Thúc đẩy tài chính toàn diện: Nhìn từ thực tiễn
Đã có nhiều chuyển biến
Thúc đẩy tài chính toàn diện được xem là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới. Dù còn khiêm tốn, nhưng thời gian qua đã và đang ghi nhận những nỗ lực từ phía Chính phủ, NHNN - cơ quan đầu mối về tài chính toàn diện, phối hợp với các bộ, ban, ngành để nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện; cũng như các NHTM trong cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hỗ trợ của công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. NHNN cũng đã ban hành Kế hoạch của ngành triển khai Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Phát triển các dịch vụ tài chính trên nền tảng số là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện |
Đáng chú ý là sự thừa nhận xu hướng phát triển các công ty Fintech tại thị trường Việt Nam. NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các DN Fintech ở Việt Nam ra đời và phát triển. Đi cùng với đó là sự lớn mạnh và lan truyền của công nghệ mới như Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain... Công nghệ đã giúp rút ngắn khoảng cách khi đưa dịch vụ tài chính tới khách hàng nhanh hơn, thuận tiện và hiệu quả hơn.
Đối với các NHTM tại Việt Nam, ghi nhận trên thực tế cho thấy cũng đang có sự chuyển biến tương đối rõ rệt. Theo chia sẻ của một chuyên gia, các ngân hàng đã quan tâm nhiều hơn tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho những thành phần kinh tế trước nay vốn không phải là đối tượng chú trọng của các ngân hàng. Các nhà băng cũng ngày càng chú trọng hơn trong việc cung cấp các giải pháp thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua việc xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ cho DN, đặc biệt là gói giải pháp tài chính toàn diện.
Phần lớn các NHTM đã cung ứng dịch vụ thanh toán dịch vụ công qua kênh internet banking và mobile banking. Các dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí... qua ngân hàng ngày càng trở nên phổ cập. NHTM cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan cho việc nộp thuế, tỷ lệ nộp thuế điện tử chiếm khoảng 90% tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan... Các ngân hàng cũng tích cực hợp tác với các DN lớn để tận dụng lợi thế của mỗi bên trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới số đông khách hàng.
Công tác truyền thông về hoạt động thanh toán và dịch vụ ngân hàng được đẩy mạnh, cung cấp kiến thức, qua đó giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ tài chính trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tài chính. Thông qua đó cũng đẩy mạnh thực hiện Đề án thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam và Đề án tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
“Những đứa trẻ thông thái” và “Tiền khéo, tiền khôn” là hai gameshow truyền hình cung cấp các kiến thức căn bản, giáo dục tài chính cho trẻ em, giúp nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính - ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, giảm thiểu rủi ro cho người dùng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam.
Vẫn còn những rào cản
Dù đã có những biến chuyển, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, rào cản chính trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam vẫn nằm ở việc nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt. Giới chuyên gia cho rằng, với các phương tiện thanh toán điện tử đang dần thay thế tiền mặt, thì ít nhất phải tiến tới khoảng 60% những thanh toán của dân chúng qua hệ thống ngân hàng mới có thể có sự cải thiện rõ rệt. Còn như hiện tại, khoảng 90% giao dịch người dân vẫn là giao dịch tiền mặt thì vẫn còn rất gian nan trong thúc đẩy tài chính toàn diện.
Bên cạnh đó, việc chưa có được một khung khổ pháp luật đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân cũng là thách thức đang phải đối diện. “Khuôn khổ pháp lý thông thoáng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ phổ cập tài chính trong thời gian ngắn. Sự cởi mở của NHTW đối với việc tham gia của các tổ chức phi ngân hàng như nhà mạng viễn thông trong việc cung ứng dịch vụ tài chính số đến số đông người dân ở vùng sâu, vùng xa mà vẫn đảm bảo quản lý, giám sát hiệu quả các tổ chức này cũng cần được thúc đẩy cho phù hợp”, một chuyên gia nêu ý kiến.
Một khó khăn nữa cũng được đề cập nằm ở việc cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu. Đại diện Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) chia sẻ, để có thể đưa ra các chiến lược, lộ trình, giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện thiết thực, hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải có một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết theo chuỗi thời gian từ bên cung và bên cầu giúp đo lường, đánh giá chính xác thực trạng tài chính toàn diện, nguyên nhân của thực trạng này và khả năng hấp thụ giải pháp.
Ở đây, số liệu bên cung được hiểu là những số liệu được thu thập từ các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính về mạng lưới giao dịch, hệ thống thanh toán, dịch vụ tín dụng, huy động vốn... Số liệu bên cầu gồm những số liệu thu thập trực tiếp từ đối tượng dịch vụ tài chính hướng tới phục vụ cá nhân, DN, hộ gia đình... được sử dụng để hiểu, đánh giá về nhận thức, nhu cầu, rào cản tiếp cận tài chính của người sử dụng dịch vụ.
Một trong những giải pháp được đặt ra để xây dựng cơ sở dữ liệu bên cung theo vị này cần yêu cầu các TCTD báo cáo một số chỉ tiêu chọn lọc, đảm bảo khả năng thống kê từ core banking của TCTD như số lượng máy ATM, chi nhánh, điểm giao dịch, đầu POS... Việc lập mẫu biểu yêu cầu các TCTD báo cáo ngoài hệ thống báo cáo thống kê hiện tại cần phải cân nhắc kỹ đảm bảo tính khoa học, chi tiết; chỉ chọn lọc những chỉ tiêu trọng yếu; thiết kế bao gồm cả cách thức các TCTD truyền dữ liệu về NHNN, cách thức loại trừ lặp và phần mềm tổng hợp dữ liệu. Cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu, chưa được kết nối đồng bộ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thông tin (thông tin tín dụng, hệ thống định danh...) cũng được xem là vướng mắc cần tích cực tháo gỡ thời gian tới.
Rào cản chính trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam vẫn nằm ở việc nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt khoảng 90% giao dịch người dân vẫn là giao dịch tiền mặt thì vẫn còn rất gian nan trong thúc đẩy tài chính toàn diện. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo