Thị trường

Tái canh cà phê chậm vì chờ quy hoạch

Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thỏa thuận cung cấp gói tín dụng cho người dân, doanh nghiệp vay để tái canh cà phê. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, diện tích cà phê được tái canh không đáng kể vì còn chờ quy hoạch chi tiết.

(TBKTSG) Ngày 25-7, tại Đăk Lăk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị tái canh cà phê với mục đích tìm hướng đi tối ưu cho việc tái canh diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm của Việt Nam. Tại hội nghị này, bộ giao cho một số đơn vị lập đề án chi tiết về tái canh cà phê.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) qua điện thoại cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 140.000 héc ta cà phê cần tái canh. Kế hoạch mà Bộ NN&PTNT đặt ra là trung bình mỗi năm sẽ tái canh 25.000 héc ta.

Việc tái canh cà phê đã được bàn thảo cả chục năm qua nhưng không có tiến triển tích cực vì các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra các giải pháp kỹ thuật để giúp người dân tái canh vườn cà phê của họ.

Nguyên nhân, theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số diện tích cà phê già cỗi được người dân trồng lại thì có đến 88% diện tích cà phê bị chết sau một đến hai năm vì tuyến trùng.

Ngay sau đó, một công ty sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đã kết hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu thuốc diệt tuyến trùng.

Tuy nhiên, giá thành để tái canh từ 100 triệu đến 120 triệu đồng/héc ta. Chỉ có các công ty cà phê và một số hộ dân có đủ nguồn tài chính để tái canh lại nên diện tích cà phê được tái canh không nhiều.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, cứ sau một năm, Việt Nam có thêm khoảng 40.000 héc ta cà phê già cỗi. Như vậy, nếu căn cứ trên kế hoạch trồng mới là 25.000 héc ta/năm thì diện tích cà phê già cỗi mỗi năm tăng thêm 15.000 héc ta.

 

 

Ngọc Hùng

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo