Sừng tê giác có giá trị như sừng trâu
Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, thông tin về sừng tê giác chữa bệnh ung thư, giúp giải rượu, tăng cường sinh lực xuất hiện chưa tới 10 năm gần đây và "chỉ có ở Việt Nam".
Giáo sư Lân Dũng phủ nhận thông tin về các tác dụng trên của sừng tê và khẳng định đó chỉ là tin đồn. "Chưa có nghiên cứu nào tìm ra tác dụng chữa hay phòng ngừa ung thư của sừng tê giác, trong khi đó nhiều trường hợp dùng sừng tê chữa ung thư nhưng vẫn tử vong nhanh chóng", giáo sư Dũng nói.
Vị giáo sư dẫn nghiên cứu của lương y Trần Văn Quảng cho thấy, sừng tê giác có tính lạnh, nam giới thuộc nhiệt tính (tính nóng), khi uống tê giác cùng rượu, nóng lạnh xung khắc nhau có thể dẫn đến tắc tử; trong trường hợp nhẹ, dùng nhiều tê giác lạnh có thể gây mất năng lượng tự nhiên, mất hỏa tự nhiên trong người, gây liệt dương.
Để củng cố thêm bằng chứng việc chữa bệnh của sừng tê giác chỉ là tin đồn, giáo sư Lân Dũng nói về trường hợp một người tên là Hoa ở Hoàng Mai, Hà Nội nghe đồn sừng tê giúp giải độc và chữa bách bệnh nên đã mua về dùng.
"Một thời gian sau, chị Hoa thấy mệt mỏi và nổi nhiều nốt ban trên mặt. Khi chị đến khám và xét nghiệm tại chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng bệnh viên Bạch Mai, chị được biết mình đã bị nhiễm độc gan do sử dụng sừng tê giác, men gan tăng cao nhiều lần so với bình thường", giáo sư Lân Dũng cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, các phản ứng dị ứng và nhiễm độc do các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như sừng tê giác, mật gấu, cao hổ thường khá nặng và diễn biến dai dẳng, ít đáp ứng với điều trị.
Cũng theo chuyên gia sinh học, sừng tê giác không mang lại lợi ích cho việc chữa bệnh, mà trong sừng tê giác còn có chất độc. Giáo sư Lân Dũng giải thích, trên thị trường hiện có nhiều sừng tê ăn trộm từ bảo tàng, nhưng trong lúc ở bảo tàng, các chuyên gia đã tẩm thuốc để bảo quản, vì vậy nếu sử dụng sừng sẽ dẫn đến bị nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng.
"Qua kết quả nghiên cứu lâm sàng thực hiện hơn 3.000 bệnh nhân tại 50 đơn vị nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định việc sử dụng sừng trâu và tê giác cho kết quả điều trị cơ bản như nhau", giáo sư Dũng nhấn mạnh.
Tê giác Việt Nam đã tuyệt chủng. Tại Nam Phi mỗi ngày có hai tê giác bị giết trộm để lấy sừng, đặt loài này bên bờ tuyệt chủng. Theo nhà báo Julian Rademeyer, người đã có hơn hai năm điều tra nghiệp vụ về nạn săn bắn, buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, từ năm 2007 đến nay, Nam Phi mất 2.200 con tê giác do bị giết hại, trong đó chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 668 cá thể tê giác bị giết.
Tại một hội thảo bảo vệ tê giác tổ chức tuần vừa qua ở Hà Nội, bà Khương Thị Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ 1, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thụ lý hồ sơ 5 vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép liên quan đến sừng tê giác. Tuy nhiên, việc xử lý sừng tê giác đang gặp khó khăn do chưa có văn bản quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, đây lại là mặt hàng cấm nên không có quy định về giá, trong khi đó việc định giá khi xử lý các vụ án này lại là một trong những căn cứ để định khung hình phạt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo