Sửa đổi luật: Đã có thể nói từ “đột phá”
Quốc hội vừa chính thức bấm nút thông qua Luật DN (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Đây là hai luật quan trọng nhất đối với giới DN, doanh nhân và người kinh doanh. Những quy định, quy tắc quan trọng nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư được chứa đựng trong hai luật nói trên.
Thời gian gân đây, người ta thường nói tới hai chữ “đột phá” trong các chính sách kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đánh giá, hầu hết các chính sách mới chỉ ở mức “đột” chứ chưa “phá” được. Chỉ đến khi, hai dự luật sửa đổi này được thông qua và đi vào cuộc sống, thì sự “đột phá” sẽ có thể được nhìn thấy.
Việc Luật DN (sửa đổi) bãi bỏ đề nghị DN cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh được xem như một sự “cởi trói” đối với những người khởi sự kinh doanh. Theo đó, DN không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh. Điểm đặc biệt là Luật DN cũng bỏ con dấu DN - một trong những băn khoăn của nhiều DN từ trước tới nay.
Đối với nhóm Cty, hay tập đoàn kinh tế tư nhân cũng đã được chuẩn hóa trong Luật DN (sửa đổi). Đây là một động lực để các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc các Cty tư nhân liên kết thành nhóm Cty và hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế là quyền và xu thế phát triển của DN.
Nhận xét về Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐB tỉnh Thái Bình) cho rằng, đột phá ấn tượng nhất của Luật là về thủ tục đầu tư. ĐB Vũ Tiến Lộc, đánh giá cao việc thiết kế một cơ chế "bộ lọc" là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tiềm tàng có ảnh hưởng đặc biệt lớn về môi trường, dân cư, an ninh, quy mô vốn lớn, sử dụng đất...
Điểm mới nhất của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là sự thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật, thay vì “chọn cho” (nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật), đã chuyển sang cách “chọn bỏ” (quy định những gì cấm, còn lại thì DN, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật). Các lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư kinh doanh cũng được tập hợp từ tất cả các văn bản pháp luật hiện hành xuống còn 6 ngành, nghề và quy định cụ thể tại Điều 6 của Luật Đầu tư (sửa đổi).
TS Nguyễn Đình Cung –Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, để tạo một cuộc “cách mạng” về môi trường kinh doanh, thì điều quan trọng nhất trong sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN là bãi bỏ được bao nhiêu điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết. Việc tập hợp tất cả các điều kiện kinh doanh về một đầu mối đảm bảo tính minh bạch, công khai, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ là một bước tiến lớn. Theo nhiều chuyên gia, danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện là điều “cốt tử” của các Luật DN, Luật Đầu tư. Những sửa đổi mạnh mẽ trong hai luật trên thực sự “cởi trói” cho DN.
Như vậy, nếu Luật Đầu tư, Luật DN với những cải cách mạnh mẽ đi vào cuộc sống, thì lợi ích có được còn lớn hơn rất nhiều con số đó.
Theo DDDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo