Pháp luật

Tai nạn tại Formosa: Phải xử lý về hình sự?

Luật sư cho biết, cần thiết phải xử lý hình sự vụ sập giàn giáo ở Formosa Hà Tĩnh khiến 13 người tử vong, hàng chục người khác bị thương nặng...

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Kienthuc.net

 

Như tin đã đưa, khoảng 20h ngày 25/3, trên công trường xây dựng cảng Sơn Dương thuộc khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra sự cố sập giàn giáo. Vụ việc xảy ra tại công trình do nhà thầu Samsung C&T Corp, thuộc Tập đoàn Samsung Group của Hàn Quốc đảm nhiệm.

Theo đó, hơn 50 công nhân đang tháo vật liệu ở cột bêtông (dùng để cắm ngoài biển) thì giàn giáo cao hàng chục mét bất ngờ đổ sập. Nhiều công nhân đang làm việc tại đây bị vùi trong đống sắt thép.

Theo lời kể của các nạn nhân, vụ tai nạn xảy ra khi công nhân của nhà thầu đang lắp giàn giáo thi công đúc giếng chìm để làm đê chắn sóng cảng Sơn Dương. Lúc này, công nhân đang đẩy những cấu kiện đã đúc được ra ngoài, đẩy thép vào khuôn để tiếp tục đúc bêtông thì bị sập. Khối bêtông rất lớn đã kéo sập cả hệ thống giàn giáo.

Các công nhân cho biết, trước khi xảy ra tai nạn khoảng 1 tiếng đã có rung lắc mạnh trên giàn giáo. Các công nhân đã có ý kiến với tư vấn giám sát người Hàn Quốc, tuy nhiên họ vẫn được yêu cầu trở lại làm việc.

Vụ việc xảy ra đã đã đặt ra vấn đề trách nhiệm sẽ thuộc về cá nhân, đơn vị nào? Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (VP luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Trước hết phải xác định đây là vụ việc tai nạn trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các qui định về an toàn lao động trong xây dựng nên mới dẫn tới bị sập giàn giáo và 17 người công nhân đã bị tử vong và gây thiệt hại về tài sản.

Về trách nhiệm chủ yếu dẫn tới vụ việc tai nạn là do người giám sát thi công trực tiếp giám sát, chỉ đạo thi công công trình đã không tuân thủ các qui định về an toàn lao động khi các công nhân đã có ý kiến thấy hiện tượng rung lắc mạnh trên giàn giáo mà không kiểm tra, đánh giá và yêu cầu ngừng thi công để đảm bảo an toàn tính mạng công nhân và tài sản của công trình.

Hậu quả xảy ra là bị thiệt hại về tài sản và gây chết nhiều người. Hành vi của Người giám sát có dấu hiệu phạm tội “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 227 BLHS.

Lỗi của người tư vấn giám sát trong vụ việc này là lỗi vô ý do tự tin được qui định tại khoản 1 điều 10 BLHS Vô ý phạm tội “ Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”

Trách nhiệm của nhà thầu sẽ bị xử lý thế nào khi để xảy ra sự việc đau lòng này, thưa ông?

Để xử lý trách nhiệm nhà thầu là khó có căn cứ. Bởi lẽ, việc đảm bảo an toàn lao động đã được nhà thầu thuê đơn vị giám sát phải chịu trách nhiệm giám sát về các biện pháp đảm bảo an toàn khi trong thi công.

Do vậy, nếu hậu quả xảy ra thì bên giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả thiệt hại do không làm đúng trách nhiệm của mình.

Để tránh những việc đáng tiếc xảy ra với các công trình khác, cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài xử lý mạnh tay như thế nào?

Theo tôi, cần khởi tố vụ án hình sự để làm căn cứ xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng.

Ngoài ra, cũng cần yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát,.. phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng các qui chuẩn về an toàn lao động trong thi công thì công trình mới được xây dựng.

Cảm ơn ông!

Theo Vnmedia
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo