Xã hội

Sự cố ngành y 2013: Những ám ảnh về thiên thần áo trắng

Năm 2013 hàng loạt các tiêu cực trong ngành y tế được phơi bày ra ánh sáng. Báo Infonet xin điểm lại những sự kiện tiêu cực gây hoang mang dư luận và đáng chú ý nhất của ngành y trong năm qua.

Sự cố 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị đã gây ra sự phẫn nộ cho các bậc làm cha mẹ

Sốc với thẩm mỹ viện Cát Tường

Nhắc tới những thiên thần áo blue trắng người ta không khỏi lạnh người khi nghĩ đến câu chuyện của thẩm mỹ viện Cát Tường, có trụ sở tại đường Giải Phóng, Hà Nội. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường công tác tại Bệnh viện Bạch Mai đã mở thẩm mỹ viện tư nhân chưa có giấy phép hành nghề của Sở Y tế Hà Nội. Sau khi hoạt động chui gây tử vong cho nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền tại Hàng Thiếc, Hà Nội bác sĩ Tường đã ném xác nạn nhân đi hòng phi tang. Tuy nhiên, người nhà nạn nhân đã tìm thấy hóa đơn đặt cọc tiền của chị Huyền tại thẩm mỹ viện này và đến đòi người. Đến nay, bác sĩ Tường đã phải trả giá cho hành động của mình nhưng nỗi đau của gia đình nạn nhân còn mãi khi hơn hai tháng trôi qua xác chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy.
 
Theo diễn biến của vụ việc, vào sáng ngày 19/10, chị Huyền lấy chiếc xe máy Lead, đi khỏi nhà rồi từ hôm đó không thấy về. Đến 0h10’ ngày 20/10, anh Huy nhận được một cuộc điện thoại của người lạ nói đã tìm thấy xe máy của vợ anh tại khu vực Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Trên xe còn nguyên chìa khóa, túi xách và tài sản. Ngay sau đó, anh Huy đã đến cơ quan công an trình báo về sự mất tích khó hiểu của vợ mình.
 
Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường gây chấn động dư luận
 
Anh Huy cho biết vào sáng ngày 22/10, khi giặt quần áo cho vợ, anh thấy phiếu thanh toán tại cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường ghi ngày 18/10, trước thời điểm chị Huyền mất tích 1 ngày. Sáng ngày 22/10, anh được Công an Hà Nội thông báo rằng Thẩm mỹ viện Cát Tường, sau khi làm chết người, thay vì khai báo với cơ quan chức năng, Giám đốc thẩm mỹ viện đã ném xác chị Huyền xuống sông Hồng để phi tang.
 
Trả lời trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải thốt lên rằng "Sốc và đau xót". Trong văn bản gửi báo chí, nữ Bộ trưởng đã bày tỏ các cung bậc cảm xúc của mình. Bà nói "Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn.
 
Chúng tôi cảm thấy choáng và sốc vì không thể tưởng tưởng nổi một bác sĩ lại có thể hành động như vậy, phẫn nộ vì vị bác sĩ này đã phản bội lời thề Hippocrates, bất tuân luật pháp và các quy định, sai phạm về pháp luật - hoạt động không phép, hành nghề không đúng chuyên khoa, vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn, làm liều dẫn đến tử vong cho nạn nhân.
 
Câu chuyện về thẩm mỹ viện Cát Tường vẫn là ám ảnh lớn nhất của ngành y tế trong năm qua.
 
Ám ảnh mang tên vacxin
 
Tiêm chủng vacxin để phòng các bệnh cho trẻ em song lại trở thành nỗi ám ảnh với các bậc phụ huynh nhất trong năm qua. Đầu tiên là sự kiện nhiều trẻ tử vong sau tiêm vacxin Quinvaxem thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Sự kiện xảy ra từ cuối năm 2012 và kéo dài gần như xuyên suốt trong cả năm 2013.
 
Theo thống kê, tính từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2013 đã có 15 trẻ tử vong sau tiêm chủng vacxin Quinvaxem. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như chương trình tiêm chủng mở rộng đều cho rằng nguyên nhân do vacxin bị loại trừ.
 
Trước những dấu hiệu bất thường (số trẻ tử vong sau tiêm tăng cao), vào đầu tháng 5/2013, vacxin này đã bị tạm ngừng sử dụng để tái kiểm định chất lượng. Kết quả tái kiểm định cho thấy vacxin “đảm bảo an toàn” nên đã được lưu hành trở lại vào tháng 10/2013.
 
Sau khi tiêm trở lại, có nhiều trẻ gặp phản ứng, trong đó có trẻ tử vong song Bộ Y tế cho biết nguyên nhân là do trẻ bị suy hô hấp. Trả lời báo chí GS Nguyễn Trần Hiển - chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết vacxin 5 trong 1 Quinvaxem hoàn toàn an toàn.  Tổ chức Y tế thế giới WHO vẫn khuyến cáo "nếu vacxin không còn niềm tin của nhân dân thì có thể thay thế vacxin mới". Nhưng đến nay việc thay thế vacxin mới vẫn chưa được trả lời như thế nào nên nhiều người có con trong độ tuổi tiêm chủng lo ngại mức độ an toàn của vacxin miễn phí nên chấp nhận bỏ tiền để cho con tiêm dịch vụ với giá đắt hơn gấp cả chục lần vacxin Quinvaxem.
 
Tiêm phòng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình
 
Cũng trong năm 2013, câu chuyện vacxin gây khá nhiều tranh cãi giữa một bên là nên thay thế - một bên là an toàn không cần thay thế. Từ cuối tháng 7, trả lời trên báo chí, PGS, TS Đỗ Sỹ Hiển - nguyên chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã cho rằng vacxin chúng ta đang sử dụng là vacxin thế hệ cũ kém an toàn hơn và nên thay thế vacxin thế hệ mới (vacxin vô bào) an toàn hơn. Nhưng cũng có một trở ngại là vì nước ta nghèo, số vacxin chúng ta đang sử dụng được UNICEF tài trợ. Dư luận dấy lên làn sóng "phải chăng chúng ta nghèo nên phải sử dụng vacxin cũ". Nhưng đến nay tranh cãi giữa vacxin cũ mới vẫn còn và câu chuyện có nên thay đổi hay không vẫn chưa có lời kết.
 
Không chỉ có câu chuyện vacxin mới - cũ an toàn như thế nào, trong năm qua dịch vụ tiêm chủng ngoài chương trình cũng chào đón đông khách hàng đến. Từ đó lại xảy ra “scandal” ăn bớt vacxin ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vào tháng 5/2013.
 
Cán bộ thực hiện tiêm đã không dùng đủ liều vacxin cho trẻ khiến gia đình bức xúc. Trước áp lực dư luận, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã cho cán bộ tiêm chủng này thôi việc. Tuy nhiên ám ảnh về vacxin thì không thể một sớm, một chiều mà tiêu tan trong lòng các bậc phụ huynh.
 
Cũng liên quan đến vấn đề vacxin, năm 2013 ghi nhận sự kiện “chưa từng có” trong lịch sử tiêm chủng, đó là sự kiện 3 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khi tiêm vacxin viêm gan B ở bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào ngày 20/7.
 
Cho đến thời điểm này, nguyên nhân gây ra sự cố vẫn chưa được cơ quan điều tra công bố chính thức, tuy nhiên nguyên nhân do chất lượng vacxin được Bộ Y tế loại trừ. Nguyên nhân tử vong ban đầu được nhận định là do “sốc phản vệ”, tuy nhiên sau đó báo chí đã thông tin 3 trẻ này bị tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung oxyciton. Đã 5 tháng trôi qua thông tin chính thức về vụ việc này như thế nào vẫn chưa có hồi kết.
 
Nhân bản xét nghiệm, đánh tráo thủy tinh thể tại Hà Nội
 
Vào đầu tháng 8/2013, vụ việc “nhân bản kết quả xét nghiệm” để rút ruột BHYT diễn ra tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị phanh phui khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.
 
Sự việc bắt đầu từ đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt – cán bộ khoa xét nghiệm của bệnh viện này. Theo đó, giám đốc bệnh viện Nguyễn Trí Liêm đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền “nhân bản” một loạt xét nghiệm huyết học của các bệnh nhân để trục lợi.
 
Kết quả là có rất nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu giống hệt nhau. Sự việc không gây hậu quả lớn về kinh tế song về vấn đề đạo đức thì không thể chấp nhận được.
 
Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra và khởi tố 10 người liên quan đến vụ án này. Quá trình điều tra xác định, từ 1/8/2012 đến 31/5/2013, Vương Thị Kim Thành cùng 7 nhân viên Khoa Xét nghiệm đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong đó có 1.544 kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú trùng nhau, mẫu bệnh phẩm trùng nhiều nhất là 4 kết quả, thấp nhất là 2 kết quả. 
 
Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tổn hại về kinh tế nhỏ nhưng về đạo đức y tế thì lớn vô cùng
 
Theo quy định Bộ Y tế, Trưởng khoa xét nghiệm là người phải kiểm tra lại kết quả xét nghiệm, ký trước khi trả kết quả cho bệnh nhân. Nhưng bà Thành không thực hiện công đoạn này, đồng thời còn để nhân viên trực tiếp in kết quả rồi đưa vào hồ sơ thanh toán BHYT.
 
Thực tế trong số 1.544 kết quả xét nghiệm trùng thể hiện trong 18 quyển sổ có 789 kết quả được thống kê vào BHYT; và trực tiếp thu của bệnh nhân không có BHYT là 16.569.000 đồng (789 x 21.000 đồng/kết quả).
 
Cũng trong năm 2013, dư luận thêm phen rúng động khi vụ việc đánh tráo thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. 
 
Theo đơn phản ánh của BS Nguyễn Thị Thu Thủy, BV Mắt Hà Nội, những bệnh nhân cần phẫu thuật thủy tinh thể bằng phương pháp Faco tại bệnh viện Mắt Hà Nội thường được tư vấn lựa chọn loại nhân thủy tinh thể IQ Alcon mềm của Mỹ. Lựa chọn nhân thủy tinh thể này, mức tiền trọn gói người bệnh phải chi trả là 6.500.000đ (với bệnh nhân không có BHYT).
 
Tuy nhiên, người bệnh đóng tiền cho chất liệu của Mỹ, trên hóa đơn thu tiền của người bệnh đều ghi rõ thể thủy tinh nhân tạo IQ của hãng Alcon (Mỹ) nhưng trên thực tế trong lúc mổ đã bị tráo sang nhân HOYA và Focus của hãng khác, với chi phí rẻ và chất lượng kém hơn.
 
Người tố cáo ước tính, trong năm 2011, BV Mắt Hà Nội đã tiến hành mổ khoảng 3.000 ca thay thủ tinh thể với chi phí là 6,5 triệu đồng/ca mổ (với nhân thủy tinh thể và dịch nhầy của Mỹ), trong đó có khoảng 800 ca thay thủy tinh thể tại BV Mắt Hà Nội đã bị đánh tráo nhân thủy tinh thể với hành vi như trên.
 
Tuy nhiên, trả lời báo chí ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc tố cáo BV Mắt Hà Nội có hiện tượng lập lờ đánh tráo nhân thủy tinh thể không phải là mới mà là sự việc đã diễn ra từ 2 năm trước. Thanh tra Sở y tế đã vào cuộc và đã có kết luận về vụ việc và báo cáo Thành Ủy Hà Nội.
 
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội kết luận, qua thanh tra cho thấy có việc thay đổi thủy tinh thể cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và theo chỉ định chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật viên chính. Bệnh viện lưu ý sử dụng thủy tinh thể loại nào thì bác sĩ phải ghi vào bệnh án và thông báo cho người bệnh kết quả điều trị. Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định, chỉ định của phẫu thuật viên chọn nhân thủy tinh thể cho phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy chế chuyên môn.
 
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo