Môi trường

Sự thật đau lòng của nạn buôn bán sừng tê giác

Trung bình, cứ mỗi 9,5 giờ lại có một cá thể tê giác bị giết hại ở Nam Phi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia như Việt Nam.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tổ chức WildAid và tổ chức African Wildlife Foundation vừa giới thiệu một phim ngắn mới về hậu quả nghiêm trọng từ nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác đang ngày một tăng tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Phim ngắn có những hình ảnh đau lòng về một cá thể tê giác bị bỏ mặc cho đến chết sau khi một phần lớn khuôn mặt của nó và chiếc sừng đã bị lấy đi.

 
Theo bà Nguyễn Phương Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) “Trung bình, cứ mỗi 9,5 giờ lại có một cá thể tê giác bị giết hại ở Nam Phi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia như Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các đài truyền hình trên cả nước, phim ngắn này sẽ truyền tải một thông điệp sâu sắc tới cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam”.
 
Cá thể tê giác trong đoạn phim đã được một cán bộ kiểm lâm thuộc vườn Quốc gia Kruger, Nam Phi phát hiện vào tháng 3 năm nay và sau đó đã được tiêu hủy nhân đạo. Thông điệp của đoạn phim được xen kẽ với cảnh một người đang mài sừng tê giác để uống
 
Ông Peter Knights – Giám đốc tổ chức WildAid cho biết:“Chỉ trong tháng 9 vừa qua, hơn 100 cá thể tê giác đã bị giết hại tại Nam Phi, ước tính tổng số tê giác bị giết hại trong năm 2013 có thể lên tới 1.000 cá thể. Phim ngắn này cho những người tiêu thụ sừng tê giác thấy hậu quả nghiêm trọng từ chính việc làm của họ.”
 
Cùng với Trung Quốc, Việt Nam hiện đang bị coi là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới. Một bộ phận người dân vẫn còn mù quáng tin vào những lời đồn thổi về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác. Một số khác thì lại dùng sừng tê giác như là một công cụ để thể hiện đẳng cấp. Sự phát triển kinh tế là nhân tố đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng người tiêu thụ sừng tê giác không hề biết tới những hành động độc ác và nhẫn tâm mà những kẻ săn trộm đã thực hiện để lấy được chiếc sừng mà họ đang tiêu thụ.
 
“Tại Nam Phi, những kẻ săn trộm vẫn đang tiếp tục bị bắt giữ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tăng nhanh và lợi nhuận hấp dẫn từ những phi vụ buôn bán trái phép sừng tê giác xuyên quốc gia vẫn tạo động lực cho ngày càng nhiều kẻ săn trộm sẵn sàng tham gia vào hành động tội ác này. Một khi vẫn còn tồn tại nhu cầu, thì việc giết hại tê giác sẽ không thể dừng lại. Tôi hi vọng phim ngắn này sẽ góp phần thuyết phục người dân Việt Nam không sử dụng sừng tê giác nữa,” ông Patrick J. Bergin, Chủ tịch tổ chức African Wildlife Foundation cho biết.
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo