Thị trường

Tái cơ cấu kinh tế, nhìn từ một “ví dụ điển hình”

Cho đến tận tháng 7/2014, tỉnh An Giang vẫn đang dự thảo đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh...

 Một góc chợ nổi An Giang tại thành phố Long Xuyên.

Sáng 1/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Đây cũng là nội dung đã được bàn thảo sôi nổi suốt 1,5 ngày tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 cuối tuần qua.
 
Tràn ngập những lo lắng cả về “tốc độ” cũng như kết quả của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đã được thể hiện tại sự kiện mà theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh “xứng đáng là diễn đàn có chất lượng nhất ở Việt Nam hiện nay”.
 
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, vị đại biểu thường tự nhận mình là người lạc quan viết tại tham luận: “Cho đến thời điểm hiện tại, chủ trương tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa thực sự đi vào thực tiễn”.
 
Không khó để có thể tìm dẫn chứng cho nhận định đó. Bên lề diễn đàn, người viết bài này được nghe một ví dụ được coi là rất điển hình trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
 
Đó là, vào cuối năm 2013, Văn phòng Quốc hội gửi văn bản tới các địa phương đề nghị báo cáo việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế.
 
Ở văn bản phúc đáp đề ngày 6/1/2014 gửi Văn phòng Quốc hội, UBND tỉnh An Giang báo cáo nguyên văn: “Căn cứ vào quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2030. Tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu tham mưu xây dựng đề án của tỉnh (đang dự thảo) và hiện trong giai đoạn hoàn chỉnh.
 
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về đề cương và nội dung từng bộ phận tái cơ cấu nền kinh tế nên tỉnh chưa có cơ sở áp dụng triển khai.
 
Vì vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh chưa thực hiện báo cáo các nội dung theo yêu cầu của Văn phòng Quốc hội”.
 
Cuối tháng 6/2014, Văn phòng Quốc hội lại gửi đến UBND tỉnh An Giang một công văn với yêu cầu như công văn cuối năm 2013.
 
Và, UBND tỉnh An Giang lại hồi đáp một văn bản y hệt, chỉ thay ngày nhận được công văn của Văn phòng Quốc hội từ 12/12/2013 thành 25/6/2014.
 
Thậm chí, trong công văn ngày 6/1 có đoạn “báo cáo thực việc hiện” nhầm thứ tự giữa hai chữ “hiện” và “việc” cũng vẫn không được sửa ở văn bản ngày 3/7.
 
Như vậy, sau một năm rưỡi (tính đến ngày 3/7/2014) đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh An Giang vẫn đang dự thảo đề án của tỉnh.
 
Trong khi đó, tại chính Quyết định số 339/QĐ-TTg được nhắc đến ngay trong văn bản của UBND tỉnh này Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm có cả Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người hai lần ký công văn nói trên - PV) phải khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện ngay trong nửa đầu năm 2013 chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao.
 
Trở lại lý do chưa có hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương được nêu tại hai văn bản, giả sử tất cả 63 tỉnh, thành đều chờ đợi như vậy, thì cũng có nghĩa đến thời điểm tháng 7 tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang là việc ở trên giấy.
 
Nhưng, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế thì ngay tại Quyết định 339 cũng đã nêu rất cụ thể nhiệm vụ của các địa phương. Và, những công việc đó không cần chờ bất cứ hướng dẫn của bộ, ngành nào cũng có thể triển khai thực hiện được ngay.
 
Chẳng hạn, phần giải pháp Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao: rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch khác để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, bảo đảm phù hợp với từng vùng, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo phát triển bền vững…
 
Xem ra, lý do chưa có hướng dẫn của An Giang không mấy thuyết phục. Nhưng câu hỏi đặt ra là, một năm rưỡi qua, hàng quý, UBND tỉnh này đã báo cáo về nhiệm vụ được giao với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp báo cáo Thủ tướng - như thế nào, theo quy định tại Quyết định 339?
 
Và, giả sử lý do như ở công văn gửi Văn phòng Quốc hội nói trên đã được báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì việc đến nay An Giang vẫn đang dự thảo đề án có trách nhiệm của bộ này hay không?
 
Có lẽ, câu trả lời của các câu hỏi trên rất cần được công khai với cử tri cả nước, mà trước hết là với các vị đại diện cho dân, khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về tái cơ cấu nền kinh tế vào kỳ họp thứ 8 sẽ được khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.
 
 
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo