Thị trường

Tái cơ cấu thành công, an ninh tài chính tiền tệ mới đảm bảo

Nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể gây nên khủng hoảng tài chính. Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước về an ninh tài chính tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

 

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước về an ninh tài chính tiền tệ Việt Nam

 

Thưa ông, trong bối cảnh phát triển hiện nay, an ninh tài chính tiền tệ được hiểu như thế nào?
 
Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về an ninh tài chính tiền tệ và các chuyên gia thường sử dụng thuật ngữ ổn định tài chính tiền tệ. Có thể hiểu an ninh tài chính tiền tệ là trạng thái mà hệ thống tài chính có thể thực hiện được các chức năng của mình một cách có hiệu quả, an toàn và bền vững và khi đối diện với những cú sốc thì vẫn có khả năng hấp thụ/phản ứng, và phục hồi để có thể thực hiện chức năng của mình mà không bị gián đoạn.

Căn cứ tình hình kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ Việt Nam giai đoạn 2007-2014 được đánh giá như thế nào, thưa ông?
 
Có thể chia thành hai giai đoạn: Từ 2007-2011 và từ năm 2012 đến nay. Trong giai đoạn từ 2007-2011, bất ổn kinh tế vĩ mô ở mức độ cao. Sự bùng phát các hoạt động tài chính ngân hàng và thị trường chứng khoán đã khiến tín dụng tăng rất mạnh, lạm phát tăng cao, khiến lãi suất tín dụng tăng cao tác động tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư thiếu hiệu quả dẫn đến nhập siêu cao trong nhiều năm và cán cân vãng lai bị thâm hụt mạnh, tỷ giá biến động phức tạp và khó lường. Tóm lại, những biến số kinh tế vĩ mô nói trên đã diễn biến xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính.
 
Từ năm 2012 cho đến nay, những chính sách kinh tế đã có động thái chuyển hướng tích cực từ đối phó ngắn hạn sang ổn định dài hạn, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát được coi là trọng tâm. Các biến số vĩ mô bắt đầu có dấu hiệu dần phục hồi ổn định, nhưng vẫn tồn tại những rủi ro như tăng trưởng kinh tế vẫn đang ở vùng trũng, nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được kết quả như mong muốn, cán cân vãng lai chưa bền vững, và đặc biệt là rủi ro nợ công đang gia tăng nhanh chóng. Cần lưu ý rằng thâm hụt ngân sách cao, nợ công gia tăng nhanh, khả năng trả nợ công khó khăn là rủi ro tiềm ẩn có thể gây nên khủng hoảng tài chính, đặc biệt là khủng hoảng nợ.

Nếu nhìn từ khu vực ngân hàng của Việt Nam hiện nay, theo ông có những rủi ro gì có thể ảnh hưởng đến an ninh tài chính tiền tệ? 
 
Khu vực ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống tài chính của Việt Nam. Những chỉ tiêu an toàn vĩ mô và vi mô cộng gộp cho khu vực này chủ yếu dựa trên khung khổ CAMELS (hệ thống đánh giá tình trạng vững mạnh của các tổ chức tài chính).
 
Ở Việt Nam, các chỉ tiêu này cho thấy hệ thống ngân hàng còn nhiều rủi ro. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) vẫn có xu hướng đi xuống (ngoại trừ các ngân hàng liên doanh nước ngoài). Điều này cũng hàm ý tỷ lệ đòn bẩy vốn của các ngân hàng ở mức cao. Bên cạnh đó, những ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất hệ thống lại có mức an toàn vốn nhỏ nhất và hiện nay đang có xu hướng giấu nợ để giúp CAR tăng lên.
 
Vấn đề sở hữu chéo cũng làm suy giảm chất lượng tài sản chung của toàn ngành ngân hàng. Ngoài ra, sở hữu chéo có thể trở thành công cụ để các ngân hàng vượt qua hàng rào giám sát hệ thống tài chính. Đối với chỉ tiêu về sinh lời, từ vị thế là một ngành hấp dẫn với lợi nhuận lớn, ngành ngân hàng đang phải trải qua thời gian khó khăn nhất khi nguồn vốn huy động hạn chế, tăng trưởng tín dụng giảm, nợ xấu tăng, kết quả là chỉ tiêu về sinh lời đã giảm đáng kể. Từ năm 2009, các chỉ tiêu sinh lời ROA, ROE giảm mạnh, và đến năm 2013, đã xuống dưới mức an toàn theo khuyến cáo của hệ thống CAMELS. Trong khi đó, chỉ tiêu thanh khoản của các ngân hàng có xu hướng giảm.
 
Những rủi ro trên cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều rủi ro và quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng sẽ còn nhiều thách thức lớn trong thời gian tới, đòi hỏi những bước đi quyết liệt và hiệu quả hơn.
 
Ông có nhận xét gì về mô hình giám sát hệ thống tài chính hiện nay của Việt Nam?
 
Hiện nay, mô hình giám sát của Việt Nam là theo chức năng và được phân nhiệm cho nhiều cơ quan khác nhau. Ngân hàng Nhà nước giám sát các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm) giám sát thị trường bảo hiểm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát thị trường chứng khoán,… Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia có chức năng tư vấn, giúp Chính phủ trong điều hành giám sát hệ thống tài chính.
 
Về bản chất, mô hình giám sát đang có một số hạn chế cơ bản. Thứ nhất, là giám sát an toàn vĩ mô và dựa trên cơ sở rủi ro còn yếu, chủ yếu vẫn là giám sát tuân thủ và chưa có một mô hình giám sát chung cho cả hệ thống tài chính, bao quát được cả các tập đoàn kinh tế, nhất là tập đoàn tài chính. Thứ hai, còn thiếu các công cụ và mô hình cho giám sát an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô, đặc biệt là đối với giám sát dựa trên rủi ro. Cụ thể, một số mô hình định lượng như mô hình cảnh báo sớm, mô hình kiểm tra sức chịu đựng (Stress Test), mô hình Var… còn thiếu và ít được phát triển. Thứ ba, do có tình trạng kiêm nhiệm của các cơ quan giám sát tài chính như vừa quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính nên dẫn đến xung đột lợi ích khiến hiệu quả và hiệu lực giám sát không cao. Thứ tư, là khó giám sát một cách hữu hiệu các rủi ro chéo do các cơ quan giám sát hoạt động một cách độc lập trong khi việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành còn yếu. Thứ năm, còn nhiều khác biệt giữa các tiêu chuẩn/chuẩn mực an toàn tài chính giữa Việt Nam và quốc tế.
 
Vậy, theo ông, cần có những giải pháp cơ bản nào để đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ trong thời gian sắp tới?
 
Trước hết và căn bản vẫn là phải quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống tài chính nhằm đạt được ổn định và tăng trưởng bền vững nền kinh tế thực và một hệ thống tài chính lành mạnh. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng một mô hình giám sát tài chính có hiệu quả và theo thông lệ quốc tế. Cụ thể từng bước chuyển sang mô hình giám sát hợp nhất để tăng cường giám sát toàn bộ hệ thống tài chính. Trước mắt cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính bằng cách xây dựng quy trình và khung phối hợp giữa các cơ quan.

Xin cảm ơn ông!
Theo HQ Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo