Sử dụng sai mục đích 100 tỷ đồng
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2006 đến năm 2010, Ủy ban Nhân dân của sáu tỉnh, thành trực thuộc trung ương (Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Phú Thọ và An Giang) đã sử dụng vốn của “Dự án Tăng cường năng lực dạy nghề” và “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020” để chuyển sang làm việc khác không đúng mục đích, sai đối tượng, với tổng số tiền lên tới hơn 104 tỷ đồng.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, nhiều Sở Lao động Thương binh và Xã hội và cơ sở dạy nghề chưa chú trọng điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu sử dụng thiết bị trước khi đầu tư, dẫn đến đầu tư dàn trải, thiết bị mua về nhưng tần suất sử dụng thấp, gây lãng phí.
Điều tra vụ mua khống thiết bị dạy nghề Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định giao cơ quan chức năng xử lý vụ có dấu hiệu “cố ý làm trái gây thất thoát tài sản nhà nước”, xảy ra tại Trung tâm Dạy nghề huyện Giao Thủy (nay là trường Trung cấp Nghề thương mại - du lịch - dịch vụ). Theo Thanh tra Chính phủ, Trung tâm này đã lập khống hồ sơ mua thiết bị dạy nghề, với tổng giá trị hơn 265 triệu đồng. |
Trong đó, có 19 cơ sở đầu tư mua 664 thiết bị trị giá hơn 7,2 tỷ đồng nhưng không dạy nghề được học sinh nào; có bốn cơ sở chi hơn 5,6 tỷ đồng mua 32 thiết bị nhưng để trong kho; sáu cơ sở dạy nghề mua 121 thiết bị bằng tiền dự án song lại sử dụng vào công việc văn phòng hoặc cho đơn vị khác mượn.
Công tác đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị cũng được đánh giá chưa thực sự cạnh tranh lành mạnh, giá trúng thầu quá cao so với giá thực tế nhà thầu mua.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, nghiệm thu, giao - nhận thiết bị cũng không đảm bảo nguyên tắc, không đối chiếu dẫn đến tình trạng thiếu thiết bị, sai nhãn mác, xuất xứ, với tổng số tiền vi phạm 34,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một số nơi dạy nghề không đúng đối tượng, tách lớp học để tính thêm chi phí, thống kê chi phí mua nguyên vật liệu, thiết bị, giáo trình không đúng thực tế hoặc không có chứng từ… khi sử dụng vốn của “Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
Mặt khác, kiểm tra công tác đầu từ xây dựng một số hạng mục của năm công trình, đoàn thanh tra phát hiện vi phạm tài chính khoảng ba tỷ đồng…
Trong khi công tác dạy nghề tồn tại rất nhiều bất cập như đã nêu trên, nhưng công tác thanh, kiểm tra toàn diện đối với cơ sở dạy nghề chưa thường xuyên, số lượng cơ sở dạy nghề được thanh tra hàng năm đạt tỷ lệ dưới 15%.
Cá biệt, có một số địa phương nhiều năm chưa được thanh tra. Đáng chú ý, năm năm qua, Thanh tra Tổng cục Dạy nghề mới chỉ tổ chức thanh, kiểm tra được 363 cơ sở dạy nghề (đạt tỷ lệ 7,3%).
Qua đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Cục Dạy nghề chấn chỉnh vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề; các cơ quan liên quan giảm trừ cấp phát vốn, hoàn trả lại dự án, thu hồi tiền chi sai quy định với số tiền gần 50 tỷ đồng.
Đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm và báo cáo trong quý I/2012.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo