Sự phát triển bền vững của đất nước phụ thuộc vào an ninh nguồn nước
Ngày 12/5, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức hội thảo Phát triển bền vững lưu vực sông – Thách thức và giải pháp.
Hội thảo phát triển bền vững lưu vực sông – Thách thức và giải pháp.thu hút sự tham gia của các chuyên gia, đại biểu, các nhà khoa học đến từ các bộ, ngành cùng các cơ quan có liên quan trong cả nước. Cụ thể như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tổng Bộ Xây dựng, Hội Thủy lợi, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Viện Sinh thái học Miền Nam,…
Tham dự hội thảo có các đồng chí như Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Trần Việt Hùng, TS. Đào Trọng Tứ - chuyên gia cố vấn cao cấp Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội chủ trì hội thảo.
Hội thảo tập trung thảo luận về những vấn đề nóng hiện nay như: Phát triển và quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông ở VN - Thực trạng và kiến nghị giải pháp. Tiếp cận quản lý tổng hợp lưu vực sông - đới bờ và biển. Hệ quả từ sự thay đổi dòng chảy sông ngòi - Các bài học trên thế giới. Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai - những vấn đề tác động cần làm rõ. Một số vấn đề về phát triển bền vững các dòng sông ở VN hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Việt Nam là nước giàu tài nguyên nước với hơn 2.000 dòng sông. Tổng số nước các sông chuyên chở khoảng 840 tỷ m3/năm. 2/3 số nước bắt nguồn từ bên ngoài và 1/3 số nước là nước nội sinh. Do đó, nếu tính theo số nước nội sinh thì Việt Nam không phải là nước giàu tài nguyên nước, mà phụ thuộc vào vào nguồn nước từ nước ngoài đưa đến.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Trọng Tứ, chuyên gia cố vấn cao cấp Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, Việt Nam không phải là quốc gia khan hiếm về nước nhưng tài nguyên nước của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ bên ngoài biên giới quốc gia. Nước mặt phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian và lượng nước bình quân đầu người giảm do dân số tăng. Đó là chưa kể, sự phát triển mạnh mẽ các công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ đơn mục tiêu trên hầu khắp các sông suối đang gây nên việc sử dụng tài nguyên không hợp lý...
"Sự phát triển bền vững của đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó là bảo đảm an ninh nguồn nước. Đứng trước thách thức tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt, quản lý tài nguyên nước đóng một vai trò hết sức quan trọng – nhân tố hàng đầu bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước cho phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước", TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh tại hội thảo.
Trong khi đó, theo GS-TS Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam thì nguồn nước sẽ chịu ảnh hưởng từ lượng nước từ ngoài biên giới, bất thường lớn của tự nhiên, công nghiệp hóa và đô thị hóa, quản lý lưu vực yếu kém...
Tại hội thảo, ông Phạm Hồng Giang cũng chỉ ra sự cạn kiệt ở hạ du sông Hồng. Cụ thể, ông Giang lấy dẫn chứng: "Hơn 10 năm nay mức nước ở hạ du giảm xuống từ 2 – 4 mét, gây ra những thiệt hại như: ô nhiễm môi trường, cảnh quan bờ sông, hạ thấp mức nước ngầm, không còn giao thông thủy".
Trên cơ sở đó, TS. Giang đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững các lưu vực sông. Theo ông Giang, để làm được như vậy trước hết cần phải xây dựng một số đập dâng nước ở hạ du để đáp ứng các yêu cầu về mùa khô: đủ nước tưới cho các hệ thống thủy lợi; tiết kiệm nước, tiết kiệm điện; có âu tàu đảm bảo giao thông thủy thông suốt; có nước rửa trôi chất thải, cải thiện môi trường; làm đẹp cảnh quan sông, nhất là Thủ đô Hà Nội và các đô thị ven sông; hỗ trợ nguồn nước ngầm và sẽ trả lại lòng dẫn để vẫn đảm bảo thông thoát lũ mùa mưa.
Ngoài các dòng sông trên cả nước thì TS Giang cũng chỉ ra những khó khăn về vấn đề phát triển bền vững các lưu vực sông ở miền Trung như: mâu thuẫn về phát điện với giảm lũ, tưới và cấp nước. Theo TS Giang, để tháo gỡ những khó khăn này, cần trữ nước mùa mưa để giảm nhẹ lũ và dùng cho mọi nhu cầu trong mùa khô.
Việt Nam có 2.372 con sông có chiều dài trên 10 km. Nếu phân loại theo diện tích lưu vực, có 13 con sông có diện tích lưu vực trên 10.000 km2. Tổng lượng dòng chảy năm của Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3/năm, trong đó 63% tức khoảng 520-525 tỷ m3 chảy từ các quốc gia láng giềng nằm ở thượng nguồn các lưu vực sông chảy vào Việt Nam.
Lượng nước sinh ra từ chính lãnh thổ Việt Nam chiếm 37% tổng lượng dòng chảy năm của đất nước, khoảng từ 310-315 tỷ m3. Lượng nước tính theo bình quân đầu người năm 2010 khoảng 9.700 m3, cao hơn 2,4 lần so với châu Á và 1,3 lần so với thế giới. Nếu chỉ tính nước nội sinh, bình quân đầu người năm chỉ là 3.620 m3/năm. Tài nguyên nước dưới đất phân bố rất không đều trong lãnh thổ.
Hòa Hậu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo