Quốc tế

Tài mưu lược như thần và thuật dùng người của Tào Tháo

Tào Tháo là một trong những nhà chính trị, quân sự nổi tiếng của Trung Hoa. Dù mang tiếng đa nghi, gian trá, ông vẫn được đánh giá là người dũng cảm, mưu trí hơn người.

Tào Tháo tự là Mạnh Đức, còn gọi Tào A Man, người huyện Bạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ông sinh năm Đông Hán Vĩnh Thọ nguyên niên (155), mất năm Kiến An thứ 25 (năm 220 SCN). Tác giả Tam Quốc Chí Trần Thọ gọi ông là “con người phi thường, kiệt nhân xuất thế”.

Ông sinh ra trong gia đình giàu có, từ bé đã thông minh, ham đọc sách, đặc biệt là binh thư, nhiều mưu mẹo và tài ứng biến.

Sách Tam Quốc Chí viết về ông: "Trị thế chi năng thần, loạn thế chi anh hùng" - thời trị là bầy tôi giỏi, thời loạn là kẻ gian hùng.

Sách Dị Đồng Tạp Ngữ của Tôn Mạnh và Tam Quốc Diễn Nghĩa có ghi: "Tử trị thế chi năng thần, loạn thế chi gian hùng dã".

Ông là người có công thống nhất miền Bắc Trung Quốc, đồng thời thực hiện hàng loạt chính sách phục hồi sản xuất kinh tế và trật tự xã hội, đặt nền móng cho việc lập ra chính quyền Tào Ngụy.

Gian thần mặt trắng

Nhiều tài liệu cho rằng nói Tào Tháo là gian thần mặt trắng là bản án oan mà quan niệm chính thống của nền chính trị phong kiến đã tạo nên. Nhận thức dân gian đối với Tào Tháo chỉ gói gọn trong cụm từ “gian hùng một thời” và xuất phát chủ yếu từ Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Trên sân khấu hý kịch, Mạnh Đức mang bộ mặt trắng toát, mắt kẻ chỉ, tượng trưng cho hình ảnh tên gian thần vạn phần độc ác. Còn theo miêu tả của La Quán Trung, ông “cao 7 thước, mắt nhỏ râu dài".

La Quá Trung luôn ca ngợi Lưu Bị và xem Tào Tháo là vai phản diện, mô tả Tào Tháo gian xảo, đa nghi, tàn bạo nhưng cũng rất thông minh, nhiều mưu mẹo, quyền biến. Trong đó, câu bất hủ của Tào Tháo là “Thà ta phụ người trong thiên hạ, còn hơn để người trong thiên hạ phụ ta”.

Tuy nhiên, trong Tam Quốc Bình Giảng, Mao Tôn Cương cho rằng chỗ hơn người của Tào Tháo là “bụng nghĩ thế nào nói ra thế ấy, không như bọn tiểu nhân nghĩ một đằng nói một nẻo”.

Tạo hình Tào Tháo trong poster phim "Đại chiến Xích Bích". Ảnh: Sina.com.  

Một trong những đặc điểm của Tào Tháo được người đời hay nói là khi thành thực, lúc gian dối.

Bùi Tùng Chi dẫn Tào Man truyện trong Tam Quốc Chí quyển Vũ Đế kỷ viết: Năm 220, Tào Tháo quyết chiến với Viên Thiệu ở Quan Độ, đang trong tình trạng hết sạch lương thực thì gặp Hứa Du. Vừa ngồi yên chỗ, Hứa Du hỏi Tào Tháo còn bao nhiêu lương thực.

Không kịp chuẩn bị, Tào Tháo thuận miệng trả lời: Chí ít cầm cự được một năm. Hứa Du nói thẳng: Không đúng. Nói lại đi.

Tào Tháo sửa lại còn được nửa năm. Hứa Du cười nhạt: Ông không định đánh bại Viên Thiệu hay sao, nói thật đi xem nào?

Tào Tháo là người thông minh, biết Hứa Du nếu không nắm được thực trạng quân lương của mình thì cũng biết tỏng tâm trạng mình, không nói thật đừng hòng được ông ta giúp.

 

Tháo bèn vừa cười vừa nói: Vừa nãy ta nói đùa, chính xác là còn một tháng. Hứa Du thấy Tào Tháo nói thật, bèn phân tích chiến cục và bày cho ông đốt kho lương của Viên Thiệu ở Ô Sào. Chỉ một trận ấy, Viên Thiệu xẹp hẳn, không bao giờ ngóc đầu nổi.

Thế nhưng, đến Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung có ý nhấn mạnh tính chất gian manh của Tào Tháo nên thêm một số chi tiết rằng ông nói nửa năm, Hứa Du không tin; nói ba tháng, Hứa Du vẫn không tin; nói một tháng, Hứa Du bèn giũ áo đứng dậy đi ra khỏi trướng. Đến khi Hứa Du nói toẹt đã hết lương, Tào Tháo mới chịu thú nhận.

Nhà quân sự tài ba

Trong cuộc đời binh nghiệp, Tào Tháo được nhắc đến với các sự kiện như hiệu triệu, họp binh với các chư hầu chống Đổng Trác và không ở dưới quyền ai trong các lộ chư hầu.

Ông thuộc nằm lòng “Binh pháp Tôn Tử”, ứng dụng linh hoạt trong 30 năm chinh chiến. Trong hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, cứ 10 trận ông phải thắng tới 9.

 

Ví dụ, trận Quan Độ, nhờ dùng “kế hỏa công” - dùng lửa đốt lương thảo quân giặc - kho lương và doanh trại của quân Viên bị đốt trụi. Hay trong trận chiến ở Bạch Mã, Tào Tháo dùng chiêu “xa tận chân trời, gần ngay trước mắt” - làm vẻ đánh xa mà thực tế thì tấn công quân địch ngay ở gần.

Tam Quốc Diễn Nghĩa còn kể chuyện khi 10 vạn tướng sĩ của Tào Tháo đang chết khát, ông dùng kế nói rằng phía trước có một rừng mơ. Quân sĩ nghe nói đến mơ thì ai cũng ứa nước dãi, đỡ được cơn khát.

Sau khi diệt họ Viên, Tào Tháo hoàn toàn làm chủ Trung Nguyên, trở thành lực lượng mạnh nhất Trung Quốc khi đó. Ông tiến hành cải cách triều đình Đông Hán, khôi phục chức Thừa tướng và tự mình đảm nhiệm.

Tào Tháo quyết định nam tiến diệt Lưu Biểu và Tôn Quyền là những lực lượng đáng kể trong số các chư hầu còn lại, từng bước lấy được Kinh Châu.

Tuy nhiên, Tào Tháo lại thua trận Xích Bích sau khi Tôn Quyền liên kết với Lưu Bị, sai Chu Du mang 3 vạn quân phối hợp chống Tào.

 

Về binh lược, Tào Tháo có một kỹ xảo chính trị đại tài, đó là "dùng tóc thay thủ cấp". Ông nghiêm khắc với quân nhưng cũng hành xử tương tự với bản thân.

Khi biết mắc lỗi, Tào Tháo rút gươm kề cổ mình trong tư thế chuẩn bị tự sát. Quan quân xúm lại can ngăn, ông bèn cắt chỏm tóc trên đầu và nói "ta tạm tha tội cho mình, nhưng dùng tóc để thay đầu".

Họa cảnh Tào Tháo uống rượu luận anh hùng với Lưu Bị. Ảnh: Artist.artxun.com.

Thuật dùng người của Tào Tháo

Một trong những ưu điểm của Tào Tháo là biết nhìn người và rất biết cách dùng người. Trong quá trình chinh chiến, ông đã thu phục được nhiều hào kiệt, cả văn lẫn võ, làm người hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển cơ nghiệp của mình.

Về võ tướng, ông nắm trong tay Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Tào Hồng, Trương Văn Viễn… Thậm chí, Tào Tháo còn nhiều lần tìm cách giữ lại tướng tài là Quan Vân Trường nhưng không thành.

 

Về mưu sĩ, ông có Hí Chí Tài, Quách Gia, Tuân Úc phụng sự. Những người này được đánh giá có năng lực không thua kém so với Khổng Minh Gia Cát Lượng và Phượng Sồ Bàng Thống.

Mặc dù rất muốn chiêu mộ người tài, Tào Tháo vẫn có những nguyên tắc riêng của mình trong việc dùng người. Người được ông dùng nếu chỉ có tài thôi vẫn chưa đủ, mà phẩm chất đạo đức của họ phải ở mức "chấp nhận được" và phải tuyệt đối trung thành với đất nước, chủ nhân.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến ông quyết định giết chết kẻ "phản trắc" Lã Bố, dù thời điểm ấy Tào Tháo vẫn đang rất cần một dũng tướng. Dương Tu cũng chết dưới tay Tào Tháo vì có tài nhưng không biết "tuân phục".

Bên cạnh đó, Tào Tháo có rất nhiều điểm phải ngưỡng mộ trong việc xử lý những mối quan hệ xã hội. Sau khi xử chém phản nghịch Trần Doanh, Mạnh Đức rất khoan dung với gia tư quyến thuộc nhà Trần như phụng dưỡng mẹ của Trần Doanh, gả chồng cho con gái ông ta.

Đối với Lưu Bị, Tào Tháo cũng rất khí khái, ra ngoài thì ngồi chung xe, vào trong thì cùng dùng cơm, cùng uống rượu luận anh hùng.

 

Nên đọc
Theo Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo