Thị trường

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Xử lý 415 ngàn tỷ đồng nợ ra sao?

Trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vừa được Bộ Tài chính công bố, số nợ của các doanh nghiệp nhà nước lên tới hơn 415.000 tỷ đồng.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (ảnh) tổng số nợ này đang là “quả bom nổ chậm” đối với các ngân hàng cho vay. Tháo ngòi “bom nổ chậm” này như thế nào?

 

Nợ quá lớn

 

Ông Bùi Kiến Thành phân tích: Hiện tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, trong đó có 415.000 tỷ đồng là nợ của các doanh nghiệp nhà nước.

 

Trong đó, tính riêng 12 tập đoàn kinh tế nợ nhiều nhất chiếm tới 8,76% tổng dư nợ. Còn tính chung của các doanh nghiệp nhà nước thì lên tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Trong số nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu chiếm khoảng 20% - 30%, cũng đủ ăn mòn hết phần vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước.

 

Nên số tài sản ghi trên sổ sách của doanh nghiệp ảo rất lớn, muốn đánh giá đúng phải thanh tra. Ví dụ như ụ nổi của Vinalines, trên sổ sách tổng giá mua về tới 26 triệu USD, nhưng nếu định giá thì nay chỉ là đống sắt vụn. Cần lưu ý, phần lớn nợ của doanh nghiệp nhà nước nằm trong các ngân hàng thương mại của nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank...

 

 

Theo Bộ Tài chính, số nợ của nhiều doanh nghiệp nhà nước lên tới hơn 10 lần so với vốn chủ sở hữu. Về nguyên tắc, nợ như vậy đã ở ngưỡng nguy hiểm với cả con nợ và chủ nợ chưa, thưa ông?

 

Trong một nền kinh tế quy mô nhỏ như Việt Nam mà tổng dư nợ tín dụng tới khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, trong đó số nợ của các DNNN lên tới 16,9% dư nợ tín dụng là cực kỳ lớn, không thể chấp nhận được rồi.

 

Theo tiêu chí của Thụy Sĩ, nợ xấu, nợ khó đòi của ngân hàng tối đa không được quá 2%, thậm chí dưới 1,5%. Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì nợ xấu của ngân hàng ở mức 3,6% (thực tế nếu theo tiêu chí của thế giới thì tỷ lệ xấu còn cao hơn rất nhiều), cao hơn mức của thế giới khá nhiều rồi.

 

Nhà nước mua lại nợ xấu

 

Tập đoàn Điện lực VN có số nợ lên tới 62.800 tỷ đồng, chỉ đứng sau Tập đoàn Dầu khí
Tập đoàn Điện lực VN có số nợ lên tới 62.800 tỷ đồng, chỉ đứng sau Tập đoàn Dầu khí.

 

Để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thì phải giải quyết số nợ trên như thế nào, thưa ông?

 

Phải giải quyết nợ xấu, nợ của các doanh nghiệp nhà nước trước, để kéo nợ xấu xuống dưới mức quy định của quốc tế. Phải hiểu, nợ xấu của ngân hàng có nhiều mức khác nhau.

 

Nợ nhóm 1, 2 là nợ quá hạn trong giai đoạn 60 – 90 ngày. Nợ nhóm 4 là nợ ở mức khó có thể thu hồi, còn nợ nhóm 5 là nợ coi như mất rồi, không thu hồi được.


Bảy “ông lớn” nợ hơn 10 lần vốn chủ sở hữu


Theo số liệu trong đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, tính đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước là 415.347 tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng.

Đáng chú ý, riêng 12 tập đoàn kinh tế của nhà nước dư nợ đã lên tới 218.738 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) với 72.300 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng thứ hai với 62.800 tỷ đồng... Đề án cũng cho biết, có 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn ba lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần (như Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, 5 và 8, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Thành An và Tổng Cty Phát triển đường cao tốc Việt Nam).

 

Trong số hơn 415.000 tỷ đồng nói trên, trước tiên phải phân loại các nhóm nợ. Những khoản nợ nào không thu hồi được thì nhà nước phải tính đến việc xóa nợ.

 

Còn nợ nhóm 4 thì phải khoanh lại, phân tích xem có khả năng đòi được không. Nếu không đòi được thì xấu đến mức nào.

 

Chính phủ đã có chỉ đạo ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính giải quyết các khoản nợ xấu, nợ khó đòi và có thể đứng ra tổ chức một công ty mua bán nợ đặc biệt mua lại nợ khó đòi của các ngân hàng với số vốn 100.000 tỷ, tương đương gần 5 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, số tiền này không đủ để mua lại số nợ lên tới hơn 415.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước cũng như không đủ để giải quyết toàn bộ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại. Muốn giải quyết, trước tiên phải đi thẩm tra lại các khoản nợ.

 

Nhưng làm sao để giám sát việc mua bán nợ này, tránh tiêu cực?

 

Phải quản lý công ty mua bán nợ đó dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân có sự tham gia của nhà nước.

 

Như ở Mỹ, trong những năm khó khăn của hệ thống ngân hàng với sự sụp đổ của hàng trăm ngân hàng, nhà nước cũng phải lập ra công ty mua bán nợ để giải quyết. Cái quan trọng là phải làm thế nào để không tạo ra tham nhũng cũng như tạo ra thêm nợ xấu.

 

Vì vậy, nếu có ý định lập đơn vị mua lại các khoản nợ xấu trên, phải có đội ngũ thẩm định độc lập gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia việc thẩm định giá trị tài sản.

 

Vì nếu chỉ giao cho ngân hàng nhà nước, hay Bộ Tài chính không loại trừ việc doanh nghiệp cho tiền nhân viên thẩm định để đẩy giá lên cao, dễ xảy ra tình trạng tham ô.

 

Xem xét trách nhiệm cá nhân

 

Thế còn việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước gây ra nợ xấu thì sao, thưa ông?

 

Phải xem lại vì sao có chuyện vay vốn ồ ạt để đầu tư ra bên ngoài, dẫn đến thua lỗ của các tập đoàn. Phải xem lại ban kiểm soát của các tập đoàn đã làm đúng trách nhiệm của mình hay chưa.

 

Đặc biệt, phải xem xét trách nhiệm của những nhân sự cấp cao, để xảy ra tình trạng thua lỗ, mất khả năng trả nợ. Cũng cần xem lại quản lý nội bộ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước để xảy ra tình trạng đầu tư tràn lan dẫn đến bị thua lỗ.

 

Có ý kiến, sở dĩ các tập đoàn kinh tế nợ nần, hoạt động kém hiệu quả do chúng ta thực hiện thí điểm quá dài, dẫn tới có những lỗ hổng lớn trong quản lý, giám sát?

 

Ở các nước, nếu các doanh nghiệp nhà nước không thích ứng và không còn phù hợp với nền kinh tế thì phải xem lại có nên để nó tiếp tục tồn tại hay không. Với những trường hợp này, họ sẽ tư nhân hóa bằng cách bán cổ phần. Vấn đề cho tồn tại hay không tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay nên xem xét dưới góc độ, nếu tư nhân làm được thì nên cổ phần hoá nhanh, nhà nước chỉ giữ lại những DNNN đặc thù mà tư nhân không thể làm thay hoặc không muốn làm.

 

Cảm ơn ông.

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo