Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Bỏ sản xuất theo tư duy “sợ đói”
Thị trường méo mó trầm trọng
Tham vấn cho các giải pháp triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cần phải thay đổi tư duy, thay đổi thể chế để giúp thị trường vận hành tốt hơn, chỗ nào chưa có thị trường thì phải tạo thị trường, chỗ nào méo mó thì phải sửa. Ngay như vấn đề đất đai, hiện chưa có thị trường nên không thể tích tụ được ruộng đất để phát triển nông nghiệp với quy mô lớn. Người nông dân tuy được sở hữu về đất đai nhưng lại bị hạn chế về mua bán, không được coi đó là tài sản mà vẫn phụ thuộc vào một thể chế hành chính, vì vậy thị trường đất đai rất méo mó.
“Đất phải là tài sản của nông dân, là bệ đỡ đưa họ ra làm ngành nghề khác (khi chuyển nghề có tài sản để chuyển giá trị). Nhà nước can thiệp để làm thị trường tốt hơn, chứ không nên làm nó méo mó hơn” - ông Cung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cung, hiện các mặt hàng lúa, gạo, cà phê… đều có sản lượng lớn thuộc tốp đầu thế giới, song chúng ta vẫn chỉ sản xuất theo tư duy “sợ đói” và hướng tới các thị trường dễ tính thì rất khó để gia tăng giá trị. Những nghiên cứu đánh giá chuỗi, thị trường còn thiếu nên càng sản xuất nhiều, càng thất bại.
Thừa nhận về những tồn tại này của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, do dư thừa về sản lượng nên mặt hàng lúa gạo là 3 năm và cà phê là 10 năm qua đều phải khuyến cáo hạn chế mở rộng diện tích sản xuất, chỉ duy nhất vụ đông năm nay phát động đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng gắn với thị trường để tăng thu nhập cho người dân.
Nói về nguyên nhân vì sao thị trường bị méo mó, lệch lạc, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhìn tổng thể, toàn bộ cách phát triển thị trường đang bị rời rạc, đặc biệt là nông nghiệp. Chúng ta phải bắt đầu từ tầm nhìn và cách tiếp cận phải thay đổi. Ta thường nhắc tới nạn đói năm 1945 như thành tựu cơ bản và đến giờ tư duy vẫn không đổi, tư duy an ninh lương thực đó sẽ không giúp phát triển thị trường. Cũng do tư duy ấy nên lâu nay chúng ta chỉ lo tăng năng suất, sản lượng mà không lo giá trị gia tăng, không lo hiệu quả, chỉ tập trung sản xuất cho thị trường thấp, chất lượng thấp, dễ tính - TS Thiên nhấn mạnh.
Thành lập “nhóm tác chiến” giúp đỡ doanh nghiệp
Trăn trở với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia: Mặc dù đóng góp tới 20% GDP của cả nước và có hơn 60% lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất ra bất cứ sản phẩm gì nếu thị trường, nhưng tại sao chỉ có 0,5% doanh nghiệp (3.000 doanh nghiệp nông nghiệp/tổng số 700.000 doanh nghiệp cả nước) đầu tư vào lĩnh vực này?
TS Trần Đình Thiên cho biết: “Phải xác định coi doanh nghiệp (DN) là lực lượng tiên phong trong nông nghiệp vì họ mới đưa nông dân ra thị trường, đưa công nghệ vào sản xuất. DN chính là lực lượng trụ cột để phát triển nông nghiệp”.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện nay nhiều DN vừa và nhỏ vẫn làm ăn “chộp giật”, ngắn hạn chứ không hướng tới đầu tư lâu dài, bởi nếu họ tính tới đầu tư lâu dài là thất bại, và đây chính là thất bại của Nhà nước. Với chính sách hiện nay, việc mở cửa kinh doanh là tạo cơ hội cho người nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, chứ không phải cho DN Việt Nam. Người nông dân Việt Nam sẵn sàng đổi mới tiếp thu, nhưng năng lực suy nghĩ và quy mô của họ chỉ giới hạn, họ sẽ không thể vươn lên ngưỡng DN. TS Đặng Kim Sơn thì nhấn mạnh, qua hội nghị này, Viện IPSARD sẽ đề xuất thành lập nhóm “tác chiến” nhằm liên kết DN với chuyên gia, cơ quan quản lý để hỗ trợ những DN dũng cảm đầu tư vào nông nghiệp, giúp họ khi khó khăn, từ đó tạo niềm tin cho DN.
Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nói: “Từ cuộc thảo luận hôm nay, chúng tôi sẽ tập trung vào việc chọn một số địa bàn, ngành hàng lợi thế sẵn sàng, tiến hành đầu tư tổng hợp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xác định trọng tâm, trọng điểm để tiến hành tái cơ cấu chứ không làm dàn trải, trong đó vai trò của DN phải được coi là trọng tâm của sự thay đổi trong nông nghiệp, nông thôn”.
Ông Nguyễn Tiến Phong – Trưởng phòng Giảm nghèo Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP):
“Muốn tích tụ được ruộng đất để hướng nông nghiệp tới sản xuất quy mô lớn thì chỉ cần nhìn từ bài học của Trung Quốc. Họ coi sổ hồng của nông dân là tài sản và cho phép được giao dịch. Về mặt thị trường, theo tôi có chỗ chúng ta can thiệp hành chính quá mức, nhưng cũng có nhiều mảng lại mất kiểm soát, như phân bón, thuốc BVTV, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm...”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam:
“Muốn DN không chộp giật và làm ăn tử tế thì phải tạo ra luật chơi minh bạch và chỉ có Chính phủ mới tạo ra được luật chơi này. Chính phủ thay vì can thiệp trực tiếp như trước đây thì hiện nay cần tham gia với vai trò là bà đỡ và dẫn dắt thị trường”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg