Môi trường

Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh như đồn đại

Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn có chất keratin và các thành tố khác có hại cho sức khoẻ con người.

Đó là thông tin được ông Vương Tiến Mạnh - Cơ quan quản lý CITES cung cấp sáng 22/10/2013 tại Hà Nội trong Hội thảo nâng cao nhận thức bảo vệ tê giác và giảm cầu sừng tê giác.

Hội thảo được CITES (cơ quan đại diện cho chính phủ Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) và Humane Society International (Tổ chức Bảo tồn động vật thế giới), phối hợp cùng Hội phụ nữ Hà Nội tổ chức.
 
Từ đầu năm, đã có hơn 746 cá thể tê giác chết dưới bàn tay của các kẻ săn trộm ở Nam Phi, nơi có quần thể tê giác lớn nhất thế giới. Nghĩa là mỗi ngày có hơn 2 cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng. Nhiều trong số các sừng đã được đem đến châu Á, trong đó có Việt Nam.
 
Sự tái diễn nạn săn bắn trộm tê giác đang tàn phá các quần thể tê giác hoang dã ở châu Á và châu Phi không có dấu hiệu giảm đi. Hơn thế nữa, trong vài năm qua, hàng trăm sừng tê giác được săn bắn hợp pháp bởi người Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc dưới dạng mẫu vật săn bắn đã lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo của giới chức Nam Phi đối với mẫu vật săn bắn được cho là đem vào thị trường trái phép đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á.
 
Nam Phi đã dành nhiều triệu đô la hàng năm chấm dứt nạn săn bắn trái phép. Tuy nhiên, nạn săn trộm vẫn diễn ra mạnh mẽ do nhu cầu ở châu Á và giá sừng tê giác tăng trở lại. Các nhà bảo tồn cảnh báo rằng ở Nam Phi cả tê giác đen và trắng tự nhiên có thể bị tuyệt chủng trước năm 2026.
 
Ngoài Nam Phi, Kenya, Zimbabwe và Ấn Độ cũng báo cáo bị săn trộm một số lượng lớn tê giác. Trong vòng 3 năm qua, cả Mozambique và Việt Nam đều chứng kiến sự tuyệt chủng của quần thể tê giác.
 
Những lời thêu dệt về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác làm một số người tin rằng đây là một loại thuốc làm giảm sốt, chữa bách bệnh, một số người dùng để giải rượu. Vì thế, nhiều người sử dụng sừng tê giác làm quà tặng cao cấp, hoặc thể hiện đẳng cấp.
 
Tuy nhiên, tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Huyền - Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu Viện Dược liệu cho biết: "Thực tế chưa có công trình nghiên cứu khoa học công bố về các tác dụng của sừng tê giác một cách chính thống, vì thế không nên sử dụng sừng tê giác với mục đích chữa bệnh”.
 
Bà Huyền cho biết thêm: “Việt Nam có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú, đa dạng, với hơn 4.000 loài cây thuốc. Chúng tôi đã triển khai điều tra 10 tỉnh, thành phố với nhiều đối tượng điều tra và tổng hợp được 46 loại cây thuốc có tác dụng chăm sóc sức khoẻ tốt cho con người để thay thế sừng tê giác, mật gấu... nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác, góp phần bảo tồn loài động vậy quý hiếm này".
Theo PN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo