Qualcomm đã làm việc rất gần gũi với Jacobs trong nhiều năm qua. Chúng tôi kỳ vọng sự liên tục trong chiến lược và cách thực hiện khi Mollenkopf giữ vị trí CEO”, theo một báo cáo mới đây của Goldman Sachs.
Chuyên gia phân tích Stacy Rasgon tại Bernstein Research, cũng cho rằng chọn Mollenkopf là một quyết định sáng suốt. “Có thể ngoài mặt, sẽ không có nhiều thay đổi vì cả Mollenkopf và Jacobs đều sẽ tiếp tục can thiệp sâu vào Công ty. Nhưng khi Mollenkopf lên giữ vị trí điều hành, Jacobs sẽ có thể tập trung hẳn vào mảng phát triển công nghệ và tầm nhìn chiến lược. Đây là cách phát huy tài năng của hai bên, bởi Paul là một người có tầm nhìn trong khi Steve lại là một nhà điều hành cực kỳ giỏi”, ông nói.
Mollenkopf cho biết, đối với ông, ở lại Qualcomm là một quyết định rất dễ dàng. Mặc dù ông có thể sẽ trở thành một cái tên cửa miệng của các hộ gia đình nếu ông quyết định về với Microsoft, nhưng lèo lái gã khổng lồ này có thể sẽ là một nhiệm vụ cam go hơn (Microsoft đang khá loạng choạng trong quá trình định hướng trở thành công ty thiết bị và dịch vụ).
Qualcomm đã kiếm được 25 tỉ USD mỗi năm bằng cách cung cấp chip cho nhiều máy tính bảng và điện thoại thông minh của thế giới mà phần lớn chủ sở hữu của chúng không hề biết đến tên của Qualcomm. Bởi lẽ, định hướng của Qualcomm là chỉ đóng vai trò nhà cung cấp chứ không muốn dấn thân vào lĩnh vực bán lẻ. Do đó, vị CEO mới của Qualcomm cũng sẽ tiếp tục đứng sau bức màn nhung, nhưng tên của ông đã tràn ngập khắp các tờ báo công nghệ trong những ngày gần đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo