Sức mua ôtô, xe máy giảm mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý 1/2012, ước tính tổng lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ đạt 15.200 chiếc. Trong đó, lượng xe chở khách (bao gồm ôtô con và xe bus) đạt 11.800 chiếc, lượng xe tải đạt 3.400 chiếc, giảm lần lượt 16,5% và 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng trong tháng 3, lượng xe chở khách sản xuất trong nước đạt 4.000 chiếc, giảm 18,7% so với cùng kỳ; còn lượng xe tải đạt 1.300 chiếc, giảm 22,4%.
Nếu chỉ xét ở sản lượng sản xuất thì tình hình của ngành công nghiệp xe máy có sáng sủa hơn. Cụ thể ba tháng đầu năm, lượng xe máy sản xuất trong nước đạt trên 1,03 triệu chiếc, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xe máy xuất xưởng trong tháng 3 đạt 408.600 chiếc, tăng 32,6% so với cùng kỳ 2011.
Khác các kỳ trước, lần này cơ quan phụ trách công tác thống kê không tách riêng ngành ôtô và xe máy khi tính toán các chỉ số mà gộp chung thành công nghiệp sản xuất xe có động cơ.
Theo đó, chỉ số tồn kho của ngành này tại thời điểm ngày 1/3 năm nay tăng đến 38,7%, trong khi chỉ số tiêu thụ chỉ tăng ở mức 4,9% (chỉ số này của năm 2011 so với năm 2010 ở mức rất cao là 138,7%).
Tất nhiên, theo logic thì khi hàng hóa bán chậm sẽ kéo theo tồn kho tăng. Nhưng nỗi lo đối với ngành công nghiệp ôtô, xe máy thể hiện ở chỗ khi xếp logic đó bên cạnh chỉ số sản xuất.
Đáng chú ý, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh đến hiện tượng “giảm liên tục qua các tháng” gần đây của chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp sản xuất xe có động cơ.
Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ giá biến động theo chiều hướng bất lợi, lãi suất cho vay ở mức cao cộng với việc khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người tiêu dùng… đã đẩy công nghiệp ôtô, xe máy nói riêng và nhiều ngành kinh tế khác nói chung vào khó khăn.
Đặc biệt là với ngành công nghiệp ôtô. Ngoài những khó khăn chung thì sản phẩm này còn chịu thêm những bất lợi khác từ chính sách thuế. “Nút thắt” chính là việc lệ phí trước bạ bắt đầu tăng mạnh ngay từ ngày đầu tiên của năm tại hai thị trường lớn nhất cả nước, cụ thể tại Hà Nội tăng từ 12% lên 20% còn Tp.HCM tăng từ 10% lên 15%.
Chưa hết, việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở mức khá cao (20 - 50 triệu đồng/ôtô/năm) vào ngày cuối cùng năm ngoái, dù đến thời điểm này vẫn đang ở dạng đề xuất, đã khiến thị trường ôtô càng thêm ảm đạm.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay tại hệ thống ngân hàng, qua đó đem đến những tín hiệu mừng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu kế hoạch thu các loại phí mới được hiện thực hóa, thị trường ôtô và khối doanh nghiệp sản xuất ôtô vẫn phải đối mặt nguy cơ suy giảm nặng nề ở phía trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo