Quản lý nguồn gốc sở hữu ngân hàng: Cần xem xét người sở hữu cuối cùng
Ngân hàng Thế giới sẽ ưu tiên phân bổ nguồn vốn lớn cho Việt Nam / Ngân hàng 'nội' bứt phá nhờ công nghệ AI
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam đặt vấn đề, nếu tập đoàn tài chính không bền vững thì nền kinh tế không thể phát triển bền vững.
Tuy chưa có khái niệm chính thức thống nhất, mô hình chung của một tập đoàn tài chính (Financial Business Group) bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm 1 hoặc nhiều các công ty con.
Trong đó, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh.
“Tuy vậy, hạn chế của mô hình tập đoàn tài chính là sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiếm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi do lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch”, ông Hòe nói.
Cũng theo ông Hòe, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam cho thấy, tổng tài sản gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực. Cần đề cao việc tuân thủ, đồng thời công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng.
“Quản nguồn gốc sở hữu ngân hàng cần xem xét đến cá nhân là người sở hữu cuối cùng của ngân hàng, tương tự như “công ty mẹ tối cao của tập đoàn” không bị sở hữu bởi bất kỳ pháp nhân nào khác theo như quy định của Luật quản lý thuế năm 2019”, ông Đức nói.
Nếu theo đúng quy định của luật, cổ đông lớn của ngân hàng là cá nhân chỉ có một mức duy nhất là 5%, vì trên 5% thì không được phép, dưới 5% thì không phải là cổ đông.
Nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, ở Mỹ cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhận được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.
Còn Việt Nam thì ngược lại, tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ “đặc thù” của văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp.
Ông Hiếu đề xuất cần có chế tài nghiêm ngặt. Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có thể đưa ra chế tài, nếu ngân hàng nào vi phạm quy định lặp đi lặp lại, chẳng hạn như 3 lần thì phải rút giấy phép. Cần phải có một vài ngân hàng sai phạm bị xử phạt một cách mạnh tay để làm gương cho toàn thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo