Tái cơ cấu ngân hàng trông chờ bất động sản ấm lại?
Thảo luận về tình hình tái cơ cấu (TCC) hệ thống ngân hàng, đại biểu Quốc hội cho rằng: "Dường như chúng ta chưa mạnh dạn giải quyết vấn đề mà vẫn còn trông chờ vào thị trường bất động sản ấm lại, điều này làm cho nền kinh tế bị ách tắc tiền vốn...".
Đại biểu Thân Đức Nam (TP.Đà Nẵng), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều giải pháp và nỗ lực thực hiện các giải pháp đó nhưng TCC hệ thống ngân hàng còn nhiều bất cập.
“Trong một thời gian, nhiều ngân hàng là 'công cụ' cho các ông chủ bất động sản, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu hiện nay. Liệu trong một năm tới NHNN có giải quyết được vấn đề này không? Dường như chúng ta chưa mạnh dạn giải quyết vấn đề mà vẫn còn trông chờ vào thị trường bất động sản ấm lại, điều này làm cho nền kinh tế bị ách tắc tiền vốn, gây ra tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng nền kinh tế lại thiếu vốn”- đại biểu phân tích.
Ngoài ra, theo đại biểu Thân Đức Nam, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực TCC các ngân hàng thương mại quốc doanh nhưng đến nay 2/4 ngân hàng quốc doanh Nhà nước vẫn giữ trên 90% vốn điều lệ nên việc TCC các ngân hàng này ít có tác động trên thị trường vốn.
“Tôi cho rằng nếu NHNN muốn giữa cổ phần chi phối, chỉ cần 65% là đủ”- đại biểu Thân Đức Nam nói.
Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh, quá trình TCC ngân hàng còn chậm.
“Tôi chưa đồng thuận với báo cáo về nguyên nhân của việc chậm TCC hệ thống ngân hàng. Báo cáo chưa đưa ra khó khăn nằm ở đâu, chẳng hạn như nêu nguyên nhân là thiếu nguồn lực tài chính công để xử lý nợ xấu thì chưa nói rõ nếu dùng tài chính công thì nguồn đó lấy từ đâu, có được đưa vào dự toán thu chi ngân sách hay không?”- đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, trong chương trình xử lý nợ xấu còn thiếu các cơ chế khuyến khích tổ chức trong và ngoài nước tham gia cũng như chưa có chính sách đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân.
Nêu ra những kiến nghị để đẩy nhanh tiến trình TCC hệ thống ngân hàng, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần xây dựng nhanh cơ chế pháp lý giúp khơi thông nợ xấu- “cục máu đông” của nền kinh tế, như cơ quan thi hành án ưu tiên giải quyết vụ án liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng, xây dựng hành lang pháp lý cho Công ty Quản lý tài sản hoạt động tốt hơn.
Theo Hải quan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo