Tái cơ cấu nguồn nhân lực trong doanh nghiệp
(sgtt) Công ty ADC tại Cần Thơ chuyên ngành kinh doanh sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu với 145 đại lý cấp 1 và 2.500 đại lý cấp 2 trên toàn quốc trong 9 tháng qua cũng thực hiện một cuộc cắt giảm nhân sự với quy mô lớn. Từ 1.200 nhân viên, trong giai đoạn cuối năm 2012 và đầu 2013, công ty đã cắt giảm một nửa, còn 600 người.
Lý do chính là công ty cần phải tái cơ cấu lại và lượng nhân sự phù hợp với tình hình kinh doanh hiện tại của công ty.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Dream House năm 2008 có 14 sàn giao dịch bất động sản, tổng nhân viên khoảng 90 người, nhưng hiện tại công ty chỉ còn 15 người làm việc do thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, doanh số giảm sút. Hiện tại, công ty này đã tái cơ cấu với mục tiêu xây dựng Dream House trở thành công ty chuyên ngành quản lý và cho thuê tài sản, tổ chức dạy và cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản. Việc tái cơ cấu còn lại ít người, cần chuyên nghiệp và giỏi năng lực chuyên môn đã bắt buộc công ty phải giảm số nhân lực của mình.
Hầu hết các doanh nghiệp khi tái cơ cấu thường chọn giải pháp cắt giảm nhân lực để thực hiện mục tiêu chuyển đổi, kinh doanh mới của mình. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp khác lại chọn cách cho nhân viên nghỉ tạm thời và giảm lương. Thông tin từ một tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam cho biết, vì hai dòng sản phẩm mới của công ty không có doanh số tốt như họ mong đợi nên công ty đã quyết định cho khoảng 2.000 lao động nghỉ tạm thời và hưởng 70% lương, đợi đến khi doanh số tốt lên, thị trường tốt lên sẽ đi làm trở lại.
Sự khó khăn của các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục. Với phần lớn các công ty vẫn còn hoạt động, việc tái cơ cấu lại nhân lực do áp lực từ doanh số, thị trường khó khăn và các vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thì việc tái cơ cấu nhưng vẫn phải thúc đẩy doanh số tăng trưởng là mục tiêu phải đạt được.
Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Công ty Dream House cho rằng, các nguyên tắc cần phải đảm bảo khi tái cơ cấu nhân lực là việc trả lương cho cán bộ chủ chốt gắn kết với hiệu quả kinh doanh, thậm chí phải tăng lương nếu nhân lực đó có hiệu quả công việc tốt. Đồng thời, cần phải xuất phát từ nhu cầu công việc mà bố trí người có năng lực phù hợp. Việc trả lương gắn với hiệu quả công việc là nguyên tắc bắt buộc, được tính bằng lương cơ bản và thưởng gắn với doanh số, lợi nhuận…
Theo ông Thành, việc tái cơ cấu lại nhân lực trong doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào chiếc lược, lộ trình và thời gian tái cơ cấu lại doanh nghiệp đó. Lãnh đạo công ty cần đưa ra các kế hoạch và lộ trình cụ thể thực hiện chiến lược của công ty, qua đó xác định chính xác nhân lực cần thiết, qua đó giảm những người không cần thiết và không còn phù hợp với công việc. Cùng với giải pháp tái cơ cấu nhân lực, công ty cần gắn kết với nghiên cứu thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng hạ giá thành sản phẩm… thúc đẩy doanh số để tạo cơ hội tốt cho những người còn lại được tăng lương, tăng thu nhập.
Lê Phượng
End of content
Không có tin nào tiếp theo