Xã hội

Sửa đổi Luật Công chứng: Tuyên thệ chỉ là hình thức

"Không nên giới hạn độ tuổi công chứng viên, trả chứng thực về văn phòng công chứng, khuyến khích vấn đề công chứng ngoài trụ sở và hạn chế những mĩ từ mang tính hình thức..".- Ts Trần Công Trục.

 Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ Trần Công Trục, Trưởng Văn phòng Công chứng Đông Đô xung quanh dự án sửa đổi Luật Công chứng.

Ông Trần Công Trục, Trưởng Văn phòng công chứng Đông Đô tại phiên họp của văn phòng (ảnh: Hồng Chuyên)
 
PV: Từ khi luật công chứng ra đời và có hiệu lực (01/7/2007) đến nay, ông có nhận định cũng như đánh giá gì về mô hình này?
 
Từ khi luật công chứng có hiệu lực (01/7/2007) và đi vào cuộc sống, luật công chứng đã thể hiện rõ vai trò của mình cũng như có ý nghĩa to lớn. Trong đó, xã hội hóa dịch vụ công chứng là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với chủ trương hiện nay trong công tác Nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ công, cũng như phù hợp với xu hướng chung của quốc tế, thể hiện nguyện vọng, lợi ích của người dân, những người phải được hưởng dịch vụ này một cách đích thực và bình đẳng.
 
Tuy nhiên, vì mới được đưa vào cuộc sống nên không tránh khỏi sự bất cập. Và chính sự bất cập đó làm hạn chế tác dụng của lĩnh vực công chứng trong đời sống, kinh tế-xã hội nói chung. Cho nên, khi các cơ quan quản lý Nhà nước và Quốc hội đặt ra vấn đề sửa đổi Luật lần này là hết sức hợp lý. Nó nói lên ý thức, trách nhiệm của những người được nhân dân tin tưởng, giao phó.
 
Là một trong những người đầu tiên đứng ra xin phép thành lập văn phòng công chứng và hoạt động cho đến ngày nay, trải qua thực tế công việc cũng như qua quá trình nghiên cứu, tôi cho rằng có một số nội dung còn có những ý kiến trao đổi khác nhau, chưa đi đến thống nhất, thậm chí có những ý kiến trái ngược nhau. 
 
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do trong tư duy của một số người cho rằng công chứng là một khâu của công tác quản lý hành chính và nó thể hiện quyền lực của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực công chứng là một dịch vụ pháp lý. Hoạt động của nó với tư cách là thực hiện các dịch vụ tương tự như nhiều dịch vụ khác.
 
Dự án sửa đổi luật lần này không phải là mới, trên thực tế nó đã được đưa ra thảo luận, xem xét từ lâu. Sau một quá trình khảo sát, nghiên cứu, trao đổi, luận bàn giữa các bộ, ngành, tôi tin tưởng rằng sẽ có được sự bổ sung sửa đổi hợp lý nhất để luật công chứng có thể đi vào cuộc sống tốt hơn, hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội.
 
PV: Ông có thể nêu ý kiến của mình quanh việc sửa đổi Luật công chứng?
 
Để trả lời câu hỏi này phải bắt nguồn từ quan niệm về công chứng. Thực tế cho thấy, quan niệm của mỗi người khác nhau từ đó dễ dẫn đến việc hiểu sai. Do đó, muốn giải quyết tận gốc vấn đề cần có một sự thống nhất về chủ trương trong sửa đổi mà theo tôi là cần có một sự thống nhất về quan niệm. Công chứng không phải là một lĩnh vực, là một khâu của một thủ tục hành chính mà nó là một dịch vụ pháp lý. Từ đó có thể xử lý được những nội dung hiện nay còn có những ý kiến khác nhau.
 
Với tư cách cá nhân đứng trên lập trường khách quan theo tôi nên sửa lại và người công chứng viên phải chịu trách nhiệm chính trong hợp đồng, đồng thời trách nhiệm với bản sao cũng như bản dịch. Cho nên người công chứng phải biết nâng cao trách nhiệm của mình, trình độ của mình để hoàn thành nghề của mình.
 
Hai là, trong luật công chứng có ý cho rằng công chứng không phải vì mục đích lợi nhuận. Sở dĩ như vậy là vì xuất phát từ tư tưởng bao cấp, từ tư duy của việc hành chính công và tự đặt ra là không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, trên thực tế một dịch vụ muốn thực hiện tốt nhiệm vụ cần phải có những đầu tư cần thiết để phục vụ. Do đó, không thể không có thu lại để bù vốn đồng thời tái đầu tư để phát triển dịch vụ tốt hơn.
 
Công chứng có công chứng nội dung giao dịch và công chứng hình thức giao dịch. Hiện nay, do quan niệm như vậy nên đang thực hiện chứng thực (công chứng hình thức giao dịch) cho UBND xã phường.
 
Có một thực tế, nhiều người làm một thủ tục như mua bán quyền sử dụng đất, công chứng hợp đồng lại vừa phải chứng thực tại UBND xã, phường, vừa phải công chứng tại văn phòng công chứng. Một thủ tục phải làm ở nhiều nơi, điều này là gây phiền hà và bất tiện cho người dân.
 
Hơn nữa, cán bộ cấp xã, phường kiêm nhiệm khá nhiều nên việc cung cấp dịch vụ chứng thực như vậy cũng khá khó khăn. Sự khó khăn này không chỉ có chuyên môn, điều kiện làm việc do đó việc đáp ứng đúng nghĩa dịch vụ chưa có. Nhiều xã phường muốn công chứng phải để hôm trước, hôm sau mới có người ký. Thậm chí, người ký đi công tác thì phải mất mấy ngày mới có thể công chứng xong. Đấy là chưa kể đến yếu tố nể nang “trong làng ngoài xã” mà việc công chứng, chứng thực cũng có phần chưa chuẩn xác...
 
PV: Vậy ý của ông là nên trả chứng thực về cho văn phòng công chứng?
 
Đúng như thế. Cách đây 6,7 năm, trước tình trạng quá tải tại phòng công chứng thì việc chuyển chứng thực về UBND xã, phường là rất hợp lý. Nhưng ngày nay, sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, công tác xã hội hóa dịch vụ công chứng đã có nhiều bước tiến thì việc trả “chứng thực” về cho văn phòng công chứng là điều nên làm.
 
 
Tuy nhiên, có một thực tế là văn phòng công chứng, chứng thực thường hay tập trung ở những nơi đông dân cư, thành thị còn ở những xã, phường xa xôi theo ông nên tính như thế nào?
 
Theo tôi cần phải tính toán điều kiện cụ thể của từng địa phương sao cho phù hợp. Ví dụ, ở những nơi văn phòng công chứng chưa đến kịp hoặc chưa bố trí theo đúng quy hoạch thì UBND phường, xã cũng có thể làm việc này. Tức là chuyển chứng thực trở lại một trong những nội dung của hoạt động công chứng, là một trong những bộ phận cấu thành của công chứng. Còn những xã ở xa thì vẫn làm chứng thực, tức là quá độ.
 
PV: Ông có suy nghĩ gì về vấn đề đi công chứng ngoài trụ sở?
 
Có nhiều người cho rằng, đối với công chứng là phải ngồi tại nơi làm việc, phải nghiêm túc, đàng hoàng, không được đi đến nhà dân. Tôi cho rằng đây là một quan niệm rất hành chính, không phải dịch vụ công. Dịch vụ công là dịch vụ nếu người dân có yêu cầu thì chúng ta sẽ phục vụ miễn sao đảm bảo tính trung thực, tính chân thật của các giao dịch, hợp đồng.
 
Tất nhiên, đi công chứng ngoài trụ sở không có nghĩa là không thực hiện đầy đủ những quy định của luật công chứng. Nếu bỏ qua một trong những công đoạn, hoặc ủy quyền cho những người không có thẩm quyền đi thay thì việc đó hoàn toàn sai và cần phải xử lý ngay.
 
Về độ tuổi của công chứng viên, một số đại biểu đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi như dự thảo Luật đã trình Quốc hội, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
 
Theo tôi, không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật này để tận dụng tối đa kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này. Họ có đủ sức khỏe, đủ minh mẫn để phục vụ khách một cách có hiệu quả thì không nên hạn chế. Trong trường hợp làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Do vậy, thay vì giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên, cần nâng cao tiêu chuẩn khi tuyển dụng. Cho nên, đối với người công chứng viên cần phải kiểm tra chặt chẽ hơn về trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, sức khỏe và điều kiện cụ thể để tham gia vào tổ chức hoạt động có văn phong, tránh tình trạng yếu kém.
 
PV: Theo ông có nên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người thực hiện nhiệm vụ công này không?
 
Rất cần thiết, cần phải quy định rõ trong bao nhiêu thời gian phải đi khám lại một lần. Và tiêu chuẩn đó phải cụ thể về tránh hiểu nhầm.
 
Ở nhiều nước, công chứng viên phải tuyên thệ trước tòa, nhằm đảo bảo việc tuân thủ pháp luật và các hành vi đạo đức, theo ông nước ta có nên áp dụng hình thức này cho đội ngũ công chứng viên hay không? 
 
Tôi nghĩ đó chỉ là hành động mang tính chất hình thức. Có phải cứ tuyên thệ trước tòa thì mới là trung thành? Có những người tuyên thệ hùng hồn lắm nhưng khi hoạt động lại khác.
 
Theo tôi, nên hạn chế bớt những mỹ từ có tính chất hình thức đó, mà phải cụ thể, chi tiết về mặt luật pháp. Và nếu không làm được những điều đó thì sẽ phải chịu trách nhiệm, tùy theo mức độ để xử lý một cách nghiêm túc.
 
PV: Đối với công chứng, tại sao ông lại cho rằng lời thuyên thệ này chỉ mang tính hình thức?
 
Tôi không nói là bỏ nếu như lời tuyên thệ đó từ trước đến nay vẫn được duy trì và đã trở thành truyền thống. Nhưng rõ ràng đây là một việc rất mới đối với các công chứng viên. Từ trước đến nay, họ chưa từng tuyên thệ thế thì tự nhiên mình “đẻ” ra thì đây là một hiện tượng mới. Điều này không cần thiết vì nó sẽ làm cho vấn đề hành chính hóa này mang nặng tính hình thức.
 
Nếu không sử dụng những hình thức, những đức tin để ràng buộc đạo đức của người công chứng viên, theo ông phải làm như thế nào để có thể thay thế?
 
Về pháp luật, cần phải quy định một cách chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng những điều người công chứng viên phải làm đồng thời phải có một cơ chế phân biệt thưởng phạt rõ ràng.
 
Bên cạnh đó, còn có những quy định về mặt đạo đức đối với người công chứng, và phải có một thiết chế để xử lý những hoạt động vô đạo đức, thiếu lương tâm nếu xảy ra. Những thiết chế này sẽ được đặt ra tại các bộ quy tắc nghề nghiệp, nguyên tắc, nội quy của hội nghề nghiệp như Hiệp hội Công chứng Việt Nam...
 
Xin cảm ơn ông!
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo