Sự ngờ vực chính trị Trung - Mỹ ngày càng xấu đi
Quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng, Trung Quốc cùng các nước ASEAN cần xác định rõ những hành động nào là khiêu khích, phải tự nguyện đồng ý chấm dứt các hành động làm trầm trọng thêm các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs nhắc lại quan điểm của chính quyền Mỹ rằng, cách hành xử “khiêu khích và đơn phương” của Trung Quốc làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tuân thủ luật pháp quốc tế của nước này.
Mỹ muốn ASEAN và Trung Quốc “thảo luận thực tế và thực chất” để bổ sung cho lời kêu gọi kiềm chế trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà hai bên nhất trí vào năm 2002, nhằm ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), ông Fuchs nói.
“Chúng tôi đã kêu gọi các quốc gia liên quan làm rõ và đồng ý tự nguyện dừng các hành động, hoạt động làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực như được mô tả trong DOC”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Fuchs nói với nhóm cố vấn ở Washington.
Ông Fuchs cho biết đã nói chi tiết đề xuất này với cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Một quan chức Mỹ nói rằng, vấn đề này được nêu với Trung Quốc vào tuần trước tại Đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên. Quan chức này từ chối nói về phản ứng của Trung Quốc.
Ông Fuchs nói rằng, việc quyết định những hành động nào cần phải dừng lại tùy thuộc các nước liên quan, nhưng có thể bao gồm việc tái cam kết không lập thêm tiền đồn mới hoặc chiếm đoạt lãnh thổ mà nước khác đã chiếm đóng trước khi có DOC năm 2002.
Ông cho rằng, các nước liên quan cũng cần đồng ý kiềm chế triển khai các biện pháp đơn phương chống lại những hoạt động kinh tế lâu nay của nước liên quan trong các khu vực tranh chấp. “Thỏa thuận sẽ không ảnh hưởng đến bên nào trừ khi tất cả các nước liên quan đồng ý với từng điều khoản”, ông Fuchs nói.
Ông Ni Lexiong, nhà bình luận các vấn đề quân sự tại Thượng Hải (Trung Quốc), nói rằng, những ý kiến của ông Fuchs cho thấy Washington đang lo lắng về “sự bành trướng của Trung Quốc”, nhưng Bắc Kinh có thể đã phớt lờ những đề xuất này. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quanh các vùng biển tranh chấp và sẽ tự ý mở rộng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông.
Biển Đông có thể thành điểm nóng Mỹ - Trung
Trong khi đó, nhiều nhà quan sát nhận định, Trung Quốc và Mỹ ngày càng khó hòa giải với nhau, thể hiện trong cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược vừa qua. Dù lãnh đạo hai nước sử dụng cuộc đối thoại lần này để khẳng định quyết tâm ngăn ngừa, kiểm soát xung đột, đồng thời nhấn mạnh hợp tác kinh tế, quân sự và biến đổi khí hậu, nhưng các nhà phân tích cho rằng, sự ngờ vực chính trị giữa hai cường quốc ngày càng xấu đi và các điểm nóng mới dễ dàng xuất hiện.
“Cuộc đối thoại kết thúc với việc các quan chức trình bày quan điểm của họ về những vấn đề quan trọng, nhưng không thuyết phục được nhau về những ý định chiến lược của họ”, ông Sun Zhe, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nhận định.
“Không bên nào đưa ra được bằng chứng cho thấy họ thay đổi được suy nghĩ của bên kia”, South China Morning Post dẫn lời ông Sun. Chuyên gia này cho rằng, biển Đông có nguy cơ trở thành điểm nóng mới giữa Trung Quốc và Mỹ khi cả hai nước đều đang gia tăng can dự vào vùng biển này. “Cả hai nước đều đang ở thời điểm mà họ cần thiết lập lại các mối quan hệ của mình”, ông Sun nói.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo