Thị trường

Sửa luật, vẫn còn quá nhiều quy định "hành" doanh nghiệp

Nhiều Đại biểu Quốc hội nhận định, nội dung về cấm kinh doanh như quy định của dự thảo còn chung chung, nội hàm quá rộng và sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Hơn 3.000 danh mục ngành nghề cấm kinh doanh

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng, dự án luật này đã được chuẩn bị kỹ và gần như là đưa ra một đạo luật mới so với Luật doanh nghiệp hiện hành, theo tinh thần rất cởi mở với doanh nghiệp.

“Mong muốn của ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra là liệt kê để quy định rõ vào luật danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, nhưng việc này hơi khó và chúng tôi đang làm” - ông Hùng cho hay. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu hứa nếu chuẩn bị kịp danh mục này sẽ báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 7. “Qua thống kê đến thời điểm này thì danh mục ngành nghề cấm kinh doanh đã hơn 3.000” - ông Giàu cho biết.

Tuy nhiên theo ông Giàu, điểm khó còn lơ lửng cần thảo luận là vấn đề kinh doanh có điều kiện cũng phải được cụ thể hóa để minh bạch. “Còn nếu để chung chung như thế này, khi nhà đầu tư chuẩn bị đầu tư, làm đủ thứ thủ tục tốn kém nhưng mai mốt công bố cấm kinh doanh (ngành nghề đó) thì rủi ro ai chịu. Nếu không minh bạch thì không có môi trường kinh doanh tốt. Mong muốn của chúng tôi là luật này tạo ra bước đột phá mới trong việc cải thiện môi trường đầu tư” - ông Giàu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị quy định rõ ràng bằng được hai danh mục ngành nghề kinh doanh cấm và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Những gì nằm ngoài hai danh mục này thì người dân có quyền tự do kinh doanh” - ông Lịch nói.

 

 

 Đại biểu Trần Du Lịch  - Ảnh: V.Dũng

“Có cần đăng ký ngành nghề kinh doanh như hiện nay không?” - đại biểu Trần Du Lịch hỏi và cho biết đã trực tiếp mời Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM để hỏi nếu không đăng ký ngành nghề trong giấy phép đầu tư thì sở nói rõ là không ảnh hưởng gì cả, càng tốt. Ông Lịch ví von cấp giấy đăng ký kinh doanh cũng giống như làm khai sinh cho đứa bé ra đời, còn trong tương lai nếu nó vi phạm pháp luật thì đừng đổ tội cho người cấp khai sinh.

Theo đó, ông Lịch cho rằng chuyện doanh nghiệp ra đời nhưng không hoạt động thì cơ quan thuế phải theo dõi, cảnh báo trên trang web để những người giao dịch không bị lừa đảo.

Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho rằng Nhà nước phải nắm được doanh nghiệp làm cái gì, qua đó cũng để nắm được sức khỏe của doanh nghiệp nói riêng và sức khỏe của nền kinh tế nói chung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quản lý tốt cũng để đảm bảo thu thuế, thu đủ cho ngân sách nhà nước. “Trong giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp thì không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh, nhưng cần quy định doanh nghiệp phải khai báo và đăng ký với cơ quan nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trường hợp khai báo mà không làm, hoặc làm mà không báo đều phải có chế tài. Nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập doanh nghiệp ở VN quá dễ dàng, chỉ cần một tấm chứng minh nhân dân là có thể thành lập doanh nghiệp. Tôi nghĩ cũng cần quy định tóm tắt tiểu sử, lý lịch của các cá nhân tham gia quản lý doanh nghiệp để đối tác, khách hàng người ta có thể nắm bắt được, tạo sự yên tâm trong làm ăn” - ông Vinh bày tỏ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) băn khoăn quy định chỉ cần giấy chứng minh nhân dân photo là đơn giản quá khi làm thành lập doanh nghiệp, đề nghị cần có lý lịch tư pháp khi thành lập doanh nghiệp. Nhưng đại biểu Trần Du Lịch nói ngay “bây giờ yêu cầu lập doanh nghiệp phải nộp lý lịch tư pháp là đi lùi quá xa, không ai làm thế đâu”.

Chia sẻ băn khoăn này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết khi đi vào thực tiễn giải quyết các tranh chấp mới thấy được vấn đề. “Việc sửa Luật doanh nghiệp lần này phải xuất phát từ thực tiễn, tránh chuyện mị dân hay hô những khẩu hiệu doanh nghiệp nghe rất sướng”. Theo đại biểu Nghĩa, đầu vào (thành lập doanh nghiệp) dễ dàng, thông thoáng... nhưng tới đây phải chấn chỉnh vấn đề hậu kiểm và phải làm thật tốt, vừa qua có lúng túng ở khâu này. “Luật lần này phải đặt mạnh cơ chế hậu kiểm và phải có quy định chế tài trách nhiệm những cơ quan hậu kiểm” - ông Nghĩa kiến nghị.

Không thể gây khó cho doanh nghiệp

Trong khi đó, Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) bày tỏ, đây là những quy định gắn trực tiếp và nhằm cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức đã được hiến định, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như cả xã hội rất quan tâm. Dự thảo luật quy định vấn đề này theo hướng khẳng định quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp ở những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đồng thời nêu khái quát một số nội dung cấm kinh doanh, ràng buộc điều kiện kinh doanh và giao quyền cho Chính phủ quy định danh mục cụ thể ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

 

“Tôi cho rằng các nội dung về cấm kinh doanh như quy định của dự thảo còn chung chung. Phạm vi nội hàm quá rộng và chưa có nguyên tắc, tiêu chí để khoanh định rõ ràng nên chưa đảm bảo tính xác định cần có của loại hình quy phạm cấm. Mặt khác, việc giao quyền cho văn bản ở cấp nghị định quy định danh mục cụ thể có ưu điểm đảm bảo được tính linh hoạt, đáp ứng kịp thời những yêu cầu đa dạng và luôn biến động không ngừng của sản xuất và đời sống.

 

Tuy nhiên, gặp vướng mắc do quy định hạn chế giao quyền này xuống cấp văn bản dưới luật của Hiến pháp. Để giải quyết những vướng mắc nói trên, tôi tán thành ý kiến của cơ quan thẩm tra, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc, tiêu chí để khoanh định rõ hơn những ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh và nên ban hành kèm theo luật một danh mục cụ thể về các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Đồng thời giao quyền cho Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá thực tế, kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh danh mục này nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi tham gia thị trường”, Đại biểu Hương nhấn mạnh.

 

Cũng theo Đại biểu Hương nên bổ sung nguyên tắc làm lợi cho doanh nghiệp khi nhà nước rà soát, điều chỉnh danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo quy định về nới lỏng điều kiện kinh doanh hoặc quy định loại bỏ bớt ngành nghề bị cấm kinh doanh có thể có hiệu lực ngay.

 

Nhưng các quy định siết chặt hơn điều kiện kinh doanh hoặc bổ sung thêm ngành nghề bị cấm kinh doanh thì chỉ có hiệu lực sau một thời gian hợp lý, tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành nghề. Nếu như quy định cấm hoặc siết chặt hơn, bó buộc phải có hiệu lực ngay do các yếu tố khẩn cấp thì cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp của nhà nước cho doanh nghiệp liên quan để chuyển hướng sản xuất, giảm thiểu thiệt hại nếu có.

 

Quy định như vậy nhằm giúp các doanh nghiệp đang kinh doanh ngành nghề mà dự luật dự kiến sẽ siết chặt hơn điều kiện kinh doanh hoặc sẽ cấm có thời gian và điều kiện để sắp xếp chuyển đổi sản xuất hoặc thu hồi vốn. Bên cạnh các quy định về điều kiện kinh doanh, tôi cho rằng cũng nên bổ sung một điều luật về các quy định mang tính nguyên tắc về những ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích kinh doanh, bao gồm các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có tác động trực tiếp then chốt đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và bảo vệ môi trường.

Cũng nêu ra một loạt các thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (tỉnh Bình Phước) đưa ra các thí dụ cụ thể khác:

Thứ nhất, về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quy định loại giấy chứng nhận này là quá chung chung, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho nên cần phải nêu cụ thể giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là những loại giấy nào?

Thứ hai, về chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Dự thảo quy định phải có chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là không hợp lý và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp, vì giấy chứng nhận bảo hiệm trách nhiệm nghề nghiệp không phải là điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có khi thành lập doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp phải mua sau khi thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo nên bỏ quy định điều kiện phải có chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Thứ ba, về yêu cầu khác, theo tôi dự thảo phải quy định rõ yêu cầu khác là những yêu cầu nào. Vì nếu không quy định rõ thì dễ tạo kẽ hở pháp luật, tạo điều kiện cho các cán bộ đăng ký doanh nghiệp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Thứ tư, quyền của doanh nghiệp, Khoản 11, Điều 8 dự thảo luật quy định "trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật". Doanh nghiệp không thể nào tự mình tham gia tố tụng được mà phải thông qua người đại diện, người đại diện có thể là đại diện pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Vì vậy theo tôi nên sửa lại Khoản 11, Điều 8 dự thảo luật như sau "thông qua người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định pháp luật".

Thứ năm, Khoản 2, Điều 21 dự thảo quy định "cơ quan đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời gian 5 ngày làm việc". Tuy nhiên trên thực tế hiện nay đối với doanh nghiệp, đăng ký thành lập ngành nghề sản xuất, chế biến với điều kiện sản xuất chế biến nằm ngoài khu công nghiệp, sau khi tiếp nhận xong hồ sơ cơ quan đăng ký kinh doanh gửi văn bản đến tài nguyên môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt nhà xưởng sản xuất chế biến để yêu cầu cung cấp thông tin có được chấp thuận hay không chấp thuận.

Về địa điểm doanh nghiệp đặt nhà xưởng sản xuất chế biến, do đó doanh nghiệp phải trực tiếp liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân để làm việc nên kéo dài thời gian gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vây, dự thảo luật cần bổ sung quy định đối với doanh nghiệp đăng ký thành lập ngành nghề sản xuất chế biến với địa điểm sản xuất chế biến nằm ngoài khu công nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh phải có trách nhiệm chủ trì với các cơ quan liên quan để thẩm định hồ sơ tránh tình trạng lòng vòng mất thời gian cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, về con dấu của doanh nghiệp Điều 45, hiện nay con dấu của doanh nghiệp có nội dung ghi địa chỉ huyện, quận trên con dấu do đó khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ, trụ sở doanh nghiệp đến huyện, quận khác cùng địa bàn tỉnh thì bắt buộc phải đổi lại con dấu. Điều này gây tốn kém lãng phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định, chỉ trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở chuyển đến địa bàn tỉnh khác thì mới thành lập thủ tục thay đổi con dấu cho doanh nghiệp. Vì hiện nay nhiều tỉnh đang có chủ trương tách huyện thị, nếu doanh nghiệp nào nằm trên địa bàn đó thì tốn kém rất nhiều từ những chứng từ, giấy tờ, bao bì liên quan điều phải thay đổi.

Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo