Tai nạn giao thông: ‘Thủ phạm’ cướp đi nhiều sinh mạng nhất
Theo báo cáo, số người chết do tai nạn giao thông đã lên đến con số đáng báo động, đặc biệt là ở người nghèo tại những nước nghèo.
WHO công bố báo cáo trên cùng với lời kêu gọi hành động khẩn cấp để đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững năm 2030, đó là tới năm 2020 giảm một nửa số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến con số 90% số vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra tại những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vốn chỉ chiếm có 54% số lượng xe cộ trên thế giới, một sự chênh lệch rất lớn so với tỉ lệ này các nước có thu nhập cao. Cụ thể, châu Âu có tỉ lệ người tử vong vì tai nạn giao thông thấp nhất tính theo đầu người, trong khi châu Phi chiếm tỉ lệ cao nhất.
Cũng theo báo cáo, số phương tiện giao thông được lưu hành tại 80 quốc gia trên toàn thế giới không đáp ứng được những tiêu chuẩn an toàn cơ bản, đặc biệt là ở những nước thu nhập thấp và trung bình, nơi chiếm gần 50% trong tổng số 67 triệu xe khách mới được sản xuất trong năm 2014.
Tuy nhiên, điểm tích cực của báo cáo này là số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông đường bộ gần như không tăng mặc dù số xe gắn máy trên toàn cầu tăng đáng kể. Trong 3 năm qua, có 79 quốc gia giảm được số trường hợp tử vong trên đường, trong khi 68 nước phải chứng kiến sự gia tăng số trường hợp này.
Theo WHO, những quốc gia thành công nhất trong việc giảm số ca tử vong do tai nạn giao thông là những quốc gia đã cải thiện được những quy định về an toàn giao thông, thực thi pháp luật về vấn đề này, đồng thời nâng độ an toàn của đường sá và xe cộ.
Báo cáo trên được soạn thảo dựa trên việc phân tích những số liệu về giao thông đường bộ tại 180 quốc gia. Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị cấp cao toàn cầu về an toàn đường bộ lần thứ 2 diễn ra tại thủ đô Brasilia của Brazil từ ngày 18 đến ngày 19/11 tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo