Xã hội

Sự cố kỹ thuật tại AACC/HCM là đặc biệt nghiêm trọng

Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về một số sự cố an toàn trong ngành hàng không trong những ngày gần đây do Cục Hàng không Việt Nam tổ chức chiều 21/11.

 Như thông tin Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, lúc 11 giờ 5 phút ngày 20/11 đã xảy ra sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống điều hành bay tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC/HCM). Nguyên nhân được Cục Hàng không Việt Nam lý giải là do hỏng bộ phận lưu điện. Sự cố này gây ra việc AACC/HCM mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay. 

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam và Quân chủng Phòng không - Không quân tại buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Tuấn
 
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh: “Đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến tất cả những chuyến bay hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và các vùng thông báo bay lân cận”.
 
Nguyên nhân trực tiếp do bộ lưu điện (UPS) cho hệ thống thiết bị điều hành bay bị hỏng chứ không phải do mất điện lưới tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo thiết kế, hệ thống lưu điện gồm có 3 bộ UPS, mọi nguồn điện cấp cho hệ thống điều hành bay đều thông qua 3 bộ UPS này và chỉ cẩn 1 bộ UPS là có thể duy trì hoạt động cả hệ thống. Mặc dù đã có hệ thống dự phòng 3 cấp như vậy nhưng đã xảy ra sự cố sập cả 3 hệ thống lưu điện, xuất phát từ việc hỏng 1 bộ UPS đầu tiên kéo theo hỏng cả 2 bộ UPS sau.
 
Sau khi sự cố xảy ra, Công ty Quản lý bay miền Nam đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm nhanh chóng khôi phục nguồn điện đồng thời báo cáo các cơ quan có liên quan, triển khai kế hoạch ứng phó không lưu cũng như gấp rút khắc phục từng phần của hệ thống kỹ thuật.. Đến 11 giờ 40 phút, các hệ thống thiết bị điều hành bay đã bắt đầu phục hồi trở lại. Đến 15h 40 phút, đã có 2 trong tổng số 3 bộ lưu điện hoạt động trở lại. Cho tới trưa 21/11, thiết bị lưu điện còn lại đã trở lại hoạt động bình thường.
 
Lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền nam cũng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ sở cung cấp các dịch vụ điều hành bay thực hiện phương án ứng phó không lưu, triển khai hiệp đồng với các ACC lân cận và các sân bay ở Việt Nam, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, không để xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hoạt động bay.
 
Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay: tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 20/11, có 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của AACC/HCM trên tổng số hơn 92 tàu bay bị ảnh hưởng. Nhiều tàu bay trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và các vùng thông báo bay tại Hà Nội, Sanya, Phnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh tại sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị.
 
Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiến hành ngay việc rà soát công tác đảm bảo kỹ thuật của hệ thống duy trì nguồn điện, qui trình vận hành hệ thống thiết bị cũng như qui trình ứng phó kỹ thuật nhằm loại trừ nguy cơ xảy ra sự cố tương tự và nâng cao bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thiết bị điều hành bay. Bên cạnh đó là rà soát, đánh giá chi tiết toàn bộ diễn biến sự việc về thực hiện phương án ứng phó không lưu, xây dựng phương án, kịch bản để huấn luyện, đào tạo.
 
Cục Hàng không cũng yêu cầu Tổng công ty quản lý bay Việt Nam tạm đình chỉ nhân viên kỹ thuật, kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố. Đồng thời thành lập đoàn Điều tra sự cố với các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật và kiểm soát không lưu phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân sự cố, đề xuất các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hoạt động bay và có báo cáo trước ngày 29/11/2014.
 
Sự cố kỹ thuật tại AACC/HCM là đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
 
Liên quan đến sự cố hàng không khi máy bay Airbus 321 của Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) suýt đụng trực thăng quân sự vào ngày 29/10 vừa qua, ông Lại Xuân Thanh cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Cục Hàng không Việt Nam, các đơn vị hàng không, quân đội đã tổ chức họp bàn đưa ra giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp, điều hành hoạt động bay giữa các bên.
 
Ông Thanh cũng cho hay: Sự cố ngày 29/10 là vi phạm phân cách tối thiểu về an toàn giữa hai đường bay chứ chưa phải suýt va chạm. Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do lỗi phối hợp, hiệp đồng của kiểm soát viên hàng không với quân sự trong kíp trực. Đó là lỗi của kiểm soát viên hiệp đồng trong việc canh nghe huấn luyện của các kiểm soát viên điều hành bay. 
 
“Một số phương tiện truyền thông có thông tin đây là lỗi của chỉ huy bay quân sự là chưa có cơ sở. Về việc này chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan quân sự thành lập tổ điều tra để tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự cố và xử lý nghiêm trách nhiệm của các nhân viên liên quan cũng như trách nhiệm của hệ thống”, ông Lại Xuân Thanh cung cấp thêm thông tin.
 
Về vấn đề này, Đại tá Hà Đức Tuế, Trưởng phòng Điều hành quản lý bay, Quân chủng Phòng không - Không quân cho hay toàn bộ kế hoạch bay liên quan đến huấn luyện máy bay quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/10 vừa qua đều được lên kế hoạch từ trước và có thông báo chi tiết tới các bên liên quan./.
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo