Tái cấu trúc VNPT bây giờ là quá muộn
“Quan điểm của tập đoàn là cùng lúc không quản lý 2 mạng di động. Nếu không cổ phần hóa kịp thì sát nhập tạo thành 1 mạng. Nhưng quan điểm của cơ quan nhà nước lớn hơn, tầm nhìn lớn hơn về thị trường. Tập đoàn đã nghiên cứu nhiều phương án, cả tách và nhập, cả ưu và nhược. Cuối cùng thống nhất phương án tách MobiFone khỏi tập đoàn với mục tiêu phần còn lại có bức tranh tài chính lành mạnh để tiếp tục phát triển trong những năm tới”.
Đây là tuyên bố của ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc VNPT về vấn đề tái cấu trúc tập đoàn viễn thông Việt Nam (VNPT). Tuyên bố trên được ông Hùng đưa ra tại buổi tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam”, chiều 14/2, tại Hà Nội.
Cũng về vấn đề nay, đại diện Bộ Thông tin truyền thông ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Có nhiều nội dung trong đề án tái cơ cấu VNPT, hầu hết theo ý kiến các Bộ, ngành và chỉ đạo của Thủ tướng. Duy có nội dung tách 1 trong 2 mạng di động MobiFone hoặc Vinaphone, tại nhiều cuộc họp, các thành viên Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu tập đoàn nghiên cứu phương án để hình thành một doanh nghiệp mới.
Trên cơ sở phương án VNPT trình ra, phương án tách MobiFone có 1 số điểm: Một là MobiFone có thương hiệu khá mạnh, tách ra sẽ giúp chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ nhanh chóng hơn, hoạt động tương đối độc lập hơn VinaPhone trong tập đoàn. Hai là đảm bảo cho tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh để phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở cân nhắc ưu nhược của các phương án, tập đoàn kiến nghị tách MobiFone có kế hoạch để tái cơ cấu lại toàn bộ tập đoàn để hình thành doanh nghiệp năng động hơn, thích ứng hơn trong thời gian tới”.
“Bộ xác định tái cơ cấu VNPT là 1 trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu toàn bộ thị trường. Các nước trên thế giới khi tổ chức lại thị trường thì doanh nghiệp viễn thông là chủ đạo nên bao giờ cũng có sự quan tâm đặc biệt từ Nhà nước và các doanh nghiệp. Đối với thị trường viễn thông Việt Nam thì tái cấu trúc VNPT đóng vai trò quan trọng. Nếu tách Mobiphone để hình thành doanh nghiệp mới hoạt động độc lập, có khả năng cạnh tranh được với 2 doanh nghiệp lớn trên thị trường là Viettel và VNPT (VinaPhone). Phương án này đã hình thành ít nhất 3 doanh nghiệp tương đối mạnh, tạo thế chân vạc cho thị trường cạnh tranh phát triển bền vững hơn. Luật Viễn Thông không hạn chế việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác. Vẫn còn GTEL, SPT, Hanoi Telecom đang hoạt động, lĩnh vực cố định cũng còn hàng chục DN; Internet còn 30 – 40 DN”, ông Hải nói thêm.
Còn theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng giám đốc VNPT, người từng đưa ra ý kiến tái cấu trúc VNPT từ nhiều năm trước cho biết quan điểm: “Tại sao tách MobiFone? VNPT không muốn tách ra vì tách ra là 1 thiệt thòi của VNPT. Vì MobiFone cũng là công sức của VNPT, vạn bất đắc dĩ mới tách, nếu tách thì VNPT sẽ khó khăn, đó là một thực tế. Nếu cổ phần hóa VNPT từ 2006 theo chủ trương của Thủ tướng thì vẫn có thể chiếm được 80% cổ phần của MobiFone chứ không phải để đến bây giờ VNPT chia đôi và cạnh tranh với nhau. Không chờ Chính phủ ép, nếu tái cấu trúc từ những năm trước để tập trung vào 1 VinaPhone thì Vinaphone sẽ phát triển mạnh hơn, và nếu rút 25% cổ phần trong MobiFone thì MobiFone vẫn phát triển tốt. Quá trình cổ phần hóa Mobifone như vậy sẽ phát triển lành mạnh hơn.
Riêng quan điểm từ phía MobiFone, đơn vị sẽ được tách ra và cổ phần hóa từ VNPT, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT MobiFone cho biết: “Thông điệp của Thủ tướng đầu năm nhắc nhở tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải nhanh, mạnh hơn. Năm 2005 có quyết định cổ phần hóa MobiFone nhưng do nhiều lý do đến giờ vẫn chưa cổ phần hóa xong xong. Chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong đó có MobiFone là hoàn toàn đúng, để thay đổi công nghệ, điều kiện, quản trị doanh nghiệp tốt hơn, chưa nói tầm nhìn xa là tạo thị trường cạnh tranh mạnh hơn. Khi tách ra, tiến trình này với MobiFone cũng là 1 trong những điều kiện thuận lợi. Sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa MobiFone theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ TT&TT đã đặt ra.
Cơ hội của MobiFone khi tách ra là tạo điều kiện để chủ động sáng tạo, mở rộng phát triển cho MobiFone, tiến trình cổ phần hóa sẽ nhanh mạnh hơn bởi vì giảm bớt các cấp trung gian và các gánh nặng khác”.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo